Chồng chéo chính sách giảm nghèo vùng dân tộc miền núi: Lãng phí nhân lực, vật lực

Thứ sáu, ngày 06/06/2014 10:43 AM (GMT+7)
Việc có nhiều chương trình, chính sách gần giống nhau nhưng lại do nhiều bộ, ngành khác nhau quản lý dẫn tới việc triển khai không hiệu quả, lãng phí cả về nguồn lực, vật lực...
Bình luận 0
Cán bộ làm công tác dân tộc... bị bỏ quên

Có một thực tế bất hợp lý trong quá trình triển khai nhiều chương trình hỗ trợ ở các địa phương, vai trò của các cơ quan, cán bộ làm công tác dân tộc rất mờ nhạt, không muốn nói là phải đứng ngoài...

Về việc triển khai thực hiện Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Yên Bái, ông Hồ Mạnh Khoa - Phó Chánh văn phòng Ban Dân tộc tỉnh này cho biết: “Không rõ các tỉnh khác ra sao, riêng đối với Yên Bái, chương trình dạy nghề theo QĐ 1956 là do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh chủ trì, tổ chức thực hiện. Ban Dân tộc chúng tôi không tham gia bất cứ một khâu nào trong quá trình triển khai, hay nói chính xác hơn là không có sự phối hợp nào giữa Sở LĐTBXH với Ban Dân tộc Yên Bái.

Đoàn phối hợp của UBDT và các bộ, ngành kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc được triển khai tại tỉnh Cà Mau
Đoàn phối hợp của UBDT và các bộ, ngành kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc được triển khai tại tỉnh Cà Mau

Thi thoảng chúng tôi có được mời dự một vài cuộc họp liên quan đến chương trình này, nhưng cũng chỉ là nghe để biết”. Trong khi đó, đối tượng thụ hưởng Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo QĐ 1956 ở địa bàn miền núi đa số là đồng bào DTTS. Đối tượng này do các cơ quan làm công tác dân tộc quản lý.

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan, ở địa phương là vậy, còn ngay ở cấp Trung ương, khi xây dựng Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 cũng xảy ra tình trạng những cán bộ tham mưu dường như cũng “quên mất” vai trò của Uỷ ban Dân tộc (UBDT). Trong khi, hầu hết các bộ ngành khác như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính… đều có trách nhiệm chủ trì, phối hợp.

Chưa hết, trong QĐ số 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo, được ban hành ngày 01.3.2012 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15.19.2002 của Thủ tướng Chính phủ) có quy định UBDT phối hợp với Bộ LĐTBXH về việc hướng dẫn các địa phương xác định đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ cũng như cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Văn bản quy định là vậy, nhưng thực tế khi triển khai tại nhiều địa phương, các cán bộ làm công tác dân tộc vẫn bị đứng ngoài cuộc.

Bà Lê Thị Lan - Trưởng phòng Dân tộc huyện Na Rì (Bắc Kạn) cho biết: “Đối với QĐ cấp thẻ BHYT, Phòng LĐTBXH huyện đã tự tổ chức rà soát, lấy danh sách người dân để cấp thẻ BHYT, còn Phòng Dân tộc huyện không được phối hợp thực hiện như quy định đã đề ra…”.

Mất tiền tỷ vì trùng, chéo

Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc là những người trực tiếp lăn lộn ở cơ sở, bám sát đồng bào nên hiểu rất rõ những khó khăn cũng như nhu cầu của người dân, vậy mà họ lại bị lãng quên…

Theo bà Lê Thị Lan, hiện tại các cán bộ làm công tác dân tộc cũng đã có hàng trăm đầu việc phải làm, cả việc có tên lẫn không có tên.

Do vậy, nếu các địa phương không có quy định về sự phối hợp thực hiện trong triển khai chính sách thì họ cũng chẳng việc gì phải “vơ” việc vào người... “Tại các địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc là những người trực tiếp lăn lộn ở cơ sở, bám sát đồng bào nên hiểu rất rõ những khó khăn cũng như nhu cầu của người dân. Và như vậy, đáng lý ra chúng tôi phải là những người cần được “trưng dụng” đầu tiên khi thực hiện các chính sách dân tộc, dù rằng đó là chính sách của các bộ, ngành khác triển khai, thực hiện” - bà Lan trăn trở.

Do không có sự phối hợp nên nhiều chính sách đã không đạt được kết quả như mong đợi, thậm chí còn gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Đơn cử, năm 2013, tỉnh Bắc Kạn tiến hành rà soát việc cấp thẻ bảo hiểm y tế trong 2 năm 2011 và 2012, qua đó phát hiện toàn tỉnh cấp trùng, cấp thừa 48.846 thẻ BHYT, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước khoảng 20 tỷ đồng.

Nguyên nhân được xác định là do việc tổ chức thực hiện chính sách không bài bản, chặt chẽ dẫn đến tình trạng một đối tượng nhưng có nhiều đoàn thể, tổ chức thống kê, lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT, dẫn đến trùng chéo.
Lê San (Lê San)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem