Chủ tàu cá khổ với thủ tục

Thứ ba, ngày 21/05/2013 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Ngô Văn Hưng - Chi cục phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, theo Nghị định 45/2011, tàu thuyền đánh bắt hải sản là một trong những trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ.
Bình luận 0

Tuy nhiên, trong Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính về nội dung trên (số 124/2011) lại yêu cầu: “Khi khai lệ phí trước bạ, chủ tài sản phải xuất trình giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Theo ông Hưng, đã là đối tượng không phải nộp lệ phí trước bạ thì sao lại bắt chủ tàu cá phải khai lệ phí trước bạ. Đồng thời tàu cá thì làm gì có giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật (chỉ có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá).

Cũng theo ông Hưng, dù biết quy định trên là thừa và bất hợp lý, nhưng đã là quy định thì chủ tàu cá phải chấp hành và cơ quan chức năng cũng không dám tự ý bỏ. Theo đó để tạo điều kiện cho chủ tàu hoàn tất thủ tục đăng ký cho phương tiện, chi cục đã họp và thống nhất với cơ quan thuế Quảng Ngãi là sử dụng chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, thay cho giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật.

Nhưng dù vậy, để có chứng nhận thuộc trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ, phải đi lại rất nhiều lần, tốn thời gian, công sức và tiền bạc.

Ngư dân Nguyễn Văn Tân (42 tuổi) - chủ tàu cá ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cho biết anh đã phải đi 70km ra TP.Quảng Ngãi để đến Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh xin giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Sau đó, chạy ngược về khoảng 40km để đến cơ quan thuế ở huyện Đức Phổ lấy xác nhận là không phải nộp thuế trước bạ. Rồi quay ngược trở ra Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh nộp và hoàn tất các thủ tục khác.

Tính ra các chủ tàu cá ở Phổ Thạnh phải đi lại quãng đường trên 200km chỉ để làm giấy xác nhận trên. Với các chủ tàu ở huyện đảo Lý Sơn thì càng cực nhọc hơn, với thời gian ít nhất là 3 ngày đi về, ăn ở số tiền tiêu tốn lên đến hàng triệu đồng mới hoàn tất được giấy xác nhận trên. Chính vì sự nhiêu khê như vậy và cũng do không có thời gian, nên có chủ tàu đành phải chi ra một khoản tiền không nhỏ để nhờ người đi làm giúp.

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, bình quân mỗi năm có khoảng 600 trường hợp chủ tàu cá thực hiện đóng mới, sang tên, thay máy phương tiện phải làm giấy xác nhận “không phải nộp lệ phí trước bạ”. Ngoài công sức, thời gian.. chỉ riêng số tiền mà chủ tàu phải chi để làm xác nhận này không thôi đã phải lên đến hàng tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem