Qua cải lương, chèo, đến kịch...Với PGS - TS Tất Thắng, duyên sáng tác kịch bản giống như một chuyến đi tìm Nguyễn Tuân. Từ những ấn tượng sâu sắc về tác phẩm “Chùa Đàn” của nhà văn, ông cảm tác viết nên “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”, tôn vinh vẻ đẹp của nghệ thuật, đề cao những ứng xử nhân văn. Trong kịch bản của ông được đưa lên sân khấu, cậu chủ đã vì trân quý, mến yêu giọng hát, vì tài nghệ pha trà của cô Tơ mà lâm vào cơn nguy kịch. Cô Tơ vì ân nghĩa với cậu chủ mà cất lên tiếng hát, dù đã quyết không hát nữa sau khi người chồng tài hoa qua đời. Còn Bá Nhỡ thì cầm lấy cây đàn thiêng, chơi đàn cho cô Tơ hát, sẵn sàng nhận cái chết để tri ân, cứu sống cậu chủ. Tác giả Tất Thắng chia sẻ, ông khai thác 3 yếu tố: Trà, rượu và đàn hát, tổng hòa chúng để tạo nên cái đẹp trong một không gian huyền thoại, nơi con người cũng được huyền thoại hóa.
Cảnh trong vở diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội.
Như đồng cảm với ý tưởng tác giả, tinh thần kịch bản, mà năm 1997, sau khi kịch bản được hoàn thành, NSND Dương Ngọc Đức đã dàn dựng với tên “Cây đàn huyền thoại” cho các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam. Được biết, khác với cái kết của kịch bản một chút, đạo diễn đã để cho nhân vật Bá Nhỡ không phải chết, bởi tiếng đàn trên đôi tay anh đã hiện vẻ đẹp của tâm hồn và tài năng nghệ sĩ, giúp anh thoát khỏi lời nguyền. Vở được đánh giá cao trong năm đó. Cho đến đầu năm nay, “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” đã “thức dậy” qua diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân Đội, do NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng. Tiếp đến là những ngày gần đây với sàn diễn Nhà hát Kịch Hà Nội.
Theo NSND Hoàng Dũng - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, với tác phẩm này, cùng một số vở diễn, trích đoạn khác của Nhà hát Kịch Hà Nội dự định phối hợp với ngành giáo dục Hà Nội biểu diễn phục vụ học sinh, sinh viên. Giới trẻ học đường được tiếp cận, cảm nhận những biến hóa của nhân vật từ tác phẩm “Chùa Đàn” trong sách giáo khoa nay bước lên sân khấu cũng là điều thú vị.
Gửi gắm vào nhiều tài năngVở diễn xoay quanh cuộc đời của Thị Tơ, một phụ nữ đẹp nhưng đầy bí ẩn. Cô bị thương khá nặng và được trang ấp Mê Thảo cưu mang, chữa trị cho đến khi bình phục. Cô trả ơn bằng cách đem tài nghệ pha trà, chơi đàn phục vụ chủ trang ấp, vô tình khiến những người đàn ông ở đó si mê. Nhưng cô gái tài sắc vẹn toàn này có những nỗi buồn đầy bí ẩn.
Theo NSND Mạnh Tưởng: “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” của Nhà hát Kịch Hà Nội cho một hiệu quả khác với kịch hát. Kịch nói hiệu quả hơn kịch hát bởi không bị lệ thuộc vào ca từ, lại có sự sâu sắc trong mô tả mối quan hệ giữa các nhân vật cũng như khả năng mô tả nội tâm tinh tế…
|
Chỉ khi người chồng của cô, một danh cầm có tiếng đàn xứng đáng được tôn vinh đệ nhất tài hoa tìm tới thì cô mới bừng tỉnh để thoát khỏi nỗi buồn khắc khoải. Mê Thảo vắng bóng Thị Tơ bỗng như mất đi báu vật, khiến ông chủ trang ấp thẫn thờ. Bà chủ cuồng loạn tìm công thức sao trà cho giống Thị Tơ đến hao tâm tổn trí, mất cả sinh mạng. Chủ ấp lại càng chìm sâu vào tình trạng u uất… Bá Nhỡ đã cùng một người hầu lên đường tìm Thị Tơ để cứu chủ. Đến đây, chuyện kịch được đẩy lên cao trào. Bá Nhỡ đã bước qua lời nguyền, đến bên cây đàn đầy ám ảnh để tấu lên bản nhạc cho Thị Tơ hát, thức tỉnh ông chủ và những người tri kỷ. Người nghệ sĩ ấy gục xuống chết. Vở kịch kết thúc, sân khấu tuyệt đẹp mà đầy ám ảnh.
Chăm chút cho vở mới “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”, NSND Hoàng Dũng cho biết, ông đã mời nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á từ TP.HCM ra chụp ảnh giới thiệu tác phẩm. Vở kịch với bản dựng của NSND Doãn Hoàng Giang và sự nhập vai của những gương mặt “được tin cậy”: NSND Hoàng Dũng vào vai Bá Nhỡ, NSƯT Trung Hiếu thủ vai chủ ấp, NSƯT Thu Hà - vai bà chủ ấp, Kiều Thanh - vai Thị Tơ đã khiến cho tác giả kịch bản – PGS - TS Tất Thắng cảm thấy hài lòng. Nhất là khi kịch bản được ông sáng tác để dành cho sân khấu kịch nói.
Dương Xuân (Dương Xuân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.