Những ai từng sống ở nông thôn thuộc huyện Sơn Tịnh vào thế kỷ trước, hẳn còn nhớ những tên gọi như chợ Đình ở xã Tịnh Bình, chợ Hàng Rượu ở xã Tịnh Ấn, chợ Bờ Đắp ở xã Tịnh Hòa, chợ Bò ở xã Tịnh Phong... Bây giờ, những tên chợ ấy đã rơi vào quên lãng dù việc mua bán tại vị trí chợ ngày xưa ấy
Chợ Chùa- mạch nối quá khứ và hiện tại Nhớ thương nón lá chợ Đình Tìm về chợ Két Chợ chiều Tổng Bâng- Một thời vang bóng
Định danh cho chợ - mỗi nơi một cách
Hôm rồi, tôi có dịp ngang qua chợ Đình, ở xã Tịnh Bình. Thấy tấm biển ghi “chợ Đình”, đứa cháu lên 8 được “ông trẻ” dẫn theo hỏi: “Ông ơi, đã chợ sao lại có đình nữa?”. Lâu nay quen miệng gọi thế chứ giờ trẻ con nó hỏi thì giật mình ngay vì không ít người, nhất là lớp thanh niên ngày nay không hiểu ngọn ngành về tên các ngôi chợ như chợ Đình này.
Hỏi cụ bà Nguyễn Thị Mai (83 tuổi), một đại lý buôn nón trước đây ở chợ Đình giải thích: “Chợ Đình thuộc làng Châu Nhai, một tên gọi cũ thời Pháp thuộc, nguyên nó là ngôi chợ, nhóm ở Gò Cát. Đâu khoảng năm 1952, máy bay Pháp nó hay bay xẹt ngang qua vùng này và thả bom.
Thế là, thay vì nhóm chợ giữa Gò Cát, người ta rút vô trong một cánh rừng bên cạnh đó. Trong cánh rừng này lại có một ngôi đình do dân Châu Nhai lập ra để hội họp, tế lễ thường niên. Vì là trong chợ có ngôi đình, thế là người ta định danh luôn cho nó là chợ Đình”.
Còn việc định danh chợ Bò, ở xã Tịnh Phong lại khác. Vì là chợ chỉ để mua bán bò nên gọi là chợ Bò. Nó nằm ở “cây số 6”, tức tính từ trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi ra đó đúng 6 cây số. Lúc nhỏ, tôi có theo cha tôi đi xem mua bán bò ở ngôi chợ này. Mang tiếng là chợ chứ thật ra nó là một bãi đất trống, có mấy cái chuồng bò dã chiến được che tạm bằng lá dừa, trông rất nhếch nhác. Những ai bán, mua bò thì đến đây. Người bán bò dắt bò mình đến cột vô cọc của một trong những cái chuồng dã chiến ấy, người mua bò cũng đến đấy để xem cẳng xem giò, trả treo, thêm bớt trước khi thỏa thuận “chốt” giá và dắt bò về.
Còn chợ Bờ Đắp, tên gọi gợi nhớ đến một công việc rất có ý nghĩa nhưng vô cùng cực nhọc của ông bà ta từ hồi 9 năm chống Pháp (1945 - 1954). Đi theo quốc lộ 24B đến hết xã Tịnh Hòa (nay thuộc TP.Quảng Ngãi) thì sẽ thấy phía bên trái là cánh đồng muối (giờ chủ yếu là hồ tôm), còn bên phải là nơi neo đậu tàu thuyền.
Khi triều lên, nước mặn thâm nhập sâu vào cánh đồng này nên người dân ở đây không thể canh tác gì được. Chính quyền thời Việt Minh cho đắp một con đập ngăn mặn (như đập Hòa Khê sau năm 1975), giữa con đập có một cái cống xả hoặc lấy nước chủ động, trên con đập ấy hình thành cái chợ chồm hổm. Vì họp chợ ngay trên con đập (bờ đắp) ngăn mặn nên gọi là chợ Bờ Đắp. Đây là ngôi chợ, bên cạnh bán các loại hàng hóa quen thuộc như hải sản và nông sản, nó còn là nơi mua bán một loại vật liệu mà bây giờ chỉ còn trong ký ức của lớp người già: Hom tre.
Có một ngôi chợ nữa, nó gắn liền với cuộc chiến tranh chống Mỹ, chỉ tồn tại đâu chừng 6 - 7 năm gì đó rồi tự giải tán khi đất nước thống nhất. Đó là chợ Gốc Dừa, hay là chợ Cây Dừa. Nó nằm cách gác chắn đường tàu cầu Bàu Ấu, xã Tịnh Hà chừng 300m về phía đông. Xóm này có rất nhiều dừa, chợ họp dưới gốc dừa gọi là chợ Gốc Dừa. Chợ này chủ yếu phục vụ cho số gia đình ở các xã khu tây Sơn Tịnh chạy giặc xuống đây tá túc trong các khu dồn do chính quyền thời Việt Nam Cộng hòa xây dựng. Vì vậy, sau ngày thống nhất đất nước, các khu dồn dân này giải tán, nên chợ Gốc Dừa cũng tan theo.
Đặc sản của các chợ
Dựa vào các loại đặc sản bán trong chợ, người ta định danh cho ngôi chợ ấy, như chợ Bò hay chợ Hàng Rượu chẳng hạn. Nhưng có những ngôi chợ lại không nằm trong quy luật ấy. Chợ Đình là một ví dụ. Chợ Đình là ngôi chợ độc đáo nhất chuyên bán một loại “thời trang” mà bất cứ ai cũng phải sử dụng. Đó là nón lá. “Mẹ về nón lá nghiêng che” (thơ Đỗ Trung Quân). Hình ảnh ấy, ai mà chẳng nhớ đó là mẹ ta sau mỗi buổi làm đồng về. Nghiêng che ở đây chả phải làm duyên làm dáng để chụp ảnh selfie như bây giờ đâu, mẹ ta nghiêng vành nón lại để lấy ra khỏi đầu và quạt cho mát tí rồi vào bếp cơm nước cho cả nhà đó thôi.
Cụ bà Nguyễn Thị Mai nhớ lại: “Đến sau năm 1954, chợ Đình vẫn tiếp tục họp trong cánh rừng ấy chứ không quay lại Gò Cát. Chợ chỉ nhóm họp lúc 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều là tan. Từng “núi” nón lá được gom về đây bán. Có một thương nhân người Bình Định tên là Đồng chuyên ra đây gom từng “cây” nón, cứ đủ một chuyến hàng thì thuê xe chở về. Mỗi tháng ông ra vài lần và mua hết số nón ở chợ Đình. Vì vậy, dân quanh vùng như Vĩnh Lộc, Châu Nhai, An Thiết (Bình Nam, Bình Bắc, Bình Đông bây giờ) đã hình thành những làng chằm nón chuyên nghiệp là vậy”. Cuộc sống hiện đại với đủ các loại thời trang phù hợp từ vài chục năm nay đã “khai tử” luôn nghề chằm nón, nhưng chợ Đình thì vẫn còn đó, dù “đặc sản” thì không còn mấy nữa.
Có một tên gọi gắn với một thứ hàng hóa, thoạt nghe rất giống phố phường Hà Nội. Đó là chợ Hàng Rượu. Tôi cứ thắc mắc mãi là chợ ấy bán rượu hay là chỗ đó có cây hàng rượu, một loài cây mọc hoang giống cây cà dại mà lũ trẻ thôn quê hay hái để chơi đồ hàng? Người tôi định hỏi ấy là bác Nguyễn Đức Tập, một nhà nho hiếm hoi ở tỉnh, giờ bác đã về miền mây trắng mấy năm nay.
Nghe tôi thắc mắc vậy, bác Nguyễn Tùng (89 tuổi) ở Tịnh Hà giải thích: “Chợ bán rượu chứ chả phải cây hàng rượu đâu. Thời Pháp ở Sơn Tịnh có hai nơi bán rượu công khai, một là chỗ đầu cầu Quán Cơm, khu quanh đèn xanh đèn đỏ bên này sông Trà có tiệm rượu Xi-ca (?) chuyên bán rượu “có thương hiệu”, còn rượu ngoài chợ Hàng Rượu là các loại rượu “bình dân”. Dĩ nhiên là, trong chợ còn bán nhiều loại hàng hóa khác, nhưng có một gian hàng chuyên bán rượu, nên dân quen gọi là chợ Hàng Rượu”.
Tên chợ Hàng Rượu này quá đỗi thân quen với người dân Sơn Tịnh, không biết lý do gì mà người ta lại xóa tên ấy đi để đổi thành chợ Tịnh Ấn, rồi giờ là chợ Trương Quang Trọng, thật là tiếc vậy.
Chợ Bò thì chuyên bán bò như đã nói. Nếu có điều kiện ngồi nghe những cụ chuyên buôn bò ngày xưa kể lại cách thức mua bán bò ở ngôi chợ này, thì nó hấp dẫn chả kém gì chuyện mua bán bò ở chợ Bò nổi tiếng ở thị trấn Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cả.
Riêng chợ Bờ Đắp có bán một loại vật liệu mà vùng nông thôn những năm 70 trở về trước, không nhà nào là không sử dụng. Đó là hom tre. Cha tôi là một chuyên gia chẻ hom tre. Vườn nhà tôi trồng kín tre, phần để chắn gió bão, phần để đan đát lúc nông nhàn. Hom là thứ mà cha tôi chọn để “chế biến” từ tre. Loại này để đánh tranh lợp nhà.
Ở vùng Sa Kỳ, Bình Châu rất ít khu vườn có tre nên dân phía tây Sơn Tịnh gánh hom xuống chợ Bờ Đắp để bán. Có lẽ nó chưa đủ “mạnh” để người ta gắn loại vật liệu ấy vào tên chợ nên Bờ Đắp vẫn là tên gọi quen thuộc.
Chợ không chỉ là chỗ trao đổi sản vật giữa các vùng miền từ thuở cha ông đi mở cõi, mà còn là nơi bảo tồn những gì thuộc về lịch sử và văn hóa của một vùng đất qua tên gọi của nó. Rất tiếc, chúng ta không còn lưu giữ tên gọi của các ngôi chợ đã gắn với bao lớp người xưa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.