Chữ hiếu thời hiện đại: Con ơi, hãy lắng nghe!

Thứ năm, ngày 22/08/2013 11:54 AM (GMT+7)
Buổi sáng thành phố thường muộn hơn ở quê, ngày Chủ nhật càng muộn. Ông Hai đi tới đi lui, đứng lên, ngồi xuống đã thấy chán vậy mà thằng Nhân vẫn chưa thức. Sốt ruột quá...
Bình luận 0
... Ông giở mùng khều chân nó.

Thằng Nhân trở mình càm ràm: “Gì vậy nội? Để con ngủ mà…”. "Dậy mở cửa giùm nội đi. Sáu giờ rưỡi rồi”. Thằng Nhân vừa đi vừa làu bàu… Cánh cửa đóng rầm sau lưng làm ông Hai giật cả mình.

Ông Hai năm nay đã gần tám mươi nhưng trông trẻ hơn tuổi, da dẻ vẫn hồng hào tuy dáng đi đã có phần chậm chạp. Ngày thường, trước 7 giờ sáng, hai vợ chồng anh Trí - con trai ông - và thằng Nhân đã ra khỏi nhà. Nhiệm vụ của ông là trông chừng nhà và không được tiếp người lạ.

Mấy năm trước lúc ông ở quê mới lên, có một lần suýt bị gạt bởi một anh chàng tiếp thị nên từ đó đến nay anh Trí khóa cổng nhà và cầm luôn chìa khóa theo. Chỉ có ngày Chủ nhật đông đủ mọi người ở nhà, ông mới được đi ra công viên để thư giãn. Bởi vậy, sáng Chủ nhật với ông thật sự là khoảng thời gian ông thấy vui vẻ, thoải mái và “tự do” nhất.
Niềm vui hiếm hoi của tuổi già (Ảnh minh họa)
Niềm vui hiếm hoi của tuổi già (Ảnh minh họa)
Từ nhà đến công viên chỉ mất chưa đầy 15 phút đi bộ. Sáng tháng chạp, gió chướng xôn xao, không gian se lạnh làm ông bỗng da diết nhớ quê. Quê ông là một dãy cù lao nằm trên con sông Tiền quanh năm được vỗ về bằng những âm thanh hiền hòa của sóng nước. Mảnh đất ấy là nơi ông được sinh ra, lớn lên, cưới vợ và sinh ra anh Trí.

Cuộc sống lam lũ quanh năm trên thửa ruộng mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa. Để cải thiện cuộc sống gia đình, những lúc nông nhàn ông với một chiếc xuồng ba lá và một miệng chài lênh đênh khắp sông rạch kiếm từng con cá. Đời hạ bạc cũng chẳng khá gì so với anh nông dân. Bởi vậy, ông quyết tâm nuôi anh Trí ăn học đến nơi đến chốn để tìm cơ hội đổi đời.

Trời không phụ người có công. Anh Trí học hành giỏi giang, có vợ đẹp, con ngoan, xây được ngôi nhà khang trang trên thành phố. Chưa hưởng được bao nhiêu ngày hạnh phúc thì bà Hai ra đi. Ông Hai như con gà trống lạc bầy loanh quanh trong vườn.

Anh Trí nhiều lần đề nghị ông Hai lên ở cùng với vợ chồng anh, ở Sài Gòn có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, có người chăm lo việc ăn uống… thuyết phục cách nào, ông Hai cũng nhất mực từ chối. Ông bảo ở đây ông còn có mồ mả ông bà, còn hàng xóm láng giềng… Phần anh Trí, công việc làm ăn đang hồi phát triển, thằng Nhân lớn lên ở Sài Gòn cũng không có ấn tượng gì với mảnh đất cù lao đìu hiu vắng vẻ ấy, nên họ cũng không thể dọn về ở với ông Hai.

Sống vậy được gần mười năm thì sức khỏe ông Hai bắt đầu yếu đi. Ông hay đau ốm lặt vặt. Vợ chồng Anh Trí phải thường xuyên chạy lui chạy tới chăm ông. Anh Trí thật sự lo lắng vì người già cần phải được chăm sóc y tế cẩn thận mà ở quê, từ nhà ra bệnh viện lớn phải mất mấy tiếng đồng hồ chạy ghe máy. Đến nước này, Ông Hai không muốn làm cho con vừa phải bận rộn công việc làm ăn vừa phải lo lắng cho ông. Ông Hai quyết định nghe theo lời vợ chồng anh Trí bán mấy công ruộng lúa với một mảnh vườn tạp được vài cây vàng, theo anh Trí lên Sài Gòn.

Ngày anh Trí về đón ông Hai, cả cù lao ai cũng xuýt xoa nói ông Hai có phước và hết lời khen ngợi vợ chồng anh Trí có hiếu. Không ai biết ông Hai đứt từng khúc ruột. Khi chiếc xe hơi bon bon qua chiếc cầu nhỏ, bỏ lại sau lưng dòng sông đỏ quạch phù sa, ông Hai biết từ bây giờ ông chỉ trở về quê như một lữ khách.

Đã bao năm qua rồi, ấy vậy mà cứ cuối mỗi mùa thế này, hay những dịp giáp tết, ông lại nhớ quê se sắt. Ông nhớ đất, nhớ người… nhớ khoảng trời tự do trong lành và yên ả.

Như thường lệ, sau mấy vòng đi dọc theo khuôn viên vườn hoa, ông lại ngồi nghỉ chân trên chiếc ghế đá ngó mặt ra một hồ cá nhỏ, giữa hồ là cái hòn non bộ phủ rong rêu. Ông lủi thủi đi tới mà không hay trên cái ghế đá ấy đã có người ngồi. Đã lỡ bước tới gần, ông Hai không thể tháo lui.

- Bác ngồi nghỉ chân hí!

Ông Hai gật đầu chào. Đó là một phụ nữ luống tuổi, gương mặt phúc hậu, tuy đôi chỗ đã lốm đốm mồi nhưng làn da vẫn còn sáng mịn. Nhìn bà hẳn ai cũng nghĩ thời trẻ bà chắc là một người con gái đẹp. Ông Hai cẩn thận ngồi xuống băng đá. Bà ngồi dịch sang một bên:

- Ông đi dưỡng sinh hỉ? Răng đi có một miềng rứa?

Giọng miền Trung với những âm sắc nặng trịch đã khó nghe, với một người miền Tây rặc như ông Hai càng khó nghe hơn. Bà kể quê bà ở Quảng Trị - mảnh đất được mệnh danh là thành đồng Tổ quốc - chồng bà hy sinh trong chiến tranh đánh Mỹ. Mấy đứa con lớn do nhà nghèo nên không được học hành đến nơi đến chốn. Chúng đều lập gia đình riêng và hiện ở ngoài quê. Duy nhất thằng Út có chút ít chữ nghĩa. Nó theo bè bạn vào Nam làm ăn. May nhờ thời cũng có của ăn của để, nó rước bà vào đây phụng dưỡng. Bà nói như trút:

- Nhàn hạ thì nhàn hạ thiệt! Mưa nỏ tới mặt, nắng nỏ tới đầu. Ngày túi (tối) chẳng phải đụng tay đụng chân. Đụng tới cái chi, hắn cũng biểu để người giúp việc người ta làm. Ăn uống thì hắn vẽ đủ thứ món ngon vật lạ nhưng món nào cũng nhạt muối, ngọt đường, đòi ăn tương cà dưa mắm cho mặn mòi thì hắn biểu mấy thứ nhà quê nớ, dinh dưỡng chi mô mà ăn. Miềng già rồi lại sống với con, nhà là nhà của hắn, cơm là cơm của hắn, tiền là tiền của hắn. Vả lại ngoài con trai còn có con dâu. Mô phải miềng muốn làm chi thì làm.

Ông Hai nhìn bà ái ngại:

- Bà chị năm nay được mấy mươi rồi.

- Cũng sáu tám rồi.

- Vậy tui hơn bà chị tới gần chục tuổi lận.

- Răng mà ngó ông trẻ rứa? Người Sài Gòn có khác.

- Không, tôi cũng là dân nhà quê như bà chị. Tôi ở miền Tây, bà nhà tôi mất lâu rồi. Dưới quê không còn ai, tôi lên trên này ở với vợ chồng thằng con trai và đứa cháu nội. Bà chị nhắc chuyện ăn uống tôi mới nói, hồi ở quê, tôi tự mình ra sông chài cá, lội xuống mương mò ốc hến hay ra ruộng ngoéo cua đồng. Người nhà quê như mình ăn món nhà quê mới cảm thấy ngon miệng phải không bà chị?

Hình như chỉ chờ có thế, bà gục gặc đầu:

- Rứa ông cũng như tui chứ có khác chi mô nơ.

Giọng ông Hai trở nên xa xăm:

- Thật ra cái chuyện ăn uống cũng không có gì quan trọng. Mình già rồi ăn uống có bao nhiêu. Sợ nhất là sự cô quạnh. Cả ngày mình ở nhà nói chuyện với cái tivi. Đến tối chúng nó về bữa cơm cũng khi có khi không, mạnh ai người ấy ôm lấy cái máy tính. Có khi cả tuần cha con không nói được với nhau đến ba câu nói. Giá như ở quê, mình còn có mấy ông bạn già uống trà, tán dóc với nhau.

- Tui cũng có khác chi ông mô. Có khi buồn quá tui cự nự. Tụi hắn biểu: “Mạ ngồi không tưởng tượng ra đủ thứ chứ tụi con lúc mô cũng phải tính toán mần ăn búi cả mắt. Về tới nhà phải nghỉ ngơi lấy sức mai còn tiếp tục làm thân trâu ngựa cày bừa nữa chớ. Mạ ở đây sung sướng gấp mấy ở ngoài quê, răng mạ không biết. Suốt ngày cứ theo dỗ ngọt mạ thì ai đi kiếm tiền”.

Bà cụ sụt sịt khóc. Ông Hai bối rối quá. Nào giờ ông tưởng chỉ mình ông lâm vào hoàn cảnh như vậy bởi vì hồi ở quê, ông thấy đa số gia đình tuy con cái ít học, quanh năm lam lũ trên đồng nhưng sum vầy đầm ấm. Quanh khói bếp chiều, bên mâm cơm nóng, mọi người cùng chuyện trò vui vẻ, cùng chia sớt nhau bao nỗi buồn vui cuộc sống. Nay gặp người cùng cảnh ngộ, ông Hai thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn. Phút chốc sự ngần ngại ban đầu tan biến, ông an ủi bà mà như tự nói với mình:

- Thôi bà ạ. So ra, tôi với bà vẫn còn có phước hơn rất nhiều người, được ở gần con cháu, được chúng nó chăm lo cái ăn cái mặc. Ngoài kia vẫn còn lắm người già cả, neo đơn, không nơi nương tựa, có con, có cháu mà cũng như không. Có khi tại cái nết người già hay mặc cảm, tủi thân. Cũng phải thông cảm cho bọn trẻ. May mà con mình chúng là những đứa có hiếu.

Có lẽ được trút cạn nỗi lòng, nỗi buồn cũng đã vơi, bà ngắt lời ông:

- Có hiếu chi mà có hiếu. Có hiếu răng mà…

Ông Hai nhái giọng trêu bà:

- Còn muốn răng hỉ?

Nghe giọng ông tức cười quá, bà cười thành tiếng làm ông Hai bật cười theo.

Nắng sớm mai đã treo lơ lửng trên ngọn si già bên kia đường. Những tia vàng như mật rót qua kẻ lá nhảy múa lung linh. Ông Hai đứng dậy chào bà ra về. Bà cười nói với theo:

- Đi cẩn thận cả bổ ông ơi!

Cát Tường (Dòng Đời) (Cát Tường (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem