Chưa xử lý các trường hợp “gây rối” tại trạm BOT Cai Lậy

Hữu Ký Thứ tư, ngày 06/12/2017 16:44 PM (GMT+7)
Công an tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận phản ánh về việc một số trường hợp được cho là có hành vi gây rối tại trạm BOT Cai Lậy nhưng hiện chưa xử lý các trường hợp này.
Bình luận 0

Thông tin từ Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đã nhận phản ánh của nhà đầu tư về một số trường hợp có hành vi gây mất trật tự tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trong các ngày từ 30.11 - 4.12 vừa qua. Tuy nhiên, hiện công an vẫn chưa đưa ra phương án xử lý cụ thể nào đối với các trường hợp trên.

Trao đổi với PV Dân Việt chiều 6.12, đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết chưa xử lý trường hợp được cho là có hành vi gây rối tại trạm BOT Cai Lậy trong những ngày qua. Hiện Công an tỉnh đang thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan để đánh giá lại vụ việc.

img

Tài xế phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Trước đó, chiều 5.12 Công ty TTNH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang đã có báo cáo gửi tới các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải về việc thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng họat động của BOT Cai Lậy để xử lý những việc liên quan.

Trong báo cáo này, chủ đầu tư BOT Cai Lậy nhận định, tại trạm thu phí BOT Cai Lậy liên tục xuất hiện các đối tượng đến gây rối tại trạm thu phí với nhiều hình thức khác nhau. Công ty này mong muốn các cơ quan trên vào cuộc điều tra làm rõ hành vi gây rối của các cá nhân, tổ chức làm mất an ninh trật tự tại trạm thu phí BOT Cai Lậy cũng như các khu dân cư quanh khu vực.

Cụ thể, theo ghi nhận của lực lượng CSGT, từ 7h30 ngày 30.11 đến 18h ngày 3.12, có 14 xe ô tô ở những tỉnh khác nhau, (không phải ở các tỉnh, TP Đồng bằng sông Cửu Long) chỉ chuyên chạy đi chạy lại qua trạm BOT Cai Lậy để gây rối. Trong đó có 4 xe mang biển kiểm soát TP.HCM với các hành vi gây rối không di chuyển và đưa tiền lẻ, số lần gây tối từ 2 - 4 lần. Một xe mang biển kiểm soát Đồng Nai hai lần đưa tiền lẻ và gây rối không chịu di chuyển. Ba xe ô tô mang biển kiểm soát Tiền Giang cũng với các hành vi trên, số lần gây rối là 2 lần. Ngoài ra, CSGT còn ghi nhận 2 xe mang biển kiểm soát Cần Thơ, 2 xe mang biển kiểm soát Bạc Liêu, 1 xe ở Sóc Trăng và 1 xe ở Cà Mau.

Chủ đầu tư BOT Cai Lậy mong muốn nhận được sự ủng hộ của Ban Tuyên giáo cũng như các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, đơn vị này cho biết có một số thông tin trên các cơ quan báo chí đã nêu sai sự thật, công ty có báo cáo riêng bằng văn bản gửi Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về vấn đề này.

img

Trạm BOT Cai Lậy liên tục phải xả trạm trước khi chính thức bị tạm ngưng 1 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Như Dân Việt đã thông tin, kể từ khi thu phí trở lại (ngày 30.11) sau 3 tháng tạm ngưng hoạt động, trạm BOT Cai Lậy vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các tài xế cũng như nhiều người dân địa phương. Các tài xế đã phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ qua trạm, dừng xe tại trạm thu phí để thắc mắc về việc thu phí… khiến giao thông bị rối loạn. Các nhân viên trạm BOT Cai Lậy buộc phải xả trạm để vãn hồi trật tự rồi sau đó nhanh chóng thu phí trở lại. Mặc dù vậy các tài xế vẫn kiên trì phản đối thu phí khiến trạm thu phí này phải xả nhiều lần.

Trước tình hình căng thẳng tại đây, chiều tối 4.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp khẩn với Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, đồng thời ra quyết định tạm dừng hoạt động của trạm thu phí Cai Lậy trong vòng 1 - 2 tháng để đánh giá toàn diện và đưa ra phương án giải quyết khả thi nhất.

Liên quan đến phương án giải quyết vụ BOT Cai Lậy mới đây Bộ GTVT đã đưa ra 3 phương án. Trong đó phương án 1 là giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy, tăng cường tuyên truyền vận động, kèm cải thiện dịch vụ, giải đáp những thắc mắc như mở thêm làn.

Phương án 2 Bộ đưa ra là di dời trạm thu phí về tuyến tránh, tức là phá phương án tài chính. Với kịch bản này, Bộ GTVT cho rằng cần tính toán lại, thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Tuy nhiên, phương án này được đánh giá là khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, ngoài ra việc này phải có sự đồng ý của ngân hàng bởi có thể biến khoản vay cho BOT trở thành nợ xấu ngân hàng.

Phương án thứ 3 Bộ GTVT đưa ra là đặt 2 trạm thu phí: Một trạm trên quốc lộ 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ. Bên cạnh đó, đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư làm tuyến tránh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem