Hồ Tây đã bị ô nhiễm kim loại nặng từ bao giờ?

Vinh Hải Thứ ba, ngày 11/10/2016 11:57 AM (GMT+7)
Tình hình ô nhiễm nghiêm trọng ở Hồ Tây đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, không đợi khi cá chết bất thường xảy ra.
Bình luận 0

Đáng lo ngại nhất là các nhà khoa học đã phát hiện môi trường nước Hồ Tây bị ô nhiễm kim loại nặng. Một số mẫu động vật sống trong hồ cũng đã từng được phát hiện nhiễm kim loại nặng vượt quá quy chuẩn cho phép dùng làm thực phẩm.

Như nghiên cứu của Pham Thi Thu Nga, Alexandra Pulkownik và Rodney T.Buckney của Đại học Công nghệ Sydney (Australia) được thực hiện năm 2007 đã chỉ ra khu vực ô nhiễm kim loại nặng nhất ở Hồ Tây là khu vực phía nam hồ.

Cụ thể, nồng độ kim loại trong hầu hết 24 mẫu trầm tích ở Hồ Tây vượt quy chuẩn đối với crom, đồng, mangan, chì và kẽm. Đối với thủy sản trong hồ, nồng độ kẽm tìm thấy ở mẫu ốc, hến; đồng ở tôm và chì ở cá tôm trong hồ đều vượt quá tiêu chuẩn sức khỏe theo bộ Tiêu chuẩn thực phẩm Australia – New Zealand.

Ở thời điểm nghiên cứu khi đó, Hồ Tây được ghi nhận vẫn chịu đựng nước thải từ nhà máy bia, xưởng phim, Công ty da giày, … Các hoạt động của du lịch dịch vụ (nhà hàng, du thuyền) cũng có thể là một nguyên nhân gây ra ô nhiễm.

Đến năm 2012, Ban Quản lý Hồ Tây đã phối hợp với Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện đề án “Điều tra , đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, hệ sinh thái lòng Hồ Tây”.

img

Có khoảng 30 cống xả thải ra hồ Tây.

Theo ghi nhận tại thời điểm nghiên cứu, Hồ Tây có 8 cống thải chính và trên 40 cống nhỏ nằm rải rác quanh hồ. Các cống này xả thải trực tiếp nước thải sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp và nước thải chưa qua xử lý vào lòng hồ. Theo thống kê ở thời điểm năm 2012, mỗi ngày Hồ Tây nhận khoảng 10.000m3 nước thải sinh hoạt.

Chất lượng nguồn nước thải tại cống trước khi đổ vào hồ được xác nhận là ở mức ô nhiễm nặng. Trong mùa khô, nước thải ở các khu vực ven bờ từ trường PTTH Chu Văn An đến hết đường Thanh Niên, đoạn cống gần Nhà hàng Sen, Công viên nước là nguồn gây ô nhiễm chính cho Hồ Tây. Chất lượng nước ở các khu vực này được cho là kém và ô nhiễm hơn so với các khu vực khác.

Văn bản do ông Nguyễn Phúc Quang – Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ thời điểm đó ký cho biết chất lượng bùn đáy tại các khu vực xung quanh cống thải bị nhiễm bẩn dầu mỡ và kim loại nặng (chì, đồng, thủy ngân) vượt quá giới hạn cho phép gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái hồ.

Theo kết quả của nghiên cứu này, môi trường nước và trầm tích Hồ Tây cơ bản là vực nước bị phú dưỡng, có những biểu hiện của ô nhiễm hữu cơ gần các cống thải vào hồ. Nhưng đáng lưu ý, những loại động vật thân mềm trong hồ có hàm lượng Asen, chì cao hơn giới hạn do Bộ Y tế và EU quy định cho trai, ốc dùng làm thực phẩm.

Đáng tiếc, có những đề xuất, kiến nghị đã được các nhà khoa học đưa ra từ nhiều năm trước cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đó là chặn, xử lý các cống xả thải trực tiếp vào hồ hay việc nạo vét bùn ở khu vực phía nam hồ.

Trao đổi với Dân Việt, một chuyên gia hàng đầu về sinh thái học cho biết: “Chúng tôi có buổi làm việc với Bí thư Quận Tây Hồ, các anh cũng đã thừa nhận dù đã có những nghiên cứu nhưng chưa thực hiện được các giải pháp đề xuất để bảo vệ môi trường Hồ Tây. Nhất là việc xử lý các đường ống xả thải trực tiếp vào hồ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem