Hội nghị toàn quốc đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng DTMN được Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức hôm qua 11.4 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. |
Mừng vì thành tựu, lo với thách thức
Trình bày báo cáo trước hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử cho biết, cơ chế chính sách cho vùng DTMN đang có sự thay đổi căn bản, ngày càng thực tế hơn. Chính sách từ chổ chủ yếu hỗ trợ trực tiếp cho người dân dần chuyển sang vừa đầu tư phát triển vừa hỗ trợ trực tiếp. Địa bàn và đối tượng trong hệ thống chính sách vùng DTMN cũng có thay đổi hợp lý theo hướng ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cho những vùng khó khăn nhất. Chính sách cho vùng DTMN nhất là Chương trình 135 giai đoạn I, II được nhiều nước và tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ quan tâm ủng hộ và đạt được một số thành tựu quan trọng.
Với các nguồn lực đầu tư từ T.Ư đến địa phương và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào dân tộc đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng DTMN. Một số vùng DTMN đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 9,6% năm 2012 giảm 2,12% so với năm 2011, trong đó một số vùng DTMN có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh như Tây Bắc giảm 4,47%; Đông Bắc giảm 3,62%; Tây Nguyên giảm hơn 3%...Nhờ có nguồn lực đầu tư, hỗ trợ nên kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở vùng DTMN thay đổi rõ rệt, trong đó 98,6% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,8% số xã, 95,5% số thôn có điện. Lĩnh vực y tế, giáo dục, hệ thống chính trị, tình hình an ninh và trật tự án toàn xã hội được củng cố và ngày càng phát triển…
Bên cạnh những thành tựu, tại hội nghị, ông Giàng Seo Phử cũng thừa nhận 8 điểm hạn chế, yếu kém trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển vùng DTMN thời gian qua, đồng thời nêu lên 8 điểm khó khăn trong hiện trạng bức tranh vùng DTMN hiện nay.
Những khó khăn vùng DTMN được UBND khái quát gồm: kinh tế chậm phát triển; kết cấu hạ tầng thiếu và yếu kém; đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn thể hiện rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo cao; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực thấp; tình trạng du canh du cư, di cư tự do vẫn còn diễn ra; chất lượng dân số, tuổi thọ trung bình thấp; văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một; hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu…
Nhất trí với nội dung báo cáo của UBDT trình bày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, vùng DTMN có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là địa bàn có truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước, có tiềm năng to lớn trong phát triển.
Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm ban hành nhiều chính sách phát triển vùng DTMN và đạt được nhiều thành tựu, kết quả tích cực. Thành tựu thì mừng, nhưng phía trước vẫn phải lo với thách thức. Đó là, nhìn tổng thể và so với các vùng khác, vùng DTMN còn nhiều khó khăn, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBDT, các Bộ, ngành địa phương phải làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong thực hiện các chính sách vùng DTMN. “Còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là vùng DTMN xuất phát điểm thấp; điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cách trở, địa bàn rộng.
Nguyên nhân chủ quan là việc nhân thức của các cấp ủy, chính quyền về chính sách dân tộc chưa đúng mức nên tổ chức thực hiện cũng chưa đúng mức, quyết liệt. Chính sách ban hành nhiều, nhưng có điểm chưa phù hợp, chưa sát thực tế, chồng chéo nhau. Chính sách có yếu kém, có điểm chưa phù hợp nhưng trong quá trình thực hiện chậm phát hiện, phát hiện ra lại chậm khắc phục, bổ sung. Cái này thuộc về năng lực xây dựng chính sách của chúng ta…”, Thủ tướng lý giải.
|
Nhờ được hỗ trợ từ các chính sách DTMN, nhiều hộ đồng bào Mông ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có điều kiện phát triển chăn nuôi bò sinh sản. |
Cải thiện sinh kế gắn với giảm nghèo bền vững
Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan đã trình bày Quyết định 551 ngày 4.4.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK.
Theo Quyết định 551, Chương trình 135 (CT 135) là dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2012-2020. Trong giai đoạn 2012-2015, CT 135 sẽ tập trung thực hiện 2 nội dung quan trọng là hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất gồm: bổ sung, nâng cao kiến thức KHKT, thị trường để phát triển kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ phân bón, giống, vật tư; làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản; tiêm vắc xin phòng dịch trên gia súc, gia cầm; xây dựng mô hình sản xuất…Nội dung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tâng gồm các khoản giúp các xã, thôn, bản 135 hoàn thiện các công trình như giao thông; điện; thủy lợi; trường học; công trình văn hóa...
Về CT 135 cũng như các chính sách khác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phát triển vùng DTMN phải gắn với nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh khuyến khích, hỗ trợ địa phương, người dân, chính sách còn phải khơi được nội lực, tránh xuất hiện tâm lý ỷ lại, trông chờ.
Chính sách phải gắn với cải thiện sinh kế của đồng bào. “Chưa qua đói nghèo sao mong công nghiệp hóa, hiện đại hóa! Phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế phải gắn với tiềm năng, lợi thế. Ở vùng DTMN, tiềm năng, lợi thế đó là rừng, kinh tế đồi rừng. Ai trồng rừng, giữ rừng? Không ai khác, đó phải là người dân. Phải làm sao để người dân sống được, giàu có từ trồng rừng, bảo vệ rừng?. Giữ được rừng mới giữ được nước, mới có thủy điện…”, Thủ tướng gợi mở.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBDT, các Bộ, ngành cần rà soát loạt tất cả các chính sách phát triển vùng dân tộc và miền núi. Qua đó, đánh giá việc thực hiện các chính sách đó được cái gì, chưa được cái gì, cái gì chưa sát thực tế cần sữa chữa, cái gì còn thiếu cần bổ sung. “Tại sao vùng DTMN vẫn chậm phát triển? Có phải do chính sách không phù hợp hay tổ chức thực hiện chưa tốt? Cái này phải làm cho rõ. Đánh giá sâu sắc, cụ thể mới có cơ sở sát thực để xây dựng và thực hiện các chính sách tiếp theo. Xây dựng chính sách phải xác định được trước mắt làm gì, lâu dài làm gì. Tất nhiên, để giảm nghèo bền vững vùng DTMN thì phải thực hiện đồng bộ các chính sách, tránh chồng chéo, phân tán nguồn lực…”, Thủ tướng lưu ý.
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.