Trồng lúa thân thiện với môi trường, lúa trĩu bông, nông dân huyện Hiệp Hoà ở Bắc Giang có thu nhập tốt hơn hẳn
Trồng lúa thân thiện với môi trường, lúa trĩu bông, nông dân huyện Hiệp Hoà ở Bắc Giang có thu nhập tốt hơn hẳn
Thu Hà
Thứ sáu, ngày 08/11/2024 13:10 PM (GMT+7)
Từ những hiệu quả mang lại, nông dân trồng lúa huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã hoàn toàn tin tưởng và thay đổi tập quán canh tác lúa thân thiện với môi trường. Từ đó trên địa bàn huyện Hiệp Hoà đã có thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn, nhiều chuỗi liên kết sản xuất bền vững được thành lập, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Hiệu quả từ mô hình điểm với những ruộng lúa chín vàng trĩu bông
Trong 2 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã tích cực đẩy mạnh triển khai Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" với sự hỗ của tổ chức EarthCare Foundation, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Giang trong tổ chức tập huấn kỹ thuật, giống lúa, phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học.
Trao đổi với PV Báo NTNN/Dân Việt, bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa cho biết: Hiệp Hòa là địa phương có truyền thống về canh tác lúa. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là trên 20.000 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là gần 16.000 ha, diện tích đất trống lúa rất lớn (gần 8.000 ha); Là đơn vị hành chính cấp huyện đông dân nhất tỉnh Bắc Giang.
Khi Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thân thiện với môi trường vào năm 2023, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã lựa chọn xã Thái Sơn và xã Lương Phong là những đơn vị điểm triển khai mô hình mẫu của dự án.
Dù vụ mùa năm 2023 đã trôi qua, nhưng ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Phong vẫn không quên được cảm giác hồ hởi, phấn khởi của bà con nông dân xã khi đứng trước những ruộng lúa chín vàng trĩu hạt là minh chứng cho một mùa vụ bội thu.
Ông Bình phấn khởi nhớ lại: Vụ mùa 2023, xã Lương Phong lựa chọn thực hiện 2 mô hình tại thôn Vân An và thôn Cấm với tổng diện tích 2 sào/1 mô hình. Giống lúa được sử dụng là giống lúa Hà Phát 3 tại thôn Vân An và VNR20 tại thôn Cấm. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón vi sinh, tập huấn kỹ thuật canh tác theo 3 phương pháp kỹ thuật: tưới ướt khô xe kẽ, sử dụng rơm rạ đúng cách và bón phân hợp lý.
Qua thực tế cho thấy, sản xuất theo mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường có nhiều ưu điểm như: áp dụng xử lý rơm rạ trước khi cấy bằng chế phẩm, cấy mạ non, cấy thưa ít rảnh, sử dụng phân bón vi sinh… giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt; cứng cây, bộ rễ phát triển mạnh, ăn sâu; khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh tốt; đẻ nhánh khỏe, tập trung, số dảnh hữu hiệu cao; tỷ lệ hạt chắc mẩy trên bông cao hơn lúa đối chứng (sản xuất theo phương thức truyền thống). Năng suất lúa ước tính đạt 300 - 305kg/sào (cao hơn lúa đối chứng từ 55 - 60kg/sào).
Từ hiệu quả của vụ mùa năm 2023, sang năm 2024 này, trên địa bàn xã Lương Phong đã có 1.200 hộ gia đình cùng chủ động áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường với trên diện tích 160ha.
Nông dân Hiệp Hoà thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa thân thiện với môi trường
Không chỉ bó hẹp ở xã Lương Phong, Thái Sơn giờ đây phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường đã được lan tỏa đến khắp các địa phương của huyện Hiệp Hòa như Xuân Cẩm, Hùng Sơn, Hoàng An... từ đó đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong sản xuất lúa trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa khẳng định hiệu quả của Dự án mang lại rất lớn. Dự án đã làm thay đổi nhận thức và thói quen canh tác của hội viên, nông dân theo hướng thân thiện với môi trường và có tác động lan toả đối với cả những hội viên nông dân không trực tiếp tham gia vào Dự án ở các xã lân cận.
Theo bà Hiền, nếu trước đây trồng lúa gieo cấy theo phương pháp truyền thống chỉ đạt 170 – 180kg/sào; ruộng lúa áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường tăng lên 220 kg đến 230 kg/sào. Năng suất cây lúa tăng hơn so với canh tác truyền thống từ 20-30%; giảm chi phí, giảm ngày công lao động, tăng thu nhập.
Đặc biệt, sản xuất lúa thân thiện với môi trường do ít sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Đây chính là những ưu điểm để người dân trồng lúa ở huyện Hiệp Hòa nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung tin tưởng vào Chương trình canh tác lúa thân thiện với môi trường.
"Từ thành công của Dự án đang thực hiện trên địa bàn 2 xã của huyện chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau: Đó là: Công tác tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo và phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, cùng với chính quyền các cấp để triển khai thực hiện.
Cụ thể: Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang về triển khai Dự án tại huyện; Hội Nông dân huyện đã chủ động báo cáo Thường trực Huyện ủy; phối hợp với Phòng Nông nghiệp, tham mưu cho Lãnh đạo UBND rà soát, lựa chọn xã để xây dựng mô hình"- bà Hiền nói.
Kinh nghiệm thứ 2 theo bà Hiền là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Cụ thể, cách thức tuyên truyền vận động là "mắt thấy tai nghe", nông dân nhìn thấy lợi ích mà dự án mang lại: tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp, thu nhập cho người nông dân được nâng cao; bảo vệ sức khỏe cho chính những người nông dân và cộng đồng xung quanh, bảo vệ môi trường. Qua đó đã từng bước thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho người nông dân.
"Diện tích trồng lúa của huyện Hiệp Hoà rất lớn. Chúng tôi tổ chức rất nhiều các lớp chuyển giao KHKT (181/181 thôn, làng đều được tập huấn KHKT), trong đó có các kỹ thuật về cấy lúa thân thiện với môi trường"- bà Hiên thông tin.
Bà Hiền cho biết thêm: Những năm 2015-2020, tỷ lệ đốt rơm rạ của huyện chiếm khoảng 50% làm lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Sau khi có sự vào cuộc của các cấp Hội Nông dân và các cơ quan liên quan tập huấn hướng dẫn cho bà con nông dân cách sử dụng rơm rạ làm phân bón, bán cho các HTX làm nấm rơm, tỷ lệ đốt rơm rạ giảm chỉ còn hơn 20%. Hoạt động của Hội Nông dân huyện Hiệp Hoà đã cấp ủy, chính quyền ghi nhận.
Từ hiệu quả của Dự án, ngoài 2 xã Lương Phong, Thái Sơn tại huyện Hiệp Hòa, Hội Nông dân huyện Hiệp Hoà còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục nhận rộng mô hình tại các xã: Xuân cẩm (20 ha), Hùng Sơn (30 ha), và Hoàng An (1ha).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.