Trao đổi với Dân Việt chiều nay (12.10), một lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết UBND Quận đã quyết định giao cho một Phó Chủ tịch Quận làm Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành để rà soát tổng thể các cơ sở kinh doanh, hệ thống xả thải vào Hồ Tây.
Một cống xả thải tại Hồ Tây ở gần Công viên nước vẫn chưa được hoàn thiện. Ảnh: V.H
Tổ công tác này đã được thành lập từ đầu năm và giao cho Phòng Tài nguyên & Môi trường chủ trì. Tuy nhiên, sau sự cố cá chết bất thường vừa qua, Thường trực Quận ủy Tây Hồ đã yêu cầu một Phó Chủ tịch Quận phải trực tiếp phụ trách.
Theo thông tin từ UBND quận Tây Hồ, hiện quận đã nắm được số lượng các đơn vị kinh doanh quanh khu vực Hồ Tây như các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê,… nhưng lượng nước thải trực tiếp đổ xuống hồ cũng như lượng cống thải cần được rà soát lại.
Theo đề án nghiên cứu được thực hiện năm 2012, UBND quận Tây Hồ xác định có 8 cống thải chính và trên 40 cống nhỏ nằm rải rác quanh hồ xả thải trực tiếp nước thải sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp và nước thải chưa qua xử lý vào lòng hồ. Theo ước tính ở thời điểm đó, mỗi ngày Hồ Tây nhận khoảng 10.000m3 nước thải sinh hoạt.
Trong khi đó, trả lời báo chí, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết hiện có “khoảng 30 cống xả thải trực tiếp vào Hồ Tây”. Vì vậy, con số chính xác có bao nhiêu cống xả thải cùng lượng nước thải vào Hồ Tây đang được rà soát, kiểm tra, thống kê lại.
UBND quận Tây Hồ cũng cho biết đơn vị này và Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng Phú Điền đã có báo cáo về việc kiểm tra, rà soát, và các biện pháp xử lý xả thải, cải thiện môi trường Hồ Tây gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Cho đến ngày 11.10, mới có 1 đơn vị là Khách sạn Công đoàn thỏa thuận đấu nối với hệ thống thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây.
Trước mắt Hồ Tây sẽ được tiếp tục tăng cường các máy sục oxy công suất hàng trăm nghìn m3/ngày, đặc biệt ưu tiên ở những vị trí có lượng oxy thấp. Bên cạnh việc kiểm tra các cống xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm cao, UBND quận Tây Hồ cũng sẽ tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh quanh hồ kể cả có hay chưa có hệ thống thu gom nước thải để thống nhất phương án thực hiện đấu nối với Nhà máy xử lý nước thải.
“UBND quận Tây Hồ cũng đề nghị thành phố bố trí vốn để nạo vét bùn ở Hồ Tây và trồng một số loài cây thủy sinh nhằm cải thiện môi trường hồ” – đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết.
Tiếp đó, UBND quận Tây Hồ cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội cho phép tổ chức Hội thảo khoa học về vấn đề bảo vệ môi trường Hồ Tây để có giải pháp toàn diện.
Nhằm ứng phó kịp thời với các sự cố tương tự có thể xảy ra, UBND quận Tây Hồ đề xuất lắp đặt trạm quan trắc tự động kiểm soát tình hình ô nhiễm ở Hồ Tây và chuẩn bị phương tiện, máy móc ứng trực thường xuyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.