Tôi nhớ cái ngày vét hết tất cả những thứ có giá trị trong nhà, kể cả cặp nhẫn cưới đem bán lấy tiền cho anh đi thành phố làm ăn, anh ôm tôi rất lâu: “Em ở nhà ráng lo cho mẹ, anh sẽ cố gắng làm kiếm thật nhiều tiền rồi rước em lên”.
Tôi nói rằng tôi không mơ giàu có mà chỉ muốn anh được thỏa chí bay nhảy và cuộc sống gia đình đỡ chật vật hơn. “Còn cái chuyện lên thành phố thì sau này tính vì em quen sống ở đây rồi, trên đó ồn ào lắm”. Tôi nói để anh đỡ lo chớ thật ra ai cũng bảo tôi chồng đâu thì vợ đó mới chắc ăn vì ở thành phố mọi thứ không đơn giản, nhất là đàn ông, không có vợ con bên cạnh, họ rất dễ sa ngã. “Nhớ là không được lo lắng bậy bạ nghe chưa. Anh chỉ có một mình em thôi”- anh ôm hôn tôi trước khi đi.
Anh lên thành phố hùn hạp với bạn bè mua bán phế liệu; được hơn 2 năm thì thành lập cơ sở gia công cơ khí. Có lẽ ông trời thương tình, cộng với tính tình chăm chỉ của anh nên chỉ 5 năm sau anh đã kiếm được 5 cây vàng mua miếng đất ở Bình Chánh cất căn nhà nhỏ. Khi nghe anh nói tôi rất mừng vì có nhà rồi, anh sẽ đỡ vất vả; hơn nữa có nhà rồi thì ngày vợ chồng sum hợp cũng không còn xa nữa.
Có lần mẹ chồng tôi bảo: “Hay là con dọn lên ở với nó, để mẹ về Cà Mau với con út chớ vợ một nơi, chồng một ngã như vầy, mẹ thấy không được”. Ý mẹ tôi nói chuyện con cái vì cưới nhau như vậy là đã được hơn 8 năm mà tôi vẫn chưa sinh cho mẹ thằng cháu nội. Đâu phải tôi không muốn có con mà vì thời gian đầu mới cưới còn nghèo quá nên vợ chồng kiêng cữ; còn kể từ khi anh đi Sài Gòn thì mỗi tháng anh về một lần rồi đi, tôi cũng van vái trời phật phù hộ cho tôi có một đứa con để hủ hỉ cho vui cửa, vui nhà nhưng mãi vẫn không thấy.
Cho đến một lần cách đây chưa lâu, anh gọi điện nói rằng anh bị bệnh nên không về được. Anh bảo tôi đừng lo, tiền chi tiêu trong tháng của hai mẹ con, anh đã bỏ vô thẻ cho tôi đầy đủ. Tự dưng tôi muốn khóc. Cái mà tôi cần là hơi ấm của một người chồng chứ đâu phải những đồng tiền vô tri mà tháng tháng anh gởi vào tài khoản cho tôi? Anh đâu biết rằng, tôi không hề đụng đến những đồng tiền đó. Lương giáo viên của tôi cộng với thu nhập từ tiệm tạp hóa của mẹ, hai mẹ con chi xài tằn tiện thì cũng đã đủ.
“Tháng này thằng Tuấn không về hả con?”- tối thứ bảy, mẹ tôi đột ngột hỏi. Tôi cứ tưởng mẹ quên, ra là mẹ vẫn nhớ. “Dạ, ảnh bệnh rồi mẹ”- tôi nói để bà đừng trông. Không ngờ bà bảo tôi: “Vậy thì con phải lên coi nó bị làm sao”. Bà giục tôi đi Sài Gòn. Thú thật nghe nói là tôi đã sợ. Tôi xem tivi thấy trên đó đủ thứ phức tạp thì rất sợ. Hơn nữa đường đi nước bước tôi đâu có biết, lỡ mà đi lạc thì không biết làm sao? “Đường đi trong miệng mình, cứ hỏi người ta thì ra hết”- mẹ tôi gắt.
Tôi biết bà nóng ruột con trai nên mới như vậy chớ trước nay lúc nào bà cũng nhẹ nhàng với tôi. “Dạ, để con đi thăm ảnh, mẹ đừng lo, mẹ ngủ đi”. Tôi trấn an bà trong khi cả đêm tôi gần như không ngủ được. Tôi cũng không dám gọi cho Tuấn vì biết tính anh, một khi anh đã nói không được làm thì không được cãi lời.
Sáng sớm, tôi đón xe đi Sài Gòn. Lên tới Bến xe miền Tây thì đã 11 trưa. Tôi đưa địa chỉ cho một anh xe ôm nhờ anh chở đi. Anh ta săm soi tờ giấy rồi lắc đầu: “Ghi vầy ông nội tui tìm cũng hỏng ra nói chi tui”. Nhưng có lẽ thấy vẻ mặt thất vọng của tôi, anh ta tội nghiệp nên lại nói: “Thôi thì để tôi chở cô đi tìm nhưng nói trước là tôi coi đồng hồ để tính tiền đó nghen”.
Đúng là cái địa chỉ mà Tuấn nói và tôi ghi lại chẳng tồn tại trên đời này. Nó là một khu nhà xây dựng trái phép, chẳng có số nhà, cũng không có tên đường. Tôi nói với anh xe ôm: “Thôi, anh để tôi đi hỏi từng nhà, thế nào cũng kiếm được”. Anh xe ôm có vẻ ái ngại cho tôi: “Lỡ cô kiếm không ra thì sao?”. Tôi bảo anh đừng lo, kiếm không được tôi sẽ đón xe ra bến xe để về quê. Anh chỉ lấy 50 ngàn tiền xe dù phải mất cả buổi trưa chở tôi đi vòng vòng.
Cuối cùng rồi tôi cũng tìm được nơi cần tìm. Đó là nhờ tôi nhanh trí, kiếm nhà tổ trưởng dân phố để hỏi. Nhưng bà tổ trưởng cũng nghĩ nát nước mới nhớ ra: “À, nhớ rồi, hai vợ chồng ông này ở tuốt luốt trong hẻm. Nghe đâu vợ mới đẻ. Cháu là em ổng hả? Dưới quê mới lên hả?”. Tôi nghe vậy thì tin chắc rằng bà tổ trưởng đã nhầm lẫn, thế nhưng đã lỡ nhờ người ta dắt đi tìm, thôi thì cứ đến rồi cảm ơn và đi chỗ khác cũng không sao.
Thế nhưng bà tổ trưởng không lầm, chỉ có tôi lầm. Nhà đó đúng là có một người tên Tuấn, đúng là họ có hai vợ chồng và đúng là vợ anh ta vừa đẻ... Đến giờ tôi vẫn nhớ như in ánh mắt hốt hoảng của anh lúc đó. Anh đứng như trời trồng, miệng há hốc. Tôi cũng vậy. Nhưng rồi chính tôi lại người giải vây cho anh. Tôi cố nén để đừng khóc: “Anh hai, mẹ nghe nói anh bệnh nên bảo em lên coi anh sao rồi”.
Bà tổ trưởng tươi cười: “Thôi, ở chơi với anh chị nghen, dì về đây”.
Tôi chết sững nhìn chồng mình. Ra lý do anh không về là đây. Tôi nhìn vào buồng, nơi có tiếng con nít khóc oe oe rồi lại nhìn anh. “Ra là vậy!”. Tôi chỉ nói được có bấy nhiêu rồi quay lưng bỏ chạy. Anh đuổi theo kéo tôi lại: “Nghe anh nói, chuyện dài dòng lắm, không phải như em nghĩ đâu”. Tôi hất tay anh ra: “Tôi không muốn nghe”.
Tôi chạy như bị ma đuổi khỏi ngôi nhà không số, không có tên đường ấy. Đất trời như đổ sụp dưới chân. Đầu óc tôi quay cuồng.
Hôm đó tôi về tới nhà đã 11 giờ đêm.
Mẹ chồng tôi vẫn còn thức chờ. Nghe tiếng kêu cửa, bà lật đật chạy ra: “Nó sao rồi con? Vô tắm rửa rồi ăn cơm. Để mẹ hâm đồ ăn”. Thấy mẹ luýnh quýnh, tôi thương bà đến nghẹn lời: “Ảnh chỉ bị cảm sơ sơ thôi mẹ”. Rồi tôi vào phòng tắm. Dường như sức chịu đựng của tôi chỉ đến đó. Tôi ngồi sụp xuống, ôm mặt bật khóc.
Giờ thì mẹ tôi đã biết. Bà nằm vùi mấy ngày. Bà khóc và xin lỗi tôi vì “con dại cái mang” nhưng trong chuyện này, tôi làm sao có thể trách mẹ? Nếu có trách là trách chồng tôi, anh đã không giữ được lòng mình, không giữ vẹn chữ thủy chung như đã từng thề thốt. Anh gọi điện về nói rằng, anh không dám về để gặp tôi, gặp mẹ. Anh nói do hoàn cảnh đưa đẩy chứ anh vẫn một dạ với tôi...
Thế nhưng giờ đây niềm tin trong tôi đã sụp đổ. Những tháng ngày trước mặt, tôi không biết phải làm sao với cuộc hôn nhân đã rạn vỡ của mình. Tôi phải buông bỏ để anh đi với người đàn bà kia hay là giành giật, níu kéo một con người đã không còn trọn vẹn thuộc về mình?
Người lao động (Theo Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.