Choáng: 72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp

Thứ ba, ngày 01/04/2014 10:24 AM (GMT+7)
10 năm trước, lời cảnh báo về dư thừa nguồn nhân lực đã được đưa ra trước Quốc hội. Thực tế điều đó đã trở thành sự thật. Thống kê mới nhất, cả nước có đến hơn 72.000 cử nhân và thạc sỹ thất nghiệp...
Bình luận 0
Con số báo động…

72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp là con số và cũng là vấn đề lớn sau khi Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra. Có thể nói vấn đề thất nghiệp không có gì mới lạ, nhưng điều khiến người ta không khỏi giật mình là con số đưa ra lại quá khủng như vậy! Nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là hệ quả của việc đào tạo không tính tới giới hạn nhu cầu sử dụng lao động. Điều đó dẫn đến, cả nước luôn trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Ngành giáo dục thì cứ đào tạo, cứ có người theo học thì cứ dạy. Còn vấn đề việc làm sau này của các cử nhân, thạc sỹ thì có vẻ... miễn bàn, không quan tâm.

Tuyển sinh tràn lan, ồ ạt, chất lượng đầu vào và đầu ra kém chất lượng là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thất nghiệp với con số khủng hiện nay (Ảnh minh họa)
Tuyển sinh tràn lan, ồ ạt, chất lượng đầu vào và đầu ra kém chất lượng là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thất nghiệp với con số khủng hiện nay (Ảnh minh họa)

Điều này đã được chứng minh ở góc nhìn của đơn vị theo dõi các diễn biến thị trường lao động và tổng hợp các kết quả dự báo từ cuộc điều tra về nhu cầu sử dụng lao động. Đại diện Trung tâm dự báo quốc gia lao động việc làm đánh giá hiện nay, giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động đang có sự khác biệt rõ rệt.

Một vấn đề đáng được đặt câu hỏi ở đây là: Tại sao ở các ngành đang rất cần nhân lực, nguồn lao động thì lại không tuyển được người, trong khi lại có đến 72.000 cử nhân, thạc sỹ dư thừa, thất nghiệp? Liệu có phải, chất lượng đào tạo hiện nay quá tràn lan, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng?

Giải pháp đổi mới


Có thể chỉ ra nguyên nhân chính nhất của tình trạng trên là từ hệ quả của việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh quá yếu kém. Chưa biết cách điều tiết lượng cung – cầu giữa đào tạo và tuyển dụng bởi cung cách làm việc mạnh ai nấy làm đã trở thành một căn bệnh cố hữu của nước ta. Phân tích rõ hơn sẽ thấy rằng, đầu vào để Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quá trình đào tạo chủ yếu là dựa trên nguyện vọng của gia đình và cá nhân học sinh, sinh viên. Trong khi, việc tuyển dụng lại là do mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyển phụ thuộc vào khả năng của phát triển kinh tế vào thời điểm đó.

Với tấm bằng thạc sỹ, nhưng lại không phù hợp nhu cầu tuyển dụng của nền kinh tế hiện nay, các thạc sỹ vẫn phải chấp nhận ôm bằng thất nghiệp (Ảnh minh họa)
Với tấm bằng thạc sỹ, nhưng lại không phù hợp nhu cầu tuyển dụng của nền kinh tế hiện nay, các thạc sỹ vẫn phải chấp nhận ôm bằng thất nghiệp (Ảnh minh họa)

Như vậy, nguyên nhân chính là do không có quy hoạch đào tạo, kế hoạch định hướng phát triển, điều tiết nguồn nhân lực phù hợp với từng thời kì phát triển của đất nước. Các trường thi nhau tuyển sinh, tuyển ồ ạt, các chuyên ngành đào tạo mới được mở ra hàng năm nhưng đầu vào và đầu ra khá dễ dãi. Rất dễ dàng để các sinh viên có được trong tay tấm bằng cử nhân, thạc sỹ. Chính điều đó làm cho chất lượng nhân lực chuẩn không có, ngành nghề đào tạo lại không phù hợp với định hướng xã hội.

Nếu như các cử nhân khác dễ dàng chấp nhận cho mình một công việc để tránh tình trạng thất nghiệp, thì với tấm bằng thạc sỹ, cùng căn bệnh “sĩ”, họ không dễ dàng chấp nhận kiếp làm công ăn lương. Kết quả thất nghiệp là điều đương nhiên!

Bên cạnh đó, thị trường lao động đang ngày càng khó khăn, tuyển dụng rất có chọn lọc. Bằng cấp là một chuyện, nhưng những am hiểu về thực tế, những kỹ năng, độ tư duy và nhạy bén cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tuyển dụng lao động hiện nay. Thiết nghĩ, để tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ, nguồn cung rất nhiều nhưng lại không đáp ứng được cho nguồn cầu, và chất lượng nguồn nhân lực có thể đáp ứng được cho nhu cầu CNH- HĐH đất nước thì trước hết phải thay đổi căn bản. Cần đổi mới toàn diện về giáo dục và chất lượng đào tạo.
Congluan (Theo Congluan)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem