Chủ SEVEN.am nói "cắt mác Trung Quốc vì khách hàng" là sự nguỵ biện

Ong Lý Chủ nhật, ngày 10/11/2019 14:09 PM (GMT+7)
Bình luận về giải thích của ông Nguyễn Vũ Hải Anh trong việc SEVEN.am cắt mác sản phẩm Trung Quốc vì khách hàng kêu ngứa, khó chịu, TS Lê Đăng Doanh cho rằng thực chất là nguỵ biện của gian thương. Hàng hóa từ các nước khác được nhập về cần phải được tôn trọng về quyền xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chứ không thể thích cắt đi, may lại là được.
Bình luận 0

"Ngụy biện của gian thương!"

Như Dân Việt đã phản ánh, những ngày gần đây tín đồ thời trang SEVEN.am không khỏi hoang mang khi báo chí đưa tin về một số sản phẩm của thương hiệu này có dấu hiệu dùng hàng Trung Quốc cắt mác, rồi dán nhãn SEVEN.am.

Theo đó, những kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA (đơn vị sở hữu nhãn hiệu thời trang SEVEN.am), trước khi xuất ra các showroom, nhân viên sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào là phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu SEVEN.am.

img

Công đoạn cắt chữ Trung Quốc tại kho SEVEN.AM. (Ảnh: Cắt từ clip của báo Tuổi Trẻ Thủ Đô).

Giải thích về điều này, ông chủ SEVEN.am Nguyễn Vũ Hải Anh cho rằng, việc cắt mác này là do khách hàng phàn nàn vì bị ngứa ngáy, khó chịu. Còn với những sản phẩm nhập từ Trung Quốc đều có hóa đơn và không gắn mác thương hiệu SEVEN.am. 

Bình luận về giải thích này của ông Nguyễn Vũ Hải Anh, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cách giải thích của ông chủ SEVEN.am Nguyễn Vũ Hải Anh rất khó chấp nhận.

“Đây là ngụy biện của một gian thương! Nhãn mác là những thứ thể hiện về thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước quản lý đối với sản phẩm. Hàng hóa từ các nước khác được nhập về cần phải được tôn trọng về quyền xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chứ không thể thích cắt đi, may lại là được”, ông Doanh nói.

img

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Ông Doanh cho rằng, những phân trần của ông Nguyễn Vũ Hải Anh là thiếu thuyết phục và có dấu hiệu lừa dối khách hàng. “Nếu ông chủ SEVEN.am khẳng định không cắt mác Trung Quốc để thay bằng nhãn hiệu của mình thì phải chứng minh được những sản phẩm đó được sản xuất ở đâu, trang thiết bị thế nào và có thiết kế riêng không? Nếu không chứng minh được những điều này, ông Nguyễn Vũ Hải Anh đang lừa dối khách hàng. Vụ việc cắt mác này đang có dấu hiệu rất giống với vụ Khaisilk và Asanzo”, ông Doanh nhấn mạnh.

Theo ông Doanh, Khải Silk, SEVEN.am là những doanh nghiệp đang bán hàng thương hiệu vì thế giá trị gia tăng rất lớn. Họ khiến khách hàng tin rằng, sản phẩm đó đều được họ thiết kế và sản xuất ở Việt Nam. Khách hàng khi đến với các thương hiệu này đều chấp nhận bỏ một số tiền lớn để trả thêm cho nguyên liệu, thiết kế nhưng những gì họ nhận được, giá trị lại không đúng mong muốn.

"Trong trường hợp đúng SEVEN.am cắt mác Trung Quốc dán nhãn của mình thì cũng giống như Khaisilk, nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả. Còn nếu nặng thì có thể chiếu theo tội lừa đảo khách hàng", ông Doanh nói.

Để xảy ra những câu chuyện như Khaisilk, Asazo, theo ông Doanh việc này một phần là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để lại. Khi Mỹ áp đặt thuế cao lên các hàng hóa của Trung Quốc, khiến giá thành sản phẩm của nước này luôn cao vọt. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng tìm cách xuất sang một số nước không bị áp thuế như Việt Nam. Sau đó, các sản phẩm này được gắn mác Việt đi Mỹ để tránh thuế.

Ngoài ra, vì giá thành hàng hóa được sản xuất từ Trung Quốc thường rẻ hơn, do đó, các công ty Việt vì “hám lợi” thường nhập về rồi gắn mác thương hiệu của mình để thu lợi bất chính.

“Những vụ việc này gây tổn hại rất lớn đến nền kinh tế. Nó không chỉ khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của những thương hiệu Việt làm ăn nghiêm túc. Khi đứng trên trường quốc tế, chắc chắn sẽ có những nghi ngờ và có những quy định gây khó khăn cho việc xuất nhập khẩu, giao dịch của Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp có tâm sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, ngân sách nhà nước vì thế sẽ giảm đi”, ông Doanh nói.

img

Các showroom SEVEN.am vẫn hoạt động bình thường khi có nghi vấn cắt mác Trung Quốc dán nhãn thương hiệu riêng.

Lừa dối khách hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), cũng cho rằng việc một doanh nghiệp thương mại cắt nhãn mác hàng hoá để dán mác thương hiệu khác vào là hành vi lừa dối khách hàng. Theo quy định của pháp luật thì lừa dối khách hàng là hành vi gian dối trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng khi thực hiện hợp đồng mua, bán.

Hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp nếu có khách hàng mà thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên thì người lừa dối khách hàng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội Lừa dối khách hàng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường và cơ quan thuế sẽ làm rõ các sai phạm, trách nhiệm khác của doanh nghiệp này trong việc xuất nhập khẩu, kê khai nộp thuế. Nếu đủ căn cứ xử lý hình sự thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xem xét giải quyết. Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự về các tội danh như: trốn thuế, buôn lậu, lừa dối khách hàng thì vẫn có thể xem xét trách nhiệm bằng chế tài hành chính nếu có vi phạm.

“SEVEN.am là một thương hiệu có tiếng trong thời gian gần đây, việc kinh doanh của công ty này có ảnh hưởng lớn đến thị trường và quyền lợi của rất nhiều người tiêu dùng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm, mức độ vi phạm để có hình thức xử lý cho phù hợp”, ông Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem