|
Cảnh sát Môi trường tỉnh Bình Dương bắt quả tang Công ty Fotai Việt Nam xả thải bẩn ra môi trường (ngày 11-10-2010). |
Người tiêu dùng sẽ phải đóng thuế?
Vấn đề trọng tâm mà các đại biểu đặt ra, cũng chính là "tâm tư" đa số cử tri quan tâm: Cần xác định rạch ròi, đối tượng chịu thuế là nhà sản xuất hay người tiêu dùng? Trong trường hợp người tiêu dùng buộc phải sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm, vì họ không có lựa chọn nào khác, việc bắt họ chịu thuế có thỏa đáng?...
Nhiều đại biểu cho rằng: Nên xem xét điều chỉnh Điều 9, chỉ đánh thuế hàng hóa sản xuất tại nhà máy, còn trong quá trình vận chuyển và tiêu thụ thì không nên đánh thuế, vì khó thực thi và gây khó khăn cho nền kinh tế.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên) băn khoăn: "Có những sản phẩm hàng hóa đã phải chịu phí, nay lại phải chịu thuế, trong khi những sản phẩm khác lại chỉ chịu một trong 2 loại thuế hoặc phí thôi. Như vậy hợp lý chưa?!". Một số đại biểu khác cũng cho rằng: Dự thảo Luật Thuế Thuế bảo vệ môi trường không xác định đối tượng điều chỉnh, như vậy không xác định được ai phải nộp thuế, ai được miễn thuế, sẽ gây khó khăn khi thực thi!
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) kiến nghị: Thay vì tập trung đánh thuế sản phẩm các nhóm ngành gây ô nhiễm, chúng ta nên đẩy mạnh khuyến khích nhóm ngành bảo vệ và thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) lại đặt ra vấn đề "nóng" đang xảy ra tại các cảng, đó là hiện tượng nhập rác thải ồ ạt dưới dạng tạm nhập tái xuất. "Hàng hóa tập kết tại các cửa khẩu mà chủ hàng trốn tránh trách nhiệm, làm sao truy người chịu thuế?" - bà Thúy chất vấn. Bà phân tích: Theo dự thảo luật, người nhận ủy thác nhập khẩu sẽ là người chịu thuế. Nhưng thực tế đó chỉ là người nộp thuế hộ, còn chủ hàng mới là người chịu thuế.
Thiếu chế tài
Khoản 9 - Điều 3 của dự thảo luật (quy định về việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung các đối tượng chịu thuế - PV) bị "bác" dữ dội nhất. Hầu hết các đại biểu đều cùng quan điểm: Đó là thẩm quyền của Quốc hội, và điều đó đảm bảo tính pháp lý cao nhất của luật.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nói: "Nếu quy định việc bổ sung đối tượng không chịu thuế cũng sẽ không hợp lý. Trên thực tế luật không thể cụ thể hết, bao quát hết được, vì các đối tượng thì liên tục phát sinh... Tôi đề nghị nên sửa đổi theo hướng xác định đối tượng chịu thuế; còn những đối tượng nằm ngoài danh mục ấy đương nhiên sẽ không chịu thuế!".
Một số ý kiến của đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ quan ngại rằng, Dự thảo luật này chưa thấy quy định về chế tài các đối tượng không thực hiện nghĩa vụ thuế bảo vệ môi trường (?). Đại biểu Nguyễn Trung Nhân đặt vấn đề: "Vừa qua các vi phạm về môi trường là rất phức tạp và có xu hướng tăng nhanh; nên bổ sung các điều khoản phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu DN sản xuất gây nguy hại nghiêm trọng đến cộng đồng…".
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Hôm nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch năm 2011.
Quốc Huy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.