Chủ tịch TP.HCM đặt hàng HS-SV lên ý tưởng chống ngập, giảm kẹt xe

Khải Huyền Thứ năm, ngày 24/10/2019 15:27 PM (GMT+7)
Nhiều học sinh, sinh viên lo ngại, trong năm học có các tiết học ngoại khóa, thực hành kỹ năng sống… nhưng trên thực tế, các em không được ra ngoài trải nghiệm, cọ xát với cuộc sống mà vẫn chỉ là ngồi trên lớp, nghe thầy cô giảng bài.
Bình luận 0

Trong buổi gặp học sinh sinh viên tiêu biểu năm 2019 của thường trực UBND TP.HCM tổ chức sáng nay, Nguyễn Lưu Ngọc Danh - học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong bày tỏ, hiện tại, nhà trường đã đưa vào thời khóa biểu các tiết học về kỹ năng sống, các giờ sinh hoạt ngoại khóa…

Tuy nhiên theo Danh, những tiết học này vẫn còn xa thực tế. Đặc biệt, trong nhiều tiết học kỹ năng, học sinh phải ngồi trên lớp nghe các báo cáo viên giảng bài thay vì ra ngoài trải nghiệm thực tế. Thậm chí, nhiều tiết học gọi là ngoại khóa nhưng học sinh không được xuống sân trường để hoạt động.

Do đó, Danh mong muốn lãnh đạo TP.HCM, Sở GDĐT và các ban ngành cung cấp thêm nhiều tiết học kỹ năng sống trong chương trình học. Đặc biệt, tăng cường thêm các hình thức học tập trải nghiệm, giúp học sinh được cọ xát với thực tế cuộc sống nhiều hơn.

Đồng quan điểm, Mai Hải Yến -  Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) cho biết, chương trình học hiện nay khá nặng về lý thuyết, có sự chênh lệch lớn về thời lượng giữa các tiết lý thuyết và thực hành.

img

Mai Hải Yến phát biểu tại buổi gặp gỡ học sinh, sinh viên tiêu biểu 2019 tổ chức sáng nay.

Chưa kể, điều kiện học tập của học sinh tại các trường cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực hành, các thiết bị trường học chưa đáp ứng tiêu chuẩn cho nhiều thí nghiệm… Do đó, học sinh chưa có nhiều cơ hội vận dụng các lý thuyết được học vào thực tế.

Từ đó, Hải Yến đề xuất xây dựng thêm nhiều tiết học về kỹ năng sống, tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện và trải nghiệm thực tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ.

Vấn đề học tập nặng tính lý thuyết không chỉ ở trường phổ thông mà theo bạn Huỳnh Tuấn Khương - Chủ tịch Hội sinh viên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ở cấp đại học, sinh viên cũng chậm được thực hành, thực tập, làm quen với doanh nghiệp.

Khương cho biết, nhiều ngành đào tạo hiện nay, sinh viên đến học kỳ 2 năm thứ tư mới được thực tập nên khó phát triển kỹ năng ngành nghề. Sau thực tập là đến thời điểm sinh viên bận rộn với việc chuẩn bị cho tốt nghiệp, không có nhiều thời gian để chỉnh sửa những thiếu sót trong quá trình học của bản thân.

Về những vấn đề này, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM thông tin, hàng năm TP đưa thêm vào sử dụng hơn 1.500 phòng học. Dẫu vậy, số phòng thực hành, thí nghiệm hiện nay mới đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản.

Hiện nay, TP đang triển khai các dự án trường học thông minh, trong đó có xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận thiết bị hiện đại và điều kiện học tập tốt hơn. Một số trường học cũng đã tăng cường xây dựng các cơ sở thư viện, phòng thí nghiệm… với các thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh.

Riêng về các tiết học ngoại khóa, ông Nam cho rằng, do chương trình văn hóa hiện nay khá nặng nên chiếm hầu hết thời gian lên lớp, tiết học ngoài nhà trường bị hạn chế. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thêm nhiều giải pháp để tăng thời lượng học ngoài nhà trường, đưa thêm các nội dung dạy kỹ năng vào chương trình học.

img

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện với học sinh, sinh viên TP.HCM.

Tại buổi gặp, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sẽ gửi những ý kiến, đề xuất của các học sinh, sinh viên tiêu biểu trong buổi gặp này đến các sở ngành liên quan. Ông Phong cũng đặt hàng học sinh, sinh viên thành phố nhiều lĩnh vực như lên ý tưởng chống ngập, giảm kẹt xe…

Để góp phần xây dựng thành phố tiếp tục phát triển, ông Phong khuyên học sinh sinh viên cần chủ động hơn trong học tập, rèn luyện các kỹ năng, đặc biệt là ngoại ngữ. Sinh viên cũng cần tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội vì chính môi trường xã hội sẽ giúp rèn luyện các bạn trẻ.

Ngoài ra, người trẻ nên tìm cách biến những suy nghĩ, ý tưởng mới của mình thành hiện thực, thông qua sự hỗ trợ của các trung tâm đổi mới sáng tạo, Thành đoàn, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp…

“Các trường đại học cũng cần có trung tâm đổi mới sáng tạo, giúp hỗ trợ những dự án của các sinh viên”, ông Phong đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem