Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2012, toàn quốc có hơn 86.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 23% so với năm 2011; tỷ lệ tử vong cũng tăng cao, tới 80 ca, tăng 31% so với năm 2012. Vì vậy, dự báo của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - TS Nguyễn Văn Bình về việc dịch SXH năm 2013 còn cao hơn đang khiến nhiều người lo lắng.
|
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. |
Tăng đột biến
Thực tế, dự báo của TS Bình không phải không có cơ sở, vì theo ghi nhận tại các địa phương, 3 tháng đầu năm số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) đã tăng rất mạnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thu – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho hay: 3 tháng qua, số ca SXH trên toàn tỉnh đã lên tới hơn 1.600 ca, trong đó 1 ca tử vong.
“Năm 2012, Khánh Hòa có gần 5.290 ca SXH, tăng gấp 6,3 lần so với năm 2011, nhưng tăng chủ yếu vào tháng 5- 6 đến cuối năm, còn đầu năm chỉ có vài chục ca. Còn năm nay, mới đầu năm, số ca mắc SXH đã tăng cao hơn hơn cùng kỳ năm ngoái vài chục lần” – bác sĩ Thu cho hay.
Nếu năm trước dịch SXH bùng phát mạnh ở huyện Ninh Hòa thì năm nay dịch bệnh này lại bùng phát mạnh mẽ ở TP.Nha Trang. Tại thành phố biển, đến nay đã có 662 ca mắc SXH, 11 ca SXH dengue nặng. Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 155 ổ dịch SXH, riêng Nha Trang có tới 97 ổ dịch.
Về việc 3 tháng đầu năm 2013 xảy ra tình trạng SXH tăng “đột biến của đột biến” là do biến đổi thời tiết và sự chủ quan của người dân. Nếu các năm trước, Khánh Hòa có mùa đông, bão lũ nên cuốn băng con bọ gậy (loăng quăng), nhưng năm nay thời tiết lại khô nóng, thi thoảng có các đợt mưa nhỏ, người dân tích nước nhiều... vì thế tạo cơ hội cho muỗi phát triển.
Điểm nóng về SXH của cả nước hiện nay chính là Đà Nẵng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, ngay từ đầu năm 2013, diễn biến loại bệnh này đã rất phức tạp. Hiện số ca mắc SXH rất lớn và đang có xu hướng tăng thêm. Đến ngày 31.3, đã ghi nhận 560 ca mắc bệnh này (cùng kỳ năm 2012 chỉ có 23 ca mắc bệnh). Và sự lan truyền bệnh ở mức độ rất rộng với 52/56 phường, xã có người bị. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng đã xử lý 43 ổ dịch.
Tại TP.Hồ Chí Minh, 3 tháng đầu năm chỉ có hơn 1.280 ca mắc, giảm 416 ca so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên đã có đến 2 trẻ em tử vong.
Người dân chủ quan
Việc dịch bệnh SXH bùng phát nhiều nơi, số ca bệnh tăng theo các trung tâm y tế dự phòng thì có nguyên nhân không nhỏ từ sự chủ quan, lơ là phòng bệnh của người dân. Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thu (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa) cho biết, mỗi khi có ổ dịch, cán bộ y tế đều xuống phun thuốc trừ muỗi, đến từng nhà, xem xét nhắc nhở bà con đậy từng thùng nước, dọn vũng nước đọng, thả cá diệt bọ gậy...
Tuy nhiên, cứ cán bộ y tế quay lưng đi là bà con lại chủ quan. Nhiều ổ dịch vừa xử lý xong thì vài ngày sau lại tái phát. Chỉ khi gần nhà có người bệnh nặng, tử vong thì người dân mới sợ.
Còn bác sĩ Nguyễn Tang Lãm - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng nhận xét rằng không chỉ người dân chủ quan trong phòng bệnh mà sự phối hợp của các địa phương cũng hạn chế: “Ai cũng nghĩ đây là công việc của ngành y tế nên bỏ mặc cả sức khoẻ của mình lẫn người thân”.
Số ca của 3 tháng gần bằng cả năm 2011
“Đầu năm 2013, toàn bộ 11 tỉnh miền Trung đã có tới hơn 3.400 ca SXH, gần bằng cả năm 2011, cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm 2012. Riêng Khánh Hòa đã chiếm gần một nửa số ca bệnh của cả khu vực. Nguyên nhân là do “phần đuôi” của dịch năm 2012 còn sót lại, nhiều ổ dịch chưa được xử lý dứt điểm.
Thời gian tới, bệnh SXH có thể bùng phát mạnh, vì sau thời gian khô hạn, thiếu nguồn nước cho trứng muỗi nở, nếu có mưa lớn thì số muỗi này sẽ nở rộ, tạo thành nguồn lây bệnh lớn” - TS Viêm Quang Mai - Viện phó Viện Paster Nha Trang nhận định.
Còn TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho hay: Nếu người dân bị tái mắc SXH (có 4 tuýp vi trùng SXH và mỗi lần mắc có thể nhiễm một tuýp khác nhau) thì bệnh lần sau sẽ nặng hơn lần trước, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.
Tuấn Kiệt
Dễ phòng ngừa
SXH là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Người bệnh thường có các triệu chứng là sốt cao đột ngột, liên tục từ 39 - 40 độ C trong 2 - 7 ngày liền; xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ chích, chảy máu cam, ói ra máu; chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng...
Đối với các trường hợp bệnh nhẹ chỉ sốt và có triệu chứng xuất huyết thì chỉ cần đi khám để được chẩn đoán rồi về nhà điều trị theo đơn. Nhưng nếu xuất hiện các dấu hiệu sốc thì cần phải nhập viện để được theo dõi, tránh tai biến dẫn đến tử vong.
Người dân có thể phòng ngừa bệnh SXH bằng biện pháp rất đơn giản: Diệt bọ gậy, diệt muỗi, phát quang bụi rậm quanh nhà, đậy nắp kín các thùng, bể chứa nước, dọn dẹp các vũng nước, các đồ dùng có chứa nước thải quanh nhà, khơi thông cống rãnh và thả cá vào bể chứa, hồ ao để diệt bọ gậy. Đi ra ngoài buổi tối cần mặc áo dài tay; đi ngủ cần mắc màn, diệt muỗi...
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm
(Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư)
Diệu Linh - Mai Khuê - Đình Thiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.