Choáng với cách đặt tên "độc" cho con

Chủ nhật, ngày 23/12/2012 06:39 AM (GMT+7)
Gia đình gồm có 9 anh em trai, cả 9 người đều có những cái tên nghe lạ tai: Lún, Lụn, Lùn, Sún, Soén, Viền, Liền, Chắp, Nối.
Bình luận 0

b
Ông Vũ Đình Lún, 65 tuổi, anh cả trong gia đình 9 anh em trai.

Đặt tên xấu để... "dễ nuôi"

Khi đến làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), hỏi thăm gia đình anh em trai họ Vũ Đình thì ai ai cũng biết vì cả 9 anh em đều có tên gọi rất lạ lùng.

Gia đình gồm 9 anh em trai là các ông: Vũ Đình Lún (sinh năm 1947), Vũ Đình Soén (1957), Vũ Đình Sún (1958), Vũ Đình Lùn (1960), Vũ Đình Viền (1961), Vũ Đình Lụn (1962), Vũ Đình Liền (1963), Vũ Đình Chắp (1967) và Vũ Đình Nối (1972).

Cả 9 anh em trai nói trên hiện đang sinh sống tại quê bằng nghề làm ruộng. Ông Vũ Đình Soén phụ trách công việc trông coi di tích đền thờ nàng Bình Khương - một di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và nằm trong quần thể di tích Thành nhà Hồ.

b
Ông Vũ Đình Soén hiện đang làm ông thủ từ trông coi di tích đền thờ làng Bình Khương (Vĩnh Long, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Về nguyên nhân cả 9 anh em đều được đặt những cái tên nghe khá ngộ nghĩnh, ông Vũ Đình Lún (65 tuổi), là anh trai cả cho biết: "Ngày xưa ông bà quan niệm sinh con ra đặt tên xấu thế để cho "dễ nuôi", đặt tên đẹp thường hay ốm đau và bị người âm bắt. Bởi vậy cả 9 anh em trai chúng tôi đều được đặt những cái tên nghe khá lạ".

Ông Lún kể: "Khi sinh ra, đặt tên như thế nào là do bố mẹ, rồi các cụ ghi luôn vào giấy khai sinh. Có nhiều gia đình đông con quá, có khi bố mẹ cũng chẳng nhớ ngày sinh của con cái, chỉ nhớ tháng với năm thôi. Lúc nhỏ thì chẳng ai để ý cái tên của mình làm gì, chỉ khi lớn lên, đi học thấy bạn bè trêu thì mới biết".

"Thằng con đầu nhà tôi nay đã có gia đình với 2 mặt con, cách đây hơn hai chục năm đến khổ với nó vì chuyện cái tên của tôi với các chú của nó. Hôm nào đi học về cũng thấy nó khóc, hỏi bị các bạn bắt nạt à, nó bảo: "Không, con bị các bạn trêu. Bố thay tên đi, tên bố xấu lắm, các bạn toàn đem ra trêu con thôi". Thế là cu cậu không làm gì được mới khóc tấm tức. Cũng chả biết phải giải thích với con như thế nào. Lớn lên thì nó suy nghĩ khác rồi", ông Lún chia sẻ.Ngoài ra, ông Lún còn cho biết thêm, không chỉ có 9 anh em ông có tên gọi "độc" mà ở xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) bên cạnh cũng có trường hợp 7 anh chị em có tên "độc" tương tự, 7 người có tên lần lượt là: Ca, Hát, Đàn, Sáo, Trống, Nhị, Kèn. Tên được đặt theo tên của các nhạc cụ.

Về nguyên nhân 7 anh chị em được đặt tên như vậy, ông Lún giải thích: "Không chỉ là đặt tên xấu cho dễ nuôi đâu, mà ông bà cụ thân sinh ra 7 người con ấy trước kia từng là nghệ nhân hát xẩm, niềm đam mê nghệ thuật đã ngấm vào máu của các cụ nên khi sinh con ra cũng đặt tên theo tên gọi các nhạc cụ ấy như một kỷ niệm".

Ngày nay tên con phải đẹp đủ đường

Thực tế cho thấy, cách đặt tên gọi cho con cái khi mới sinh ra không chỉ có người xưa chú ý mà ngày nay vẫn được nhiều ông bố bà mẹ đặc biệt quan tâm. Có điều thay vì "đặt tên xấu cho con cái để dễ nuôi" như các cụ ngày xưa thì ngày nay các ông bố bà mẹ lại chú ý chọn cho con tên gọi đẹp nhất, mà như có người nói là đẹp cả về mặt ngữ âm lẫn phong thủy.

Anh Lê Văn Tùng, trú tại Tổ 50, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: "Ở công ty tôi đang làm có một anh bạn sắp được "lên chức" bố. Hai tháng trước khi vợ sinh, anh đi nhờ thầy phong thủy tư vấn để đặt tên cho con. Tên anh là Lộc, vợ tên Hương.

Sau một hồi xem xét, tính toán đủ kiểu, thầy phong thủy phán con trai anh khi sinh ra nên đặt tên là Minh Phúc, như vậy vừa không bị xung với tên bố mẹ, lại hợp với ngũ hành tương sinh, sẽ thuận lợi cho đường công danh sau này. Nhưng mới nghe thầy nói xong thì anh giãy nảy lên từ chối và xin thầy cho con trai mình đặt một tên khác, anh không thích tên ấy. Cuối cùng thầy bảo đặt tên là Quang Minh anh ấy mới chịu".

"Mãi sau chúng tôi mới biết lý do vì sao anh từ chối đặt tên con là Minh Phúc. Năm 2001 anh sang bên Anh bảo vệ luận án thạc sĩ về Quản trị kinh doanh, cùng đi với anh còn có thêm 4 người bạn nữa, một người trong số ấy có người tên là Phúc. Buổi ra mắt giới thiệu trước lớp mới, khi anh này vừa nói "I am Phuc" thì cả lớp bỗng dưng cười ồ lên, còn anh này thì ngơ ngác không hiểu.

Khi hiểu ra nguyên nhân là cách phát âm tên mình hơi giống một câu chửi thề bằng tiếng Anh, anh này ngượng quá, 3 hôm không dám đến lớp. Chính vì câu chuyện của người bạn mà anh Lộc nhất quyết không đặt tên con là Phúc với lý do: mai này nó có đi du học cũng không bị bạn bè trêu".

Chị Nguyễn Thị Hương Giang (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Không chỉ ngày xưa mà ngay cả thời hiện đại quan niệm đặt tên xấu cho con để "dễ nuôi" vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt là các vùng nông thôn, miền núi. Có thể khi các cháu bé còn nhỏ thì gọi bằng tên như vậy các cháu sẽ không thấy có cảm giác gì. Tuy nhiên khi các cháu lớn lên thì sẽ mang mặc cảm về cái tên của mình mỗi khi đi học, đi chơi, đi làm. Chính vì vậy, những "tên xấu cho dễ nuôi" chỉ nên dùng để gọi ở nhà cho thân mật, còn tên trong giấy khai sinh thì nên đặt tên bình thường".

"Đôi khi vì quá coi trọng việc đặt tên cho con mà trong gia đình phát sinh mâu thuẫn vì mỗi người mỗi ý. Thêm vào đó, có trường hợp vì "tên đẹp" mà nhiều đứa trẻ sau này khi đi học thậm chí trưởng thành và đi làm cũng phải chịu một áp lực vô hình trong cuộc sống", chị Giang chia sẻ.

Theo Kiến Thức
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem