Chủ tịch Hà Nội: Kiên quyết cắt giảm dự án khởi công mới kém hiệu quả

Hoàng Thành Thứ ba, ngày 29/06/2021 11:19 AM (GMT+7)
Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu kiên quyết cắt giảm những dự án khởi công mới chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả...
Bình luận 0

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong công tác xây dựng

Theo đó, ông Chu Ngọc Anh nêu rõ: Để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, kịp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong công tác xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. 

Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 bằng những giải pháp cụ thể, quyết liệt.

Chủ tịch Hà Nội: Kiên quyết cắt giảm dự án đầu tư công khởi công kém hiệu quả - Ảnh 1.

Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. (Ảnh: Thành An).

Đối với từng lĩnh vực đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, phải rà soát, sắp xếp dự án theo thứ tự ưu tiên, đề xuất danh mục phù hợp với phân cấp quản lý đầu tư, khả năng cân đối vốn cho từng ngành, lĩnh vực trong tổng thể cân đối chung của TP.

Đồng thời, không chia nhỏ các dự án đầu tư (trừ trường hợp đặc biệt, nhưng phải chứng minh hiệu quả), hạn chế phát sinh đầu mối quản lý, thủ tục đầu tư.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát toàn bộ các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bao gồm cả dự án chuyển tiếp và dự án mới ở từng cấp, bảo đảm không dàn trải; kiên quyết cắt giảm những dự án khởi công mới chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả...

Việc lựa chọn danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải bảo đảm nguyên tắc quy định tại Điều 57 Luật Đầu tư công; các dự án mới bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm và nhóm C không quá 3 năm.

Trường hợp không đáp ứng thời gian nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương và HĐND cấp TP quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương.

Chủ tịch Hà Nội: Kiên quyết cắt giảm dự án đầu tư công khởi công kém hiệu quả - Ảnh 2.

Dự án cải tạo và mở rộng đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) do UBND quận Thanh Xuân là chủ đầu tư có tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng thi công nhiều năm nhưng gặp khó khăn trong khâu GPMB dẫn đến chậm tiến độ nhiều năm. (Ảnh: Hoàng Thành).

Chủ tịch quận huyện chịu trách nhiệm về tiến độ đầu tư công 

Đáng chú ý, UBND TP.Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về việc thực hiện chỉ thị và chất lượng, hiệu quả, tiến độ của việc xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Hà Nội, đến ngày 23/6 tổng số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2021 là 4.728 dự án, trong đó ngân sách TP năm 2021 là 194 dự án, bao gồm 23 dự án khởi công mới, 171 dự án chuyển tiếp, trong đó có 7 dự án vốn ngoài nước; ngân sách cấp huyện, cấp xã là 4.534 dự án. 

Tổng số kế hoạch vốn được giao (không bao gồm phần giải ngân qua Quỹ Đầu tư phát triển TP và ghi thu, ghi chi các dự án BT qua Sở Tài chính) là 42.580 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP là 19.164 tỷ đồng, ngân sách quận, huyện, xã, phường là 23.415 tỷ đồng.

Tình hình các dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp của ngân sách TP tính đến ngày 23/6/2021 chưa đến thanh toán tại kho bạc bao gồm 4 dự án khởi công mới với số vốn 72 tỷ đồng, 51 dự án chuyển tiếp với số vốn 3.109 tỷ đồng được giao kế hoạch năm 2021 nhưng chưa thanh toán. 

Đến hết ngày 23/6, đối với ngân sách TP có 30 đơn vị giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của TP, trong đó có 10 đơn vị chưa giải ngân. Đối với ngân sách cấp huyện, cấp xã có 10 đơn vị giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của TP.

Đến hết ngày 23/6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngân sách địa phương qua kho bạc (không bao gồm giải ngân qua Quỹ Đầu tư phát triển TP và ghi thu, ghi chi nguồn tiền sử dụng đất đối ứng cho các dự án BT) mới chỉ đạt 19,27% kế hoạch, thấp hơn 4,13% so với năm 2020 (năm 2020 là 23,4%).

Nguyên nhân lớn nhất là do tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 nên việc thi công công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Mặt khác, do thời gian đầu năm kế hoạch, với các dự án khởi công mới và các gói thầu mới thì chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn đang trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đàm phán ký kết hợp đồng rồi mới tiến hành thi công xây dựng nên chưa có hồ sơ gửi kho bạc để tạm ứng hoặc thanh toán.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem