Trả lời phỏng vấn NTNN, ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) khẳng định như vậy.
Ông Minh cho biết, ngày 17,18.12 tới đây, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Nhân lực Hàn Quốc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn cho lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Đây là lần kiểm tra có số người tham gia đông nhất với 67.000 người nhưng phía bạn chỉ lấy 15.000 hồ sơ. Vì thế, tỷ lệ “trượt” sẽ rất cao và tiêu cực nảy sinh nhiều.
|
Lao động Việt Nam nghe phổ biến các thủ tục trước khi xuất cảnh đi Hàn Quốc. |
Vì sao số lao động đăng ký tham gia kiểm tra tiếng Hàn tăng đột biến như vậy, thưa ông?
- Đó là do năm 2011 chỉ tổ chức 1 kỳ kiểm tra, nên toàn bộ số hồ sơ dồn lại (năm 2010 Bộ LĐTBXH tổ chức 3 kỳ, với tổng số hơn 72.000 lao động đăng ký, trong đó đợt đăng ký đông nhất là tháng 4.2010 với 31.000 lao động- PV).
Ngoài ra, chúng tôi cũng phát hiện nhiều tỉnh, thành có số hồ sơ đăng ký kiểm tra tăng bất thường, gấp 3 lần mọi năm. Kiểm tra thì thấy nhiều lao động chưa từng học tiếng Hàn, hoặc mới học nhưng đã đăng ký thi vì nghe “cò” nói cứ đi thi, sẽ có “hỗ trợ” để thi đỗ.
Ngoài ra khả năng còn có các trường hợp trà trộn để thi hộ, lấy đề ra ngoài để giải rồi nhắn tin vào cho lao động dự thi. Chúng tôi cảnh báo lao động là kỳ kiểm tra này không thể có “hỗ trợ” để thi đỗ, lao động cần cảnh giác, tránh tiền mất tật mang.
Ông đề cập tới nhiều thủ đoạn gian lận, vậy năm nay sẽ ngăn ngừa như thế nào?
- Với trường hợp thi hộ, chúng tôi sẽ rà soát kỹ hồ sơ, quán triệt cán bộ coi thi nếu thấy hồ sơ nghi vấn thì đình chỉ thi ngay. Trường hợp này thường là có đường dây, nếu cần thiết, công an sẽ vào cuộc. Với trường hợp nhắc bài khi thi thì sẽ kiểm soát kỹ, không cho lao động mang điện thoại di động, các thiết bị nhắn tin vào phòng thi.
Thực tế kỳ kiểm tra năm 2010 cho thấy, muốn “nhắc bài” được thì dứt khoát phải có đường dây trà trộn vào làm người dự thi mới lấy được đề ra, phát tán ra ngoài để giải đề và nhắc đáp án cho người ngồi trong phòng, vì đề thi phía bạn thường đưa đến lúc sát giờ thi. Chúng tôi sẽ kiểm soát kỹ khâu này.
Kỳ kiểm tra năm 2010 đã phát hiện bao nhiêu trường hợp gian lận thưa ông?
- Chỉ khoảng 40 trường hợp
Kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 17,18.12.2011 sẽ tổ chức ở Hà Nội, Vinh, TP.HCM. Kỳ thi này sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, lấy điểm từ cao xuống thấp và dự kiến lấy khoảng 15.000 hồ sơ. Số hồ sơ này sẽ chuyển cho chủ sử dụng lao động lựa chọn theo 4 nhóm ngành nghề: Sản xuất chế tạo: 12.200 hồ sơ; xây dựng: 1.000 hồ sơ; nông nghiệp: 1.000 hồ sơ; ngư nghiệp: 1.300 hồ sơ.
Ngoài ra, Trung tâm Lao động ngoài nước cũng sẽ tổ chức thêm 1 kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 26-30.12.2011 cho lao động đã làm việc tại Hàn Quốc, về nước đúng hạn. Dự kiến sẽ tuyển khoảng 400 lao động.
Con số này so với 72.000 người dự thi là quá nhỏ, vì sao phía bạn lại cho rằng kỳ thi của chúng ta nhiều tiêu cực?
- Đúng là so với tổng số thi là nhỏ, nhưng đó là con số phát hiện được. Còn rất nhiều trường hợp, thậm chí cả đường dây thi hộ, nhắc bài tinh vi mà không kiểm soát được vì chúng tôi khó kiểm soát khâu coi thi. Ví dụ như kiểm tra ở các trường, chúng tôi phải mượn giáo viên của trường coi thi nhưng họ không làm tốt thì cũng không thể phạt, kỷ luật họ được.
Năm nay, chúng tôi đã làm việc với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GDĐT, học hỏi quy trình tổ chức thi đại học để tổ chức nghiêm túc hơn. Sau đó, chúng tôi tổ chức ký cam kết với 5 trường đặt địa điểm kiểm tra tiếng Hàn như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thuỷ lợi…, nếu giám thị vi phạm quy chế thi thì cũng sẽ kỷ luật nặng như để xảy ra vi phạm quy chế thi đại học.
Ngoài ra, vòng ngoài bảo vệ kỳ thi cũng sẽ huy động thêm lực lượng công an. Để làm điều đó, chi phí cho kỳ thi rất lớn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm để có một kỳ kiểm tra “sạch”, lấy lại uy tín của lao động Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Lê Huyền (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.