Chủ tịch phường Hàng Trống, Hà Nội: Muốn phát triển thành phường du lịch, cần thay đổi văn hóa ứng xử

Bách Thuận Thứ năm, ngày 27/07/2023 21:38 PM (GMT+7)
Ngày 27/7, UBND phường Hàng Trống (Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) đã tổ chức tọa đàm "Bàn về văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử trong hoạt động kinh doanh gắn với 5 tiêu chí ứng xử của người dân khu phố cổ".
Bình luận 0

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hàng Trống mong muốn, qua buổi tọa đàm này, Đảng ủy - chính quyền phường sẽ nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu tham gia, đặc biệt là từ phía cơ sở kinh doanh trực tiếp.

Từ đó trao đổi những kinh nghiệm, những cách làm hay, cũng như tìm ra các biện pháp khả thi để nâng cao văn hóa ứng xử trong hoạt động kinh doanh của cơ sở.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn phường Hàng Trống đang tồn tại một số điểm hạn chế, như tình trạng chèo kéo khách; văn hóa giao tiếp, chất lượng phục vụ tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn vẫn còn có bất cập; đáng lưu ý, tình trạng chưa công khai minh bạch giá cả hàng hóa, ép giá vẫn còn diễn ra gây bức xúc cho khách hàng (như vụ nem chua Ấu Triệu, bánh mỳ Nguyên Sinh).

Chủ tịch phường Hàng Trống, Hà Nội: Muốn phát triển thành phường du lịch, cần thay đổi văn hóa ứng xử - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn nhìn nhận, để phát huy hiệu quả hơn nữa những tiềm năng vốn có của địa phương, phát triển thành phường văn hóa, phường du lịch, cần thay đổi văn hóa ứng xử của nhân dân và các hộ kinh doanh trên địa bàn trong hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch. Ảnh: VS

"Những tồn tại trên chỉ ở một số cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn. Đa số những cơ sở lớn, có thương hiệu, khách sạn/nhà hàng lớn đều có tiêu chí, tiêu chuẩn riêng và thực hiện rất tốt văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử với du khách" - bà Lê Thị Thuý Nga - Tổ trưởng Tổ dân phố số 5 đánh giá.

Theo bà Nga, từ năm 2009, quận Hoàn Kiếm đã ra đề án về văn hoá ứng xử trong kinh doanh dịch vụ, từ đó đến nay có nhiều chuyển biến tích cực. Dưới góc độ cán bộ cơ sở, bà Nga chia sẻ, sau sự việc xảy ra tại quán bánh mỳ Nguyên Sinh, bản thân bà đã nhiều lần gặp gỡ trực tiếp, trao đổi với cơ sở.

"Văn hoá ứng xử rất quan trọng trong kinh doanh. Tôi thường xuyên gặp mặt và trao đổi với các cửa hàng nhỏ lẻ, nhất là các cháu nhân viên để tuyên truyền, góp ý những gì chưa đúng, chưa hay để giúp cải thiện bộ mặt kinh doanh trên địa bàn phường" - Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường Hàng Trống nhìn nhận.

Một chủ hộ kinh doanh lưu trú khác là ông Chử Bá Điệp cũng chia sẻ, bày tỏ một số ý kiến liên quan tại tọa đàm.

Theo ông Điệp, muốn có được khách đến, có được lợi nhuận phải coi khách hàng là tất cả, bản thân và nhân viên cần thân thiện, nở nụ cười, cúi chào khi khách đến, tạm biệt khi khách đi, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ.

Cùng với đó, ngoài việc quan tâm đến chất lượng, hạ tầng, giá cả, ông Điệp còn đặc biệt chú trọng đến khâu tuyển chọn, đào tạo đội ngũ nhân viên và tiêu chí có văn hóa ứng xử chuẩn mực là điều quan trọng hơn cả.

Chủ tịch phường Hàng Trống, Hà Nội: Muốn phát triển thành phường du lịch, cần thay đổi văn hóa ứng xử - Ảnh 2.

Ông Chử Bá Điệp chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: VS

Cũng chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Mai Thị Nhiễu - Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 4 (phường Hàng Trống) đánh giá cao nội dung tọa đàm và mong muốn có thêm nhiều buổi trao đổi, thảo luận để chính quyền lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các cơ sở kinh doanh; ngược lại các cơ sở có dịp giao lưu, tiếp xúc, chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn trong quá trình kinh doanh.

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn đánh giá, để phát huy hiệu quả hơn nữa những tiềm năng vốn có của địa phương, phát triển thành phường văn hóa, phường du lịch, cần thay đổi văn hóa ứng xử của nhân dân và các hộ kinh doanh trên địa bàn trong hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch.

Do đó, các cấp ủy Đảng - chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần tăng cường, đổi mới, đa dạng phương thức tuyên truyền cho nhân dân, trong đó có các hộ kinh doanh về văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ, qua đó nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, giúp họ nhìn nhận được việc nâng cao văn hóa ứng xử trong kinh doanh nếu làm tốt, Nhân dân và các hộ kinh doanh sẽ có thể tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Bên cạnh đó, các lực lượng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của phường Hàng Trống.

"Các cơ sở kinh doanh dịch vụ - thương mại - du lịch trên địa bàn phường Hàng Trống cần tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, rèn luyện đạo đức của nhân viên về thái độ phục vụ chuyên nghiệp, về việc ứng xử văn hóa trong hoạt động kinh doanh. 

Đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, vứt rác bừa bãi xung quanh khu vực kinh doanh của cơ sở. Đồng thời có các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đặc biệt trong mùa nắng nóng, thực hiện niêm yết giá công khai, minh bạch tại cơ sở" – Chủ tịch Đặng Minh Tuấn nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem