Chủ tịch xã mang giống lúa mới giúp dân đổi đời

Quốc Tuấn Thứ bảy, ngày 02/03/2019 14:00 PM (GMT+7)
Mang giống lúa mới về đất Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La), ông Lò Văn Pháng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến đã góp phần cùng người dân nơi đây làm nên cuộc đổi đời.
Bình luận 0

Đặt tên cho giống lúa

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đông anh em, ngay từ nhỏ cậu bé Lò Văn Pháng đã tỏ ra khác biệt so với đám bạn cùng trang lứa. Khi chúng bạn còn ham chơi thì cậu lại thích theo chân bố mẹ lên nương, xuống ruộng. Thế rồi, “cái máu” làm nông nghiệp “ngấm” vào người lúc nào không biết...

Những năm 1990, cũng như các bản rẻo cao Tây Bắc, đồng bào Thái, Mông, La Ha ở Ngọc Chiến thường xuyên rơi vào cảnh đói giáp hạt triền miên. Người Ngọc Chiến vốn dĩ chịu khó, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám.

Nguyên nhân một phần do khí hậu ở đây rất lạnh, từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau nhiệt độ luôn dưới 14 độ C, thậm chí vào mùa đông còn xuất hiện băng giá. Do đó, cây lúa nơi đây chăm sóc thế nào cũng không hiệu quả.

img

img

HTX Thành Công được thành lập đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại xã. Ảnh: Q.T

Chỉ sau 2 năm khi ông Pháng mang giống lúa mới về trồng, tình trạng đói giáp hạt của 1.600 hộ trong xã đã được giải quyết, không những thế các hộ còn dư thóc để bán (năng suất lúa cao nhất 9 tấn/ha). Cũng để ghi nhớ công lao của ông Pháng, nhân dân trong vùng đã đặt tên cho giống lúa mới là “nếp Pháng Xiên”.

Ông Lò Văn Chinh, ở bản Lướt - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến giai đoạn 1990-2009 nói: Cũng bởi khí hậu lạnh cộng với người dân vẫn duy trì phương thức canh tác cũ, trong khi giống lúa địa phương suy thoái, năng suất, chất lượng kém nên làm giỏi lắm cũng chỉ được 3 tấn thóc/ha là cao, còn lại chỉ khoảng 2 tấn/ha.

Thời điểm đó, rất nhiều cán bộ nông nghiệp từng lên với Ngọc Chiến để tìm hiểu nhằm giúp người dân tăng năng suất lúa, sớm giải quyết tình trạng đói giáp hạt nhưng cũng chịu thua.

Chỉ đến khi đảng viên Lò Văn Pháng, khi đó còn là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã, Trưởng bản Nà Bá xung phong đi học theo hình thức tự túc tại Trường Trung cấp nông lâm Sơn La, mang giống lúa mới về trồng thử nghiệm, thay toàn bộ giống cũ thì mọi chuyện mới khác.

Chỉ sau 2 năm khi ông Pháng mang giống lúa mới về trồng, tình trạng đói giáp hạt của 1.600 hộ trong xã đã được giải quyết, không những thế các hộ còn dư thóc để bán (năng suất lúa cao nhất 9 tấn/ha). Cũng để ghi nhớ công lao của ông Pháng, nhân dân trong vùng đã đặt tên cho giống lúa mới là “nếp Pháng Xiên” (là tên của ông Pháng ghép với tên người con trai đầu).

Khi cái ăn hàng ngày đã được giải quyết, ông Pháng lại nghĩ cách giúp dân làm giàu dựa trên lợi thế đất rừng lớn. Ông đưa cây giống sơn tra về trồng và ươm, cung cấp giống cho nhân dân. Trong khoảng thời gian 8 năm, ông đã cung cấp giống cho hơn 2.000ha sơn tra cả trong và ngoài xã.

“Tôi quyết tâm đi học để giúp bà con phát huy được lợi thế đất đai, thoát cảnh nghèo đói. Tôi vẫn thường nói với bà con: “Của mình ăn no, của cho ăn đếm”, nếu cứ ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì khó thoát nghèo, người dân phải tự nỗ lực tìm giải pháp vươn lên mới bền vững” – ông Pháng tâm sự.

Biến ước mơ thành hiện thực

Nhớ lại quãng thời gian 3 năm đèn sách, xa nhà, ông Pháng bảo: “Quyết tâm cao là vậy mà tôi từng có 4 lần suýt bỏ học vì gia đình khi đó rất khó khăn, vợ tôi phải lo hết mọi việc trong nhà, kể cả tiền, gạo cho chồng đi học. Mỗi tháng tôi về thăm vợ con 1 - 2 lần nhưng ngày đó đi lại khó khăn. Mỗi lần về thăm gia đình, phải xin nghỉ tiết cuối ngày thứ 7 để kịp bắt 3 chặng xe khách, hôm sau đi bộ hơn 10 tiếng mới về được nhà, cơm nước xong, ngủ ở nhà được 3 tiếng lại phải dậy lúc 2 giờ sáng để tiếp tục hành trình ngược ra để kịp giờ học của ngày thứ 2”.

img

Hệ thống nhà lưới cùng kỹ thuật trồng trọt mới cũng được ông Pháng đưa về xã.  Ảnh: Q.T

Vẫn giọng kể trầm đục, ông Pháng tiếp lời: “Khi đi học rồi mới biết, Ngọc Chiến lạnh như vậy thì chỉ làm 1 vụ lúa. Vì vậy, tôi đã vận động bà con lấy mốc ngày 30.4, 1.5 hàng năm để gieo trồng, đến tháng 9 thu hoạch. Trong một lần đi thực tế ở huyện Yên Châu, thấy họ trồng khảo nghiệm giống nếp 87, tôi mua 2,5kg giống về trồng thử trên diện tích 600m2 ruộng của gia đình và đã thu được 6 tạ thóc. Thấy hiệu quả, năm sau tôi thuê thêm 8.000m2 đất và thu được 8 tấn thóc. Số thóc này tôi không dám ăn mà dùng để làm giống cho bà con trồng thay thế giống cũ”.

Trong câu chuyện kể về hành trình giúp đồng bào mình thoát nghèo, đảng viên Lò Văn Pháng khẳng định: “Ngọc Chiến hiện còn 63% số hộ nghèo. Ở một mảnh đất giàu tiềm năng như thế này mà để dân nghèo là không được. Chúng tôi quyết tâm phấn đấu hết nhiệm kỳ này giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15%. Ngọc Chiến được ví như Đà Lạt thứ 2 của vùng Tây Bắc, có cánh đồng Mường Chiến rộng trên 665ha, có nguồn suối khoáng tự nhiên. Nơi đây còn có dòng suối Chiến quanh năm trong xanh và mát lạnh, không chỉ cung cấp nước cho nhà máy thủy điện mà còn thuận lợi để nuôi cá hồi trên đỉnh đèo Xam Xíp”.

Từ những trăn trở đó, ông Pháng đã tự mình tìm hiểu, học hỏi các mô hình nông nghiệp, thậm chí vào cả Đà Lạt (Lâm Đồng) hay đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp đến với Ngọc Chiến. Nhưng phải đến năm 2015, ý tưởng giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng của vị Chủ tịch xã mới thành hiện thực.

Đầu năm 2016, một hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả, hoa cao cấp đã được thành lập trên đất Ngọc Chiến. Để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư cũng như người dân của mình, “Chủ tịch xã chân đất” đã góp cổ phần để con trai mình tham gia HTX, còn ông đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia về chuyên môn, kỹ thuật.

Với mục tiêu hình thành một cánh đồng nông sản sạch cung cấp cho thị trường Hà Nội và những thành phố lớn trong nước, HTX Thành Công đã có phương án phát triển diện tích sản xuất lên hàng trăm hecta. Với hơn 13ha đất trồng lúa thuê của 77 hộ, HTX đã hình thành được những cánh đồng hoa tương lai cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha. Hiện, cánh đồng bí xanh đã cho thu 100 tấn quả/ha (1 năm 4 vụ, giá bán là 5.000 đồng/kg) hay những cánh đồng rau xanh được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với năng suất 15 - 20 tấn/ha.

Chị Quàng Thị Sưa, bản Mường Chiến 1, nói: “Hiện tại lúa ở Ngọc Chiến mới thu được 30 triệu đồng/ha, trong khi HTX trả 40 triệu đồng/ha đất đã thuê và tạo việc làm cho các hộ với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Đây mới chỉ là mức lương học nghề ban đầu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem