Do đó, bà con nông dân cần hết sức chú ý các biện pháp phòng chống nắng nóng cho cây trồng, vật nuôi.
Không được để ruộng khô nước
Ông Ngô Tiến Dũng- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT cho biết: “Thời tiết nắng nóng như hiện nay sẽ gây bất lợi cho sự phát triển của cây trồng, nhất là cây lúa do nhiều loại dịch hại phát sinh. Do đó, các địa phương không được chủ quan lơ là trong công tác phòng trừ dịch bệnh, cần thường xuyên theo dõi đồng ruộng, phát hiện sớm và kịp thời có các biện pháp tiêu diệt”.
|
Cần tăng cường phun nước chống nóng cho vật nuôi. |
Theo đánh giá của Cục BVTV, với kiểu thời tiết nắng nóng và nền nhiệt độ duy trì ở mức cao (39-400C), hầu hết diện tích lúa ở các tỉnh miền Bắc sẽ phải đối mặt với một đợt rầy nâu mới. Đặc biệt, trà lúa trổ bông có nguy cơ bị sâu đục thân tấn công cao. Bên cạnh đó, đạo ôn và khô vằn cũng là 2 loại bệnh dễ phát sinh mạnh trong thời tiết nắng nóng này.
Cục BVTV khuyến cáo: Thời điểm này, bà con nông dân cần thường xuyên giữ đủ nước không để ruộng khô hạn, không bón đạm đơn nuôi đòng, nuôi hạt và ngừng phun các loại phân qua lá, các chất kích thích sinh trưởng, tăng cường vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ chuột và ốc bươu vàng.
Gia súc, gia cầm có nguy cơ chết nóng
Đối với chăn nuôi, tình trạng nắng nóng kéo dài ở trên nền nhiệt từ 38 đến trên 400C, theo cảnh báo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), nếu bà con nông dân không có những biện pháp kỹ thuật phòng chống thì dễ dẫn đến tình trạng gia súc, gia cầm bị chết nóng.
Hôm qua (2.5), trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Tình trạng gia súc, gia cầm bị chết nóng thường xuyên xảy ra trong mùa hè. Ngoài ra, nắng nóng cũng làm giảm khả năng sinh đẻ đối với gia cầm. Khoảng 3-4 giờ chiều là thời điểm gia cầm dễ chết nóng nhất, vì thế người chăn nuôi cần đặc biệt lưu ý”.
Theo ông Sơn, đến ngày 2.5, Cục Chăn nuôi chưa có thống kê về thiệt hại trong chăn nuôi do đợt nắng nóng này. Ông Sơn khuyến cáo người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chống nóng như phun nước lên mái chuồng, nhất là ở các trang trại; tăng cường quạt gió. Đặc biệt, cần phải giảm mật độ nuôi, điều chỉnh hợp lý khẩu phần ăn theo độ tuổi, cho đàn gia súc, gia cầm ăn nhiều bữa, tốt nhất là thời điểm sáng sớm khi thời tiết còn mát mẻ.
Những ngày nắng nóng, cần chủ động phòng bệnh đường ruột cho gia súc, gia cầm bằng cách pha thuốc vào thức ăn, nước uống liều phòng bệnh theo quy trình, nhất là đối với gia cầm như anticoc, kamycine, bactrim, ESB3…
Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo nông dân phòng, chống nóng cho gia súc, gia cầm:
+ Mái chuồng nên làm bằng tranh tre, nứa lá... xung quanh cần có khoảng không thoáng đãng, mát mẻ. Nếu mái chuồng được làm bằng các vật liệu dẫn nhiệt khác cần có cây tạo bóng mát và che chắn. Nên quét dọn chuồng trại thường xuyên để giảm nhiệt độ và tránh khí độc từ phân cho vật nuôi.
+ Trường hợp chăn nuôi với số lượng lớn cần có quạt thông gió theo hướng gió để giảm thiểu các khí CO2, NH3... Làm giàn phun mưa, phun ẩm cho chuồng trại hoặc tưới nước vào lúc nhiệt độ lên cao (trên 350C). Cần tắm cho trâu, bò từ 1-2 lần trong ngày bằng nước mát. Định kỳ phun thuốc sát trùng chống muỗi, mòng... từ 1-2 lần trong tháng bằng các loại thuốc Vickon, BKA....
+ Bổ sung thức ăn xanh, rau, cỏ và các loại vitamine cho vật nuôi; tăng cường các loại thức ăn giàu đạm, giảm lượng thức ăn giàu tinh bột, mỡ.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.