Cuối tháng 5/2019, giá mì nguyên liệu, loại đạt 30% trữ bột có giá từ 2.600 – 2.700 đồng/kg. Đầu tháng 6, mức giá này tạm giữ ổn định nhưng chất lượng mì bắt đầu kém. Một số nhà máy ở khu vực huyện Tân Châu, Tân Biên nghỉ chạy, chỉ còn một số nhà máy ở Dương Minh Châu và Châu Thành còn chạy lai rai.
Giá mì liên tục xụt giảm gần đây. Ảnh: Nguyễn Vy
Đến giữa tháng 6, giá mua vào tại các nhà máy ở huyện Dương Minh Châu và Châu Thành được điều chỉnh giảm 100 đồng/kg, cao nhất chỉ còn 2.600 đồng/kg do mì về chất lượng kém hẳn.
Hiện tại, giá mì chỉ đạt khoảng 1.300 - 1.700 đồng/ kg. Theo các nông dân trồng mì, giá giảm mạnh hiện nay chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết, mì chưa đủ chữ bột.
Trước đó, cuối năm 2018, ảnh hưởng từ cơn bão số 9 đã khiến nhiều diện tích trồng bị ngập, phải cày bỏ để trồng lại nên thời gian xuống giống bị chậm lại 1 tháng so với thời vụ.
Nông dân thu hoạch mì sớm để tránh ngập úng dù mì chưa đủ tuổi. Ảnh: Vũ Nguyệt
Từ đầu mùa mưa năm nay, các cơn mưa lớn xuất hiện nhiều khiến một số diện tích mì của nông dân trên địa bàn tỉnh bị ngập úng, làm thối củ, nhất là ở các chân ruộng mì thấp, hệ thống tiêu thoát nước kém. Người dân phải tất bật thu hoạch sớm dù mì chưa đến tuổi.
Ông Trần Văn Ơn, nông dân trồng mì ở huyện Châu Thành cho biết, mì trồng phải từ 7 - 8 tháng mới đạt được năng suất và điểm bột cao. Do mưa nhiều những ngày qua, ông phải thuê người thu hoạch dù mì chỉ mới hơn 5 tháng tuổi. Mì của ông vì thế cũng chỉ đạt 21 - 23 điểm bột, bán được khoảng khoảng 1.700 đồng/kg, coi như hoà vốn.
Ông Tạ Văn Minh, một người thu mua mì ở huyện Dương Minh Châu cho biết vài năm trở lại đây, nhiều loại cây trồng truyền thống như mía, cao su và lúa liên tục rớt giá nên nhiều người chọn cây mì, vì ít tốn công chăm sóc và có giá tốt hơn.
Mì không đủ thời gian chăm sóc sẽ khó đảm bảo chữ bột cao. Ảnh: Nguyễn Vy
Theo ông Minh, vụ Đông Xuân năm nay, ở một số vùng trồng cao hơn như Dương Minh Châu, Tân Châu có hệ thống thoát nước tốt thì có thêm thời gian để chờ cây mì trưởng thành.
“Tuy nhiên người dân vẫn phập phồng trông chờ vào thời tiết. Chỉ khi các dự án thuỷ lợi kênh tiêu hoàn thành, người trồng mới hết cảnh đánh cược với thiên nhiên”, ông Minh nói.
Theo Sở NN&PTNT Tây Ninh, trong tháng 5/2019, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 21 đợt mưa, kèm theo dông, gió mạnh, khiến gần 430 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, phần lớn cây trồng bị thiệt hại chủ yếu dưới 30% nên chưa đáp ứng điều kiện để được hỗ trợ để khôi phục sản xuất theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.