Chữa tưa lưỡi mà không phải dùng thuốc cam

Thứ tư, ngày 02/05/2012 18:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dùng biện pháp dân gian thì khó kiểm soát được, dùng thuốc cam thì thấp thỏm lo trẻ bị ngộ độc chì, vậy có thể dùng cách gì để chữa tưa lưỡi cho trẻ an toàn, hiệu quả?
Bình luận 0

Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thời gian qua đã ghi nhận 134 trường hợp trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam, chủ yếu dùng để chữa tưa lưỡi. Vậy nếu không dùng thuốc cam, có thể dùng thuốc gì để chữa tưa lưỡi an toàn, hiệu quả cho trẻ?

Nhiều cách chữa nguy hiểm

Bệnh tưa miệng xảy ra hàng ngày rất nhiều, nhất là ở các bé sơ sinh thiếu tháng nhẹ cân hay ốm yếu, đang tuổi bú sữa (thường dưới 4 tháng tuổi), ít nước bọt, khô miệng. Nguồn lây do nấm Candida Albicans (thường trú ở âm đạo phụ nữ có môi trường toan- axít). Sữa đọng trong miệng bé lên men chua (axít) thuận lợi cho nấm này phát triển tạo thành màu trắng bao phủ niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, vòm miệng và có thể lan xuống cả hầu, họng.

img
Bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị cho bệnh nhi nhiễm độc chì sau khi dùng thuốc cam.

Hiện nay, các bậc cha mẹ thường chữa tưa lưỡi cho con bằng các biện pháp dân gian, nhưng không kiểm soát được nên khá nguy hiểm đến sức khỏe của con em. Chẳng hạn việc sử dụng mật ong, nước cốt rau ngót tươi hoặc nước trà xanh đặc để bôi. Cách này khá tốt nhưng cha mẹ phải dùng ngón tay cọ, miết làm bật hết màng trắng, gây đau đớn cho bé. Chưa kể tay người cọ bẩn, có thể gây nhiễm khuẩn đường miệng.

Cách thức phổ biến là sử dụng thuốc cam. Thực tế điều trị thời gian gần đây cho thấy nhiều bài thuốc cam nhiễm chì nặng, từ đó ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ của trẻ. Đã có 134 trường hợp trẻ nhiễm chì đầu năm 2012. Trước đó, ngành y tế không thể thống kê đã có bao nhiêu trẻ ngộ độc như vậy.

Về phía ngành y, cán bộ y tế thường hướng dẫn cha mẹ bôi thuốc nước Tây y như Xanh Mêthylen, hoặc Tím Gentian. Cách điều trị này khỏi chậm và làm dây bẩn ra quần áo, giường chiếu, chăn màn... Ngoài ra, các bác sĩ cũng kê đơn dùng thuốc chống nấm có hoá chất độc hại nhất định như Nystalin, Clotrimazole, Itracomazole, Fluconazole, Barax (hàn the), rất đáng ngại cho sức khoẻ của bé.

Điều trị đơn giản mà an toàn

Từ thực tế điều trị, tôi giới thiệu một cách chữa tưa miệng trẻ em bằng thuốc Tây y có tính kiềm tốt, rất an toàn là Natri Bicarbonat (Nabica, NaHCO3), thường gọi là thuốc muối chữa bệnh dạ dày. Thuốc này chúng ta mua dễ dàng tại hàng thuốc tân dược, 1 gói nhỏ Nabica loại 5gr giá 1.000 đồng.

Bé bị tưa lưỡi thường đau miệng, khó bú, khó nuốt, quấy khóc, có khi bỏ bú, sút cân rồi suy dinh dưỡng nên phải chữa ngay.

Cách dùng là lấy 1 thìa nhỏ Nabica hoà tan trong 4 thìa nước sôi, khuấy kỹ, đợi thật nguội thì bỏ cặn, chỉ lấy nước trong. Đó là dung dịch Nabica bão hoà 25%. Sau mỗi lần trẻ bị tưa miệng bú xong, ta rỏ một giọt dung dịch này vào miệng (kể cả lúc bé đang ngủ vẫn rỏ dễ dàng). Nếu mồm bé quá khô nên nhỏ 1-2 giọt nước sạch rồi mới rỏ 1-2 giọt dung dịch. Với dung dịch này, dù bị tưa nặng cũng sạch tưa chỉ trong 24 giờ.

Tôi đã chữa cho hàng trăm cháu bé khỏi tưa lưỡi nặng trong 1 ngày bằng phương pháp này. Năm 2004, tôi đã có công văn đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng phác đồ điều trị tưa lưỡi cho trẻ bằng phương pháp này và Vụ Y học cổ truyền đã có văn bản xác nhận đây là cách chữa hợp lý. Tuy nhiên, tới giờ Bộ Y tế vẫn chưa ban hành phác đồ điều trị nói trên. Nhân đây tôi cũng kiến nghị: Các công ty dược nên sản xuất dung dịch Nabica này thành từng lọ nhỏ, bán rộng rãi ở các cơ sở vệ sinh, y tế xã phường để các bậc cha mẹ ở nông thôn dễ tiếp cận với thuốc để chữa bệnh cho con, thay thế cho các loại thuốc cam độc hại chưa được kiểm chứng về chất lượng.

(Nguyên giảng viên Học viện Quân y)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem