ThS.BS Phạm Ngọc Thạch, khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM cho biết, chấn thương tinh hoàn thường gặp nhất là chấn thương kín, kế đến là các vết thương tinh hoàn.
Ða số các chấn thương tinh hoàn gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở tuổi 5 - 15 tuổi. Một số ít trường hợp chấn thương tinh hoàn có thể xảy ra trong lúc sinh.
Chấn thương kín không chỉ gây ra đụng dập hoặc vỡ tinh hoàn. Nếu một lực tác động đột ngột vào bìu có thể đẩy tinh hoàn chạy ngược vào trong ống bẹn, thậm chí tinh hoàn có thể chạy vào trong ổ bụng.
Tổn thương loại này có thể gây đau rất dữ dội. Thừng tinh có thể bị xoắn và bao trắng của tinh hoàn có thể bị vỡ, thường xảy ra do đa chấn thương nên chấn thương tinh hoàn dễ bị bỏ sót. Khi khám có thể thấy một bên bìu không có tinh hoàn hoặc có thể sờ được tinh hoàn nằm ở vùng bẹn.
ThS Thạch cho biết, bệnh nhi Tấn L. là một chấn thương kín gây vỡ tinh hoàn do một lực mạnh đột ngột đẩy tinh hoàn về phía xương mu. Ða số các bệnh nhân đến khám bệnh thì bìu sưng to, đau nên khám khó sờ được tinh hoàn, mào tinh và thừng tinh.
Các bác sĩ phải làm siêu âm bìu để xác định mức độ thương tổn, qua khám lâm sàng hoặc chẩn đoán hình ảnh nghi ngờ có vỡ tinh hoàn phải can thiệp phẫu thuật ngay. Trong khi mổ, nếu bao trắng tinh hoàn bị rách thì cần cắt lọc mô tinh hoàn đến mô lành rồi khâu lại bao trắng bằng chỉ tan.
Nhiều phụ huynh lo lắng vì sợ lâu dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của các bé, ThS Thạch khuyến cáo: "Ngay sau khi có tổn thương, tình trạng sản xuất tinh trùng bị thay đổi, thậm chí đưa đến vô tinh. Sau 3 - 9 tháng, tình trạng sản xuất tinh trùng có thể phục hồi trở lại.
Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, tổn thương tinh hoàn một bên có thể gây ra những thương tổn vĩnh viễn ở tinh hoàn còn lại và làm giảm khả năng thụ thai. Vì vậy, tất cả những người bị chấn thương tinh hoàn đều phải được theo dõi tinh trùng đồ.
Theo Bee
Vui lòng nhập nội dung bình luận.