Những ngày này Đạm Cà Mau (DCM) đang thực hiện các bước cuối cùng để bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) vào đầu tháng 12.2014 này.
Nhìn lại quá trình phát triển của DCM, từ khi Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau - tiền thân Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà mau, đã được xem là dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí, do đích thân Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.
Sau gần 3 năm sản phẩm doanh nghiệp này chính thức xuất hiện trên thị trường đã có độ phủ hầu hết cả nước, đặc biệt thương hiệu Đạm Cà Mau – Hạt ngọc mùa vàng đã trở nên thân thuộc với bà con nông dân vùng trọng điểm sản xuất nông sản miền Tây và Đông Nam bộ.
Ưu thế cả lượng và chất
Thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nhanh như vậy, lãnh đạo DCM cho rằng, là nhờ sản phẩm có sự khác biệt bởi dạng hạt đục, với nhiều tính năng nổi trội, như hạt to tròn đều, ít bụi, phân giải chậm. Từ đó giúp cây xanh bền, tiết kiệm phân và dễ phối trộn với các loại phân bón khác để bón kết hợp.
Đầu tư cho nghiên cứu khoa học luôn được PVCFC quan tâm.
Để có được các ưu điểm đó, Đạm Cà Mau đã áp dụng các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất. Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng của Nhà máy đều có xuất xứ từ các nước G7. Qui trình sản xuất đều theo các tiêu chuẩn Quốc tế (ASME, API, JIS…) và các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường và an toàn của Việt Nam.
Với sản lượng sản xuất hàng năm đạt 800.000 tấn/năm, Đạm Cà Mau đáp ứng 40% nhu cầu phân đạm Urê trong cả nước. Cùng với Đạm Phú Mỹ, Nhà máy đạm Cà Mau đã nâng sản lượng đạm do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sản xuất đạt 1,6 triệu tấn/năm, đáp ứng 80% nhu cầu phân đạm trong nước, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá phân bón và an ninh lương thực quốc gia, đồng thời tham gia thị trường xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước.
Bản đồ phân phối: Vệt dầu loang nhanh
Hệ thống phân phối của Công ty thông qua các đại lý cấp 1 có tiềm lực tài chính mạnh, nhiều uy tín, kinh nghiệm trong ngành kinh doanh phân bón, với mạng lưới phân phối rộng khắp các thị trường khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc. DCM đã tổ chức tốt công tác giao nhận, vận chuyển và tổ chức tiêu thụ sản phẩm kịp thời thông qua hệ thống phân phối đến người tiêu dùng, góp phần phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp cả nước.
Riêng vùng Tây Nam Bộ, được coi là thị trường tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước, nhu cầu urê hàng năm chiếm 1/3 nhu cầu urê cả nước, thị phần Đạm Cà Mau liên tục được cải thiện và có bước tiến bộ vượt bậc. Năm 2012, thị phần đạt 30%, năm 2013 đạt 45% và dự kiến năm 2014 đạt 55%.
Với sản lượng 800.000 tấn/năm, Đạm Cà Mau là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân urê lớn nhất cả nước.
Thị trường Đông Nam Bộ chủ yếu tập trung các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nên nhu cầu tiêu thụ urê lớn, với mức tiêu thụ chiếm 25% nhu cầu urê cả nước.
Tại thị trường này, dù gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh so với sản phẩm khác, nhưng thị phần DCM cũng được cải thiện hàng năm. Theo đó, năm 2012, thị phần DCM đạt 10%, năm 2013 đạt 19% và dự kiến năm 2014 đạt 25%.
Thị trường Campuchia nằm tiếp giáp với khu vực ĐBSCL và có tập quán canh tác chủ yếu sử dụng urê hạt đục (tỷ lệ đạt 95%) cũng là thị trường quan trọng của DCM. Nếu như năm 2012, thị phần Đạm Cà Mau đạt 10%, thì năm 2013 đạt 30% và dự kiến năm 2014 đạt 35%.
Ngoài 3 thị trường mục tiêu trên, sản phẩm Đạm Cà Mau còn được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy NPK chủ yếu ở miền Nam, do sản phẩm đạm hạt đục rất phù hợp với phối trộn sản xuất NPK. Đạm Cà Mau hiện đáp ứng 70 - 75% nhu cầu sử dụng urê hạt đục của các nhà máy NPK; trong đó, tiêu biểu có Công ty CP Phân bón Bình Điền, Công ty Phân bón Miền Nam, Công ty Phân bón Việt Nhật, Công ty phân bón Ba Con Cò.
Trên đây là những thị trường có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô diện tích trồng trọt rộng lớn, địa hình chủ yếu là đồng bằng, khí hậu thuận lợi cho canh tác, phát triển nông nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và đặc biệt xuất khẩu những mặt hàng nông sản có giá trị cao. Mặt khác, khoảng cách địa lý từ Nhà máy Đạm Cà Mau đến các vùng tiêu thụ trên khá gần so với các thị trường khác. Điểm nội bật cần lưu ý là nhu cầu urê của những thị trường trên có quy mô lớn, sức tiêu thụ ổn định. Những điều này giúp PVCFC phát huy tối đa thế mạnh so với đối thủ, cung ứng kịp thời, giảm thiểu chi phí giao nhận vận chuyển, duy trì giá bán hợp lý.
Biểu đồ thị phần Đạm Cà Mau tại Tây Nam Bộ năm 2012 - 2013 và dự kiến 2014
(Nguồn: PVCFC tổng hợp)
Để chủ động trong hoạt động SXKD, DCM đang triển khai mở rộng, phát triển các thị trường khác ở trong nước như miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và tiếp tục xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Theo kế hoạch năm 2014, PVCFC sẽ xuất khẩu 100.000 tấn, chiếm 13% tỷ trọng tiêu thụ cả năm. Hiện nay, sản phẩm Đạm Cà Mau đã có mặt ở nhiều nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Bangladesh, Hàn Quốc và Philippinnes.
Kỳ vọng gì sau IPO?
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau, ông Bùi Minh Tiến cho biết, thực hiện bán cổ phần ra công chúng sẽ mở thêm cơ hội để DCM nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh trên thị trường và không ngừng cải thiện vị thế trong ngành SXKD phân bón, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay do nguồn cung ứng vượt nhu cầu.
Sau IPO sẽ mang đến cho DCM cơ hội nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, học tập và áp dụng các phương thức quản trị doanh nghiệp và quản lý tiên tiến trên thế giới, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD. Đó là cơ sở vững chắc để DCM tiếp tục định hướng phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Nhà máy, sản xuất sản phẩm mới có giá trị gia tăng, cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cây trồng.
DCM xác định đây là một trong những định hướng quan trọng nhằm giảm áp lực tiêu thụ trên thị trường, đồng thời hoàn thành tốt các mục tiêu chiến lược trong giai đoạn tới, bảo đảm không ngừng nâng cao giá trị doanh nghiệp phù hợp với lợi ích của chủ sở hữu, cổ đông, đối tác chiến lược và, đáp ứng tối đa nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.