Choáng với những vụ lừa chạy án bằng chiêu... "nổ"

Thứ hai, ngày 18/05/2015 09:28 AM (GMT+7)
Chiêu trò mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo đều giống nhau, đó là mạo nhận mình là cán bộ Nhà nước có nhiều quan hệ để tác động vào niềm tin của người nhờ vả.
Bình luận 0
Những ngày gần đây, TAND TP.Hà Nội và Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã mở nhiều phiên tòa xét xử các vụ lừa đảo dưới hình thức “chạy án” để chiếm đoạt tài sản của người thân các bị can, bị cáo. Đây là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, bởi đối tượng phạm tội ngoài lừa đảo còn gây ra cách hiểu sai lệch về việc có thể dùng tiền để giúp đối tượng phạm tội không bị pháp luật trừng phạt. Theo dõi phiên tòa xét xử các vụ án này, chúng tôi thấy chiêu trò mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo đều giống nhau, đó là mạo nhận mình là cán bộ Nhà nước có nhiều quan hệ để tác động vào niềm tin của người nhờ vả.  

Ngày 11.5, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Long (35 tuổi, ở phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội) 13 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo bản án sơ thẩm, chồng của chị Đỗ Thị Thủy (quê ở Bắc Ninh) và đồng bọn bị Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật.

Qua người quen giới thiệu, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (ở quận Đống Đa, Hà Nội; là bạn chị Thủy) được giới thiệu Long có khả năng “chạy án” nên đã mách cho chị Thủy liên hệ với Long. Trước khi tới gặp Long đặt vấn đề, chị Oanh và chị Thủy tưởng Long đang công tác ở một cơ quan bảo vệ pháp luật.

Khi hai bên nói chuyện, Long đã “nổ” rằng mình đang công tác ở một cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong lúc đặt vấn đề “chạy án” cho chồng, chị Thủy đã đưa cho Long số tiền 650 triệu đồng để nhờ giúp chồng và đồng bọn của chồng được tại ngoại và hưởng mức án nhẹ nhất khi xét xử.

Sau khi nhận số tiền trên từ chị Thủy, Long hứa trong thời gian hai tuần sẽ giải quyết xong vụ việc. Nhưng thực chất, Long không thực hiện được gì như đã hứa với chị Thủy mà chiếm đoạt số tiền trên để sử dụng vào mục đích cá nhân.

img
Các đối tượng (từ trái qua): Long, Hải và Tuấn.
Hơn một tháng trước khi Long bị xét xử, TAND Tối cao tại Hà Nội cũng đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ thư ký tòa nhận tiền “chạy án” của người nhà bị cáo. Trước khi phạm tội, Nguyễn Duy Hải (48 tuổi, ở phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) là thư ký TAND quận Đống Đa, Hà Nội.

Khi vụ án mới xảy ra, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã tống đạt ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hải về tội làm môi giới hối lộ. Nhưng trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra đã thay đổi từ tội làm môi giới hối lộ sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo bản án phúc thẩm, ông Trịnh Văn Khả (ở huyện Bình Lục, Hà Nam) có đơn gửi Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao tố cáo Hải đã nhận của ông 55 triệu đồng để “chạy án” phúc thẩm, giảm nhẹ hình phạt cho em trai ông là bị án Trịnh Hùng Anh.

Ông Khả cho biết, trước đó TAND quận Đống Đa đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Trịnh Hùng Anh về tội trộm cắp tài sản và tuyên phạt Trịnh Hùng Anh 30 tháng tù giam. Phiên tòa kết thúc, Hải chủ động làm quen với ông Khả, giới thiệu là thư ký tòa và gợi ý giúp ông Khả “chạy án” cho em trai ông ở phiên tòa phúc thẩm, nhưng phải chi 40 triệu đồng.

Sau đó, Hải nhiều lần gọi điện thoại cho ông Khả để hỏi lại việc này. Khi hai bên thống nhất việc “chạy án”, ông Khả đã chuyển cho Hải số tiền 55 triệu đồng. Nhưng sau khi TAND TP.Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án này, ông Khả mới biết Hải không dùng tiền của mình để chạy án mà sử dụng chi tiêu cá nhân. Biết mình đã bị lừa, ông Khả đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Hải. Tòa phúc thẩm đã tuyên phạt Hải 20 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, hai vụ lừa “chạy án” nêu trên chưa phải là điển hình nhất. Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức “chạy án” gây xôn xao dư luận nhất miền Bắc thời gian qua với số tiền “chạy án” lên đến 500.000USD cho anh em Phương “Linh hột” ở Quảng Ninh đã được TAND TP.Hà Nội xét xử hai lần vào năm 2014 và 2015, nhưng tòa vẫn chưa thể tuyên án vì còn băn khoăn rằng có thể lọt người, lọt tội. Vì thế sau hai lần xét xử, tòa tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhằm làm rõ thêm vai trò của người liên quan chưa được nêu tên trong hồ sơ vụ án trước khi đưa ra phán quyết.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Tiến Phương (tức Phương “Linh hột”) và em ruột Phương là Nguyễn Tiến Chung (chồng Đỗ Thị Phường, ở TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) về tội giết người, do muốn biết thông tin về chồng và anh trai chồng, qua người quen giới thiệu, Phường đã đến nhà của Phạm Anh Tuấn (ở phường Thanh Bình, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) để nhờ tìm người “chạy án”. Tuấn hẹn gặp Mạc Văn Nam (ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để trao đổi về việc này.

Dù đều làm nghề kinh doanh tự do, nhưng cả Nam và Tuấn đều tự giới thiệu đang công tác tại một cơ quan bộ nên có nhiều quan hệ với các sếp từ trung ương tới địa phương. Khi Tuấn hỏi Nam về việc “chạy án” cho anh em Phương “Linh hột”. Nam nói, nếu muốn thoát án tử hình thì phải chi hàng trăm ngàn đôla Mỹ. Tuấn gọi điện thông báo lại sự việc thì Phường trả lời: “Chú cố gắng nhờ ông Nam giúp, còn tiền bạc không quan trọng”.

Do tin tưởng Tuấn và Nam sẽ lo được cho chồng và anh chồng thoát án tử hình nên Phường đã nhiều lần đưa cho Tuấn và Nam số tiền 500.000USD. Tuy nhiên sau đó, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử anh em Phương “Linh hột” và tuyên án tử hình đối với cả hai.

Biết Tuấn và Nam không giúp được gì nên Phường đòi lại tiền. Tuấn đã trả cho Phường 225.000USD. Số tiền hơn 200.000USD nhận của Tuấn và Phường, Nam đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết rồi bỏ trốn vào TP.HCM. Trong thời gian ở đây, cũng với thủ đoạn “chạy án”, Nam tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hai người khác.
(Theo Nguyễn Hưng/CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem