Chưa có vợ, không được mua nhà

Thứ sáu, ngày 05/10/2012 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người Hoa có thành ngữ “Dựng ổ rước phượng hoàng”, nhưng chính quyền Thượng Hải lại cấm người nhập cư chưa lập gia đình không được mua nhà. Vì muốn ngăn chặn nạn đầu cơ nhà đất.
Bình luận 0

Từ khi chính sách mỗi gia đình chỉ có một con được áp dụng, lượng con trai nhiều hơn hẳn con gái, thế nên kiếm vợ là điều khó với các nam thanh niên. Theo lệ, nam thanh niên Trung Quốc (TQ) phải có nhà trước khi xin gia đình vợ cho cưới. Nếu nam thanh niên không tự tạo dựng được cơ nghiệp thì các ông bố bà mẹ phải lấy tài sản ra dựng nhà cho con trai để cậu cưới vợ.

img
Phải có "ổ" mới được rước "phượng hoàng"

Đó là lý do kỹ sư tin học Tank Zhao, 28 tuổi, người tỉnh Phúc Kiến, phải tìm mua một căn hộ trước khi lấy vợ năm 2013. Chính quyền Thượng Hải nói anh phải có “phượng hoàng” trước thì mới có “ổ”, trong khi gia đình cô bạn gái nói anh phải có “ổ” thì mới cho anh rước “phượng hoàng”. Zhao muốn có một căn hộ giá khoảng 1,5 triệu tệ ở phía đông thành phố cho gần chỗ làm. Anh nói sẽ phải giải thích với gia đình bên vợ về chủ trương của chính quyền để bên vợ cho “ứng trước”.

Sau khi chính quyền ban hành chủ trương này, số nhà bán được hồi tháng 7 ở Thượng Hải “rớt” 16% so với tháng trước, chỉ bán được 7.025 căn, theo số liệu của Century 21 China Real Estate, công ty môi giới nhà đất lớn thứ nhì TQ. Trước đó, vào tháng 6, có 8.365 căn được bán tại đây (cao nhất từ 17 tháng qua). Nhà phân tích Huang Hetao của công ty nói chủ trương đã tác động phần nào đến thị trường.

Cô Zhang Lei, 31 tuổi, không tính lấy chồng, hồi tháng 6 sẵn sàng đặt cọc để mua một ngôi nhà giá 3 triệu tệ (471.000USD) ở phía bắc Thượng Hải, nhưng cô đã phải ngưng kế hoạch này: “Tôi rất khó chịu. Tôi đã lao động kiếm tiền chờ lúc có thể mua được nhà, nhưng chính quyền đột ngột thông báo chúng tôi không thể mua. Chúng tôi nộp thuế tại đây, đóng góp cho sự phát triển của thành phố như dân địa phương và người nước ngoài, vậy tại sao chúng tôi không được mua nhà như họ? Đó là sự phân biệt”.

Thượng Hải (23 triệu dân với khoảng 9 triệu người ngoại tỉnh, là thành phố đông dân hàng thứ nhì TQ, sau Trùng Khánh) đã có nhiều biện pháp kiểm soát dân số. Muốn được gọi là dân địa phương, người ta phải thỏa mãn một trong số những điều kiện: có cha hoặc mẹ là người Thượng Hải, sinh ở thành phố này, có nghề chuyên môn và đã sinh sống trong ít nhất 7 năm cùng các biên lai thuế để chứng minh, hoặc là lập gia đình với một người Thượng Hải và duy trì cuộc hôn nhân được 10 năm.

Nhưng các quy định này đã khiến dân Thượng Hải xem thường người mới đến ở và sự chia rẽ giữa hai phía ngày càng cao, theo giáo sư Wang Xiaoyu thuộc Đại học Tonggi ở Thượng Hải. Đó là chưa nói việc người mua nhà tìm cách có giấy hôn thú giả (bán giá 100 tệ, một số tiền quá rẻ cho mục đích mua nhà) do chính quyền không thể xác minh. Năm ngoái khi giá nhà tăng cao, một vài cặp còn giả ly dị để “lách” quy định cấm có hai nhà.

Theo Ủy ban Thống kê nhà nước, làn sóng công nhân xây dựng, nhân viên công nghệ thông tin cùng công nhân ở các lĩnh vực khác đã làm tăng giá trị nhà ở Thượng Hải lên gấp 3 lần trong 10 năm qua. Tuổi trung bình lập gia đình cũng “leo lên” theo giá nhà: đàn ông ở tuổi 32,45 còn nữ giới ở tuổi 29,89, tức tăng so với năm 2007, khi nam giới lấy vợ lúc 28,64 tuổi và nữ giới lấy chồng lúc gần 27 tuổi.

Thượng Hải từ năm ngoái đã cấm dân sở hữu hai nhà, người nước ngoài có thể mua một căn nếu chứng minh được họ không có nhà nào khác tại TQ và đã có việc làm được một năm tại nước này. Các công ty nước ngoài được mua văn phòng ở Thượng Hải nếu chịu đăng ký. Người nhập cư chỉ được mua một nhà nếu chứng minh được đã có hơn một năm đóng thuế thu nhập.

Nay họ chịu thêm chủ trương mới của UBND thành phố, sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố hồi tháng 3: phải kiên quyết kéo giảm nạn đầu cơ nhà đất vốn đẩy giá nhà lên cao chót vót, người dân có thu nhập thấp không với tới được. Một căn hộ 2 phòng ngủ cách trung tâm thành phố 10km có giá 3 triệu tệ, trong khi mức lương trung bình hằng năm của một kỹ sư chỉ có 52.655 tệ.

Hồi tháng 4.2010, TQ đã có nhiều chủ trương nhằm ngăn chặn đầu cơ nhà đất và kéo giá nhà xuống: nâng mức tiền đặt cọc, tạo nhiều quy định thế chấp, lần đầu tiên đánh thuế bất động sản ở Trùng Khánh và Thượng Hải, tăng cường xây nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp và đặt ra nhiều hạn chế mua bán ở 40 thành phố.

Trong 9 tháng sau đó, giá nhà toàn quốc giảm, chính phủ cho phép vài thành phố nới các quy định hạn chế, nhằm bảo đảm sức tăng trưởng kinh tế không bị giảm tốc quá nhanh. Hồi tháng 6, Ngân hàng Trung ương TQ hạ lãi suất lần đầu tiên từ 3 năm nay, rồi hạ tiếp trong tháng 7, khiến số vụ mua bán nhà ở tăng 41% trong tháng 6. Tốc độ này khiến Bắc Kinh lại chỉ đạo các chính quyền địa phương đã nới quy định phải “nghiêm” để tránh giá nhà đất lại cất cánh.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem