Quản lý thị trường vào cuộc vụ Seven.AM cắt mác hàng Trung Quốc

Phi Long Thứ bảy, ngày 09/11/2019 20:01 PM (GMT+7)
Trước thông tin các sản phẩm của Seven.AM có dấu hiệu “cắt mác, thay mới”, trao đổi qua điện thoại với Dân Việt, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục Trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc.
Bình luận 0

Chiều 9/11, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) cho biết cơ quan quản lý thị trường đã vào cuộc vụ việc thương hiệu thời trang Seven.AM bị tố cắt mác hàng Trung Quốc trước khi đưa ra thị trường. 
Một đại diện của Tổng cục Quản lý thị trường cũng xác nhận với Dân Việt, đã nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường và đang tiến hành xác minh thông tin, triển khai các biện pháp nghiệp vụ.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, dự kiến thứ 2 tới có kết quả sẽ cung cấp tới bạn đọc.

Trong khi đó trao đổi qua điện thoại với Dân Việt, ông Nguyễn Vũ Hải Anh - Tổng GĐ Công ty cổ phần MHA (đơn vị sở hữu thương hiệu Seven.AM) thừa nhận, công ty cổ phần MHA có nhập một số hàng quần áo của Trung Quốc, tuy nhiên những sản phẩm nào nhập ngoài sẽ không gắn mác Seven.AM.

“Những sản phẩm nào do chúng tôi sản xuất mới gắn mác thương hiệu, còn những mặt hàng của Trung Quốc chúng tôi không gắn mác. Khi bán hàng chúng tôi có nói rõ với khách hàng rằng đây là hàng Trung Quốc, không phải của thương hiệu Seven.AM”, ông Nguyễn Vũ Hải Anh phân trần.

img

Nhãn hàng thời trang Seven.AM đang bị tố cắt mác hàng Trung Quốc để đưa ra thị trường. Ảnh IT.

Đồng thời, Quản lý thị trường cũng cho biết không chỉ thương hiệu Seven.AM, một số thương hiệu thời trang khác cũng đang được xác minh có dấu hiệu đưa hàng về cắt mác hay không. 

Cụ thể chiều 7/11 vừa qua, Cục QLTT thành phố Hà Nội (Đội QLTT số 17) kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn IFU trên các sản phẩm quần áo. Cụ thể hàng hóa gồm: 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn Nem, 6 bao túi xách và 04 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.

Toàn bộ hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và tang vật là 4 máy khâu và 49 kg tem nhãn các loại để điều tra xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, năm 2017, vụ Khaisilk từng gây ồn ào dư luận sau khi "lộ" thông tin bán khăn lụa nhập từ Trung Quốc. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra. Hàng loạt sai phạm của Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu KHAISILK) đã được Bộ Công Thương công bố.

Cụ thể, trong giai đoạn 2006-2009, Công ty có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, Công ty không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.

Từ năm 2012 đến nay, Công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.

Căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Bộ Công Thương cũng cho biết, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ việc để điều tra, tuy nhiên, đến nay vụ việc này đến nay vẫn chưa được công bố kết quả xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem