Gia đình ông Minh đang đào các gốc đào cuối cùng bán cho khách tại vườn nhà của gia đình ở xã Đông Sơn.
Vào những ngày cận Tết 2018 này tại làng đào phai Đông Sơn, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, khách mua đào từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước vẫn đổ về mua hàng, trên dọc các tuyến đường liên xóm, thôn, xã đâu đâu cũng rực rỡ hoa đào
."Năm nào cũng thế, cứ đến tháng 12 âm lịch và cho đến Tết Nguyên đán, bà con chúng tôi lại đón khách từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước về mua đào, khắp các thôn, xã đông vui như ngày hội" - ông Nguyễn Văn Tính, một hộ trồng đào ở xã Đông Sơn nói.
Năm nay do thời tiết ủng hộ nên các cây đào phai tại xã Đông Sơn nở rất kịp và vừa Tết.
Theo ông Tính, năm nay thời tiết ủng hộ, đào được mùa nên cả người bán và người mua đều vui. "Do lượng khách đổ về mua hoa đông nên đến thời điểm này nhiều nhà vườn trên địa bàn xã đã "cháy hàng", nhiều nhà vườn đang bán vét vườn những cành cuối cùng để chuẩn bị "khóa vườn" để lo đi mua sắm Tết" - ông Nghĩa chia sẻ.
Sau gần 20 ngày bán đào, ngày 10.2 (tức ngày 25 tháng 12 âm lịch), nhà vườn của ông Trần Văn Minh đã chính thức hết hàng. "Đến hôm nay vẫn còn nhiều khách tìm vào vườn mua đào nhưng do vườn đã hết hàng đẹp nên chúng tôi đành hẹn người mua quay lại vào dịp Tết năm tới" - ông Minh nói.
Đào phai trồng tại làng đào phai truyền thống ở xã Đông Sơn có 5 cánh, hoa màu nhạt, phơn phớt hồng rất đặc trưng.
Ông Minh cho biết, khác với các loại đào khác, đào phai có 5 cánh, cánh hoa có màu nhạt, phơn phớt hồng rất đẹp. "Đào phai không chỉ đẹp mà khi nở hoa rất bền và chơi Tết được rất lâu nên người chơi rất thích, có khách ở tận trong TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đến làng chúng tôi để săn tìm đào về chơi Tết" - ông Minh cho hay.
Theo ông Phạm Đình Cư - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, toàn xã có khoảng 7.000 nhân khẩu thì có tới trên 1.000 lao động trồng và kinh doanh cây đào phai. Từ nhiều năm nay, cây đào phai đã trở thành cây trồng chủ lực của Đông Sơn, nhờ cây đào phai nhiều hộ dân đã có cuộc sống khấm khá hơn, thậm chí nhiều nhà giàu lên nhờ cây đào phai.
Đào phai khi rực rỡ cũng thu hút nhiều ong đến lấy mật.
Ông Cư cho biết, Đông Sơn có 12 thôn thì có tới 10 thôn trồng đào phai và đều được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình. Hiện toàn xã có khoảng 150ha đào phai; các hộ sản xuất chuyên nghiệp thường có diện tích đào phai từ 3 đến 10 sào, thậm chí có nhiều hộ trồng hàng hecta đào phai.Nhằm đẩy mạnh phong trào trồng đào phai tại địa phương và quảng bá hình ảnh cây đào phai Đông Sơn ra thị trường, ba năm trở lại đây, xã đã tổ chức hội thi cây đào phai đẹp vào mỗi dịp Tết đến.
Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, khách từ khắp nơi đổ về Đông Sơn để săn tìm, mua đào phai về chưng Tết.
Nói về giá đào năm nay, ông Cư cho hay: Giá thành đào phai phụ thuộc vào kiểu dáng, tuổi cây, đa phần đào phai Đông Sơn có giá từ vài trăm nghìn đến trên 1 triệu đồng/cành, nhiều cây đẹp đặc sắc được khách mua với giá từ 5-7 triệu đồng, thậm chí có những cây lâu năm, có kiểu dáng độc, lạ được bán với giá từ 20-30 triệu đồng/cây. Đến nay, đào phai Đông Sơn không chỉ phục vụ nhu cầu chơi Tết của nhân dân trong tỉnh mà còn đưa đi nhiều tỉnh, thành phố khác như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội...
"Để tiếp tục phát triển cây đào phai cả về diện tích trồng lẫn chất lượng, trước mắt xã sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng của thành phố Tam Điệp tăng cường quảng bá, giới thiệu thương hiệu "Đào phai Đông Sơn" trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của thành phố; thực hiện chủ trương gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch" - ông Cư khẳng định.
Người dân xã Đông Sơn đốt gốc đào (việc đốt gốc sẽ giúp cho đào phai nở đẹp và tươi lâu hơn trong ngày Tết) cho khách bên các con đường liên xóm, thôn, xã.
Các khách hàng vui vẻ khi mua được các cành đào phai ưng ý đưa về chơi Tết. "Đào phai không chỉ có dáng thế tự nhiên, thân mốc mà hoa của nó cũng rất đẹp và có sức hút riêng. Chính vì thế mà hàng chục năm nay, chúng tôi vẫn cất công tìm về tận Đông Sơn để thửa đào đưa về chưng Tết" - anh Phương, một khách hàng ở Hà Nội chia sẻ.
Nhiều khách chụp ảnh lưu niệm với "chiến lợi phẩm" của mình sau một ngày vất vả tìm mua bên tuyến đường liên xóm thuộc xã Đông Sơn.
Một góc vườn trồng đào của gia đình ông Minh ở xã Đông Sơn đã hết hàng.
Không chỉ bán ban ngày, người trồng đào ở xã Đông Sơn còn thức thâu đêm để bán đào phục vụ khách chơi Tết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.