Chữa đau răng bằng cách... ghi tên, đóng tiền

Thứ hai, ngày 12/07/2010 15:11 PM (GMT+7)
Tìm đến nhà "thầy" Hải, theo lời đồn có tài chữa đau răng, anh Lưu thấy "thầy" đang ngồi vắt vẻo trên nóc nhà lợp ngói. Thầy bảo anh Lưu cứ lấy sổ ghi tên, bỏ 30 ngàn đồng tiền lễ lên bàn thờ rồi về, "ngày mai sẽ lành".
Bình luận 0

Chúng tôi đến nhà “thầy” Hải ở thôn Hồng Lam, xã Xuân Tiên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. “Thầy” Hải được người dân đồn là có tài chữa bệnh đau răng.

Khi chúng tôi đến, thấy một phụ nữ khoảng 50 tuổi, da ngăm đen, mặc bộ đồ hoa màu đỏ đang hí hoáy ghi họ tên, quê quán cho ba cô gái ngồi trước mặt. Chúng tôi hỏi thăm “thầy” Hải, người phụ nữ chất phác trả lời: “Thầy đang đi chăn bò ngoài đồng”. Bà ta tự giới thiệu tên Khanh, vợ “thầy” Hải.

Nghe chúng tôi bảo đến chữa đau răng, bà Khanh nhanh nhảu bảo: “Không cần gặp “thầy”. Cứ để tôi ghi họ tên, quê quán vào sổ, sau đó nạp tiền lễ 30 ngàn đồng rồi về nhà là lành”.

Bà Khanh không hỏi chúng tôi đau như thế nào, răng số mấy, chỉ hỏi họ tên, quê quán rồi ghi nối tiếp vào những dãy tên trên cuốn sổ. Ghi xong, bà xé một mẩu giấy ghi số điện thoại bàn đưa cho chúng tôi rồi khẳng định: “Đóng tiền lễ nữa là xong. Mai nếu không lành thì điện thoại theo số này”.

Tôi hỏi: “Vậy khi gọi điện xin gặp ai?”. “Ai cũng được” - người phụ nữ trả lời.

Tôi trình bày rằng có đứa cháu ở nhà cũng bị đau răng, nếu muốn chữa thì gọi qua điện thoại có được không? Bà Khanh lắc đầu: “Nếu muốn chữa thì bây giờ đọc tên nó và đóng tiền lễ tại đây luôn là sẽ lành. Chứ gọi qua điện thoại như thế thì không lành”.

Trong lúc trò chuyện với bà Khanh, chúng tôi tò mò cầm cuốn sổ mà bà vừa dùng ghi tên con bệnh vào đó. Lật từng trang chúng tôi thấy cuốn sổ này không có đặc điểm gì khác với những cuốn sổ ghi chép khác. Trong sổ hơn 40 trang giấy được ghi chi chít họ tên, giới tính, quê quán của hàng trăm con bệnh. Quan sát kỹ, có những người tận Hà Nội cũng về đây để ghi tên chữa đau răng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người đã dở khóc dở cười sau khi đến đây chữa bệnh. Anh Lưu (trú xã Xuân An, huyện Nghi Xuân) bị sâu răng, chữa nhiều nơi vẫn không lành. Anh Lưu nghe mọi người mách bảo nên tìm đến nhà “thầy” Hải.

Vừa đến nơi, anh thấy “thầy” Hải đang ngồi vắt vẻo trên nóc nhà lợp ngói. Nghe anh Lưu trình bày, thầy bảo anh vô lấy cuốn sổ trên bàn ghi họ tên, quê quán rồi bỏ 30 ngàn đồng tiền lễ trên bàn thờ. Làm xong, anh Lưu bước ra thì nghe “thầy” Hải phán chắc nịch: “Cứ về đi, ngày mai sẽ lành”.

Nhưng một tuần mà chiếc răng vẫn cứ đau, anh Lưu nghĩ bụng chắc do mình tự ghi “lý lịch” vào sổ chứ không phải do “thầy” ghi nên không thiêng. Nghĩ vậy anh tiếp tục quay lại để “thầy” Hải trực tiếp “chữa” thêm một lần nữa. Sau hai lần chữa răng tại đây, đến nay anh Lưu vẫn đang chống chọi với chiếc răng sâu.

Khi nghe chúng tôi tìm hiểu về khả năng chữa đau răng của “thầy” Hải, chị Nguyễn Thị An (trú thị trấn Nghi Xuân) cũng từng là một “con bệnh” của “thầy” tức tối: “Thầy gì ông đó, lang băm thì có!”.

Trước đây, chị An được giới thiệu xuống “thầy” Hải chữa sâu răng. Chữa xong nhiều ngày mà vẫn không lành như “thầy” hứa, chị xuống hỏi thì được "thầy" bảo cứ đợi thời gian nữa sẽ lành. Đến lúc đau quá chịu không nổi, chị phải ra Hà Nội hút tủy răng mới đỡ.

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng lợi dụng mê tín dị đoan rồi tung tin rằng “thánh” nhập để chữa bệnh đồng bóng, lấy tiền. Thủ đoạn của chúng càng ngày càng tinh vi.

Để tránh bị pháp luật sờ gáy, chúng dùng những động tác giống như “làm phép” rồi bốc những thang thuốc vô hại để không ảnh hưởng tới sức khoẻ “con bệnh”. Tuy nhiên, đây là những hoạt động lừa đảo, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Đề nghị chính quyền địa phương huyện Nghi Xuân sớm dẹp bỏ hai tụ điểm chữa bệnh trái phép nói trên để tránh gây hậu quả nghiêm trọng về sau.

Theo CATPHCM
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem