Năm 1996, công ty được ông Hứa Gia Ấn thành lập tại thành phố Quảng Châu với cái tên là công ty Hằng Đại.
Công ty liên tục tăng trưởng chủ yếu nhờ vay nợ. Theo website của công ty, Evergrande sở hữu hơn 1.300 dự án bất động sản ở 280 thành phố trên khắp Trung Quốc.
Toàn tập đoàn có 200.000 nhân viên và hàng năm thuê thêm khoảng 3,8 triệu lao động để thực hiện các dự án xây dựng.
Tính đến 30/6/2021, quỹ đất của tập đoàn bao gồm 778 dự án ở 233 thành phố với diện tích mặt sàn dự kiến là 214 triệu m2.
Evergrande vươn lên vị trí đầu thế giới về khoản nợ khổng lồ
Tập đoàn của Chủ tịch Hứa Gia Ấn còn mạnh tay đầu tư ngoài ngành với nhiều công ty con trong các lĩnh vực như xe điện (Evergrande New Energy Auto), internet và truyền thông (HengTen Networks), công viên giải trí (Evergrande Fairyland), bóng đá (Guangzhoe F.C.), nước khoáng và thực phẩm (Evergrande Spring), …
Để sở hữu số lượng dự án khổng lồ và tạo ra doanh thu trên 100 tỷ USD một năm, Evergrande đã tích tụ khối nợ hơn 300 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán, chiếm 83% tổng nguồn vốn.
Nợ ngắn hạn là 238 tỷ USD, vượt xa vốn chủ sở hữu. Trong đó, tiền đi vay các tổ chức tài chính là khoảng 87 tỷ USD, phần còn lại là các khoản phải trả nhà cung cấp, tiền đặt cọc của người mua nhà và các nghĩa vụ nợ khác.
Nếu Evergrande không thanh toán được nợ, các cá nhân và tổ chức đã cho tập đoàn này vay cũng có thể rơi vào khủng hoảng thanh khoản, tạo nên tác động dây chuyền sâu rộng.
Ngày 20/9/2021, Evergrande không thể trả khoản lãi vay đến hạn của hai chủ nợ lớn.
Với nhà đầu tư và nhà cung cấp, tập đoàn này đề nghị được trả nợ bằng các bất động sản đang xây dang dở như căn hộ chung cư, bãi đậu xe, …
Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa năm 2021, tài sản ngắn hạn của Evergrande là khoảng 296 tỷ USD, chiếm 82% tổng tài sản và tương đương 1,24 lần nợ ngắn hạn. Trong lịch sử, hệ số tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn luôn lớn hơn 1.
Một điểm đáng chú ý là khoản mục lớn nhất trong tài sản ngắn hạn của Evergrande là các dự án xây dựng dở dang, trị giá gần 192 tỷ USD. Để hoàn thiện các dự án này, tập đoàn sẽ cần phải rót thêm tiền. Nếu không, sẽ rất ít người muốn mua các ngôi nhà vẫn chưa xây xong, tính thanh khoản của tài sản do vậy là không cao.
Như vậy, tài sản ngắn hạn của Evergrande không thể dễ dàng được chuyển thành tiền mặt để thanh toán nghĩa vụ nợ ngắn hạn.
Về các con số lợi nhuận của Evergrande, nhiều người nghi ngờ là giả vì nếu công ty làm ăn liên tục có lãi thật thì chắc chẳng thiếu tiền mặt tới mức không trả được nợ.
Một số chuyên gia ước tính khoảng 220 tỷ USD hàng tồn kho của Evergrande thực chất là các khoản lỗ do giá tài sản giảm nhưng không được hạch toán đúng. Nói cách khác, tài sản của Evergrande đang bị thổi phồng và nếu ghi nhận đúng, Evergrande sẽ âm vốn chủ, mất khả năng thanh toán (insolvent).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.