Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều: Thách thức với mỗi nhà văn trước trang viết của mình

Huy Hoàng Thứ tư, ngày 25/11/2020 14:30 PM (GMT+7)
"Thách thức đối với Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X vô cùng to lớn. Nhưng thách thức hơn nữa là mỗi nhà văn trước trang viết của mình, phải trả lời biết bao câu hỏi của chính mình, của mỗi thân phận quanh mình và của cả dân tộc trong thời đại mới với nhiều biến động".
Bình luận 0

Sau 3 ngày, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khoá X, nhiệm kỳ 2020-2025 với sự tham dự của gần 500 đại biểu đã thành công và bế mạc vào sáng 25/11 tại Hà Nội.

Tới tham dự lễ bế mạc và ra mắt Ban chấp hành mới Hội Nhà văn Việt Nam có đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng hàng trăm đại biểu.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói gì trước vai trò là tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam  - Ảnh 1.

11 thành viên Ban chấp hành Hội Nhà văn VN khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội. Ảnh: Huy Hoàng

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam đã bầu Ban chấp hành mới và ra mắt với 11 thành viên, trong đó nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu là Chủ tịch, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương là Phó chủ tịch. 8 thành viên Ban chấp hành còn lại bao gồm: Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ; Nhà văn Lương Ngọc An; Nhà văn Khuất Quang Thuỵ; Nhà văn Vũ Hồng; Nhà văn Trần Hữu Việt; Nhà văn Trần Hùng; Nhà văn Phan Hoàng; Nhà văn Bích Ngân.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói gì trước vai trò là tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam  - Ảnh 2.

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Đại hội

Phát biểu tại lễ bế mạc, đồng chí Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh: "Với tất cả những gì mà các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ đã làm được, nhân dân và Đảng tiếp tục đặt lòng tin vào các nhà văn hiện đại trong một giai đoạn mới của đất nước nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Đại hội Hội Nhà văn lần thứ X là đại hội thực hiện chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam với kỳ vọng vào những nhân tố mới, tạo ra cảm hứng và năng lượng trong công tác điều hành và sáng tạo, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trải qua 9 nhiệm kỳ của Hội Nhà văn Việt Nam, Đại hội đã luôn tìm được những nhà văn xứng đáng để bầu vào Ban chấp hành và lãnh đạo chủ chốt của Hội Nhà văn như nhà văn Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà thơ Hữu Thỉnh. Những nhà văn, nhà thơ xuất sắc ấy trong Ban chấp hành và lãnh đạo chủ chốt của Hội đã cùng các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam góp phần đưa nền văn học Việt Nam lên một bước phát triển mới qua mỗi thời kỳ. 

Tôi rất vui mừng, với trách nhiệm cao, các nhà văn đã chọn lựa được những đại diện tiêu biểu bầu vào Ban chấp hành và các chức danh lãnh đạo của Hội, để cùng các hội viên hoàn thành trách nhiệm trong một giai đoạn mới của văn học nước nhà.

Nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ mới là phải tiếp tục góp đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị và đạo đức; trong tổng kết văn học Việt Nam nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, thúc đẩy hòa hợp, xây dựng đại đoàn kết dân tộc thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị và nhân văn mới cho xã hội; đồng thời tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học. Hội phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc và văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là Con Người Việt Nam. Đó là triển vọng, là tương lai của đất nước mà nhà văn cần hướng tới.

Kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là những kẻ xâm lược được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình là những kẻ thù không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác. Nó chính là sự thoái hóa, biến chất về đạo đức trong mỗi con người. Nó ẩn náu trong đời sống thường nhật, nó có thể mang gương mặt lương thiện và đầy phép biến hình như trong cách nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín". Chính thế mà sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam trong lúc này lại càng lớn lao và phức tạp. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, của sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này.

Người đọc Việt Nam luôn luôn mong đợi, đón chào các nhà văn với lòng quý trọng và yêu mến nhất. Bằng tác phẩm của mình, các nhà văn sẽ giúp bạn đọc trả lời câu hỏi: Giá trị thực của con người là ở đâu và thế nào là cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc? Tiến sâu vào kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trước đe dọa của dịch bệnh, trước một cuộc sống với bao thay đổi, mới mẻ, thậm chí có nhiều phức tạp, gai góc, đứng trước biết bao bỡ ngỡ và lựa chọn, văn học sẽ là một trong những nơi con người tìm đến như một điểm tựa tinh thần, niềm an ủi, nâng đỡ con người, làm cho con người thực sự trở thành CON NGƯỜI, luôn có khả năng vượt qua chính mình. Các nhà văn Việt Nam hãy đáp ứng sự mong đợi đầy yêu thương này của độc giả bằng những tác phẩm hay, kết tinh từ trí tuệ sâu sắc, tâm hồn cao thượng và trách nhiệm lớn lao của nhà văn. Chỉ có tác phẩm hay mới thật sự vì con người, mới có thể làm giàu cho văn hóa dân tộc góp, phần làm cho đất nước phồn vinh và phát triển.

Tác phẩm hay là tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, là niềm mong đợi rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đó là những tác phẩm phản ánh sâu sắc thực tiễn sinh động của đất nước và tầm vóc của con người Việt Nam - những người lao động sáng tạo trên nhiều lĩnh vực, những chiến sĩ đang bảo vệ sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là những tác phẩm có sức chinh phục sâu sắc các thế hệ người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Tôi trộm nghĩ, để có những tác phẩm hay là nguyện vọng và theo đuổi cả một đời cầm bút của các nhà văn. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đồng hành với các nhà văn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà văn sáng tạo và cống hiến.

Tôi mong sau mỗi kỳ đại hội, các nhà văn lại viết hay hơn, và Đại hội sau sẽ ghi dấu thêm những tác phẩm hay hơn đại hội trước. Còn làm thế nào để có tác phẩm hay, viết thế nào cho hay, cho xứng đáng với nhân dân, xứng đáng với Tổ quốc, tôi tin là các nhà văn sẽ hiểu hơn ai hết".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói gì trước vai trò là tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam  - Ảnh 3.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khoá X, nhiệm kỳ 2020-2025

Phát biểu trên cương vị tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: "Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban Bí thư, tới Ban chỉ đạo đại hội các hội VHNT toàn quốc, tới Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban tổ chức, tới các nhà văn yêu quý có mặt tại Đại hội và không có mặt tại Đại hội đã tạo những cơ hội tốt nhất và những điều kiện tốt nhất để Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam thành công tốt đẹp.

Sự thành công của Đại hội là một thành công trọn vẹn, bởi Đại hội đã thực thi một cách xuất sắc công cuộc chuyển giao thế hệ đối với các hội VHNT Việt Nam do Đảng chủ trương. Cuộc chuyển giao này cho thấy một bước đi lớn của dân chủ mang tính thời đại và niềm tin của các thế hệ đi trước đối với thế hệ kế tiếp của mình. 

Các nhà văn tin tưởng Ban chấp hành khóa X sẽ mang đến một tư duy mới, một năng lượng mới và tràn ngập cảm hứng sáng tạo cho các nhà văn chân chính. Thách thức đối với Ban chấp hành Hội Nhà văn VN khóa X vô cùng to lớn. Nhưng thách thức lớn hơn cả là thách thức với mỗi nhà văn trước trang viết của mình. Mỗi nhà văn phải trả lời biết bao câu hỏi của chính mình, của mỗi thân phận quanh mình và của cả dân tộc trong thời đại mới với nhiều biến động.

Từ đại hội cơ sở đầu tiên đến đại hội đại biểu toàn quốc trong 2 ngày vừa qua, tất cả các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã bước vào đại hội với một tinh thần dân chủ, với một thái độ tôn trọng, công bằng và nghiêm khắc để nhìn lại hoạt động của Ban chấp hành và của các hội viên 5 năm qua. Và cùng nhau vạch ra một con đường của văn học Việt Nam trong 5 năm tới và trong tương lai. Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X xin hứa sẽ thực hiện tốt nhất nghị quyết của Đại hội Hội Nhà văn khóa X.

Cùng trong phiên họp quan trọng này, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã trân trọng mời nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục đồng hành với Ban chấp hành trên cương vị cố vấn và được nhà thơ Hữu Thỉnh nhận lời. Đây chính là thái độ của các nhà văn trong Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa X đối với những đóng góp của các nhà văn, các thế hệ đi trước và sự cần thiết của những trải nghiệm mà các nhà văn các thế hệ đi trước đối với những người kế cận. Đồng thời tạo nên sự gắn kết chân thành và bền vững của các nhà văn ở các thế hệ khác nhau".

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Phó Ban thường trực Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Trưởng ban Nhà văn trẻ, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn - chia sẻ kỳ vọng về Ban chấp hành mới với Dân Việt: "Đây là cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, từ thời kỳ văn học cách mạng sang thời kỳ mới. Họ là những người trưởng thành sau chiến tranh, đây là dấu hiệu phấn khởi, tiến bộ cho các nhà văn Việt Nam.

Tôi nghĩ nhiệm kỳ mới này Ban chấp hành sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, bởi thời điểm hiện nay có nhiều biến động ở cả thế giới và Việt Nam. Ban chấp hành mới sẽ gánh trên vai nhiệm vụ khó khăn, bởi họ phải đối nhân xử thế với lớp người đi trước, lớp nhà văn thời kỳ chống Mỹ, họ vẫn đang có rất nhiều thành tựu. Và phải đối nhân xử thế với cả lớp trẻ mới lên. Phải dung hoà, mở rộng tầm nhìn thì mới có thể đem lại những điều tốt đẹp, công bằng cho các nhà văn mọi thế hệ. Tôi tin tưởng họ có đủ năng lực, phẩm chất để làm được điều đó".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem