Chung sức vì thành phố trẻ

Thứ năm, ngày 22/05/2014 09:50 AM (GMT+7)
Hôm điện thoại mời tôi vào thăm quê mình, lão nông Hai Nghiệp (Trương Văn Nghiệp), 63 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, TP.Cà Mau, khoe: “Quê Hai đang làm con đường lớn lắm nghen. Hôm nào chú mày vô, Hai dẫn đi tham quan một vòng”.
Bình luận 0
Khi người dân đồng lòng

Con đường mà Hai Nghiệp tự hào rằng “nếu làm xong chắc chắn quê Hai sẽ phát triển” là công trình mà TP.Cà Mau đang triển khai nâng cấp mở rộng tuyến đường liên phường xã từ Cống Cà Mau đi Tắc Vân chạy dài qua phường Tân Thành, xã Tân Thành và xã Tắc Vân (TP.Cà Mau) với chiều dài khoảng 15km.

Chính quyền xã Tân Thành đến từng nhà vận động người dân hiến đất làm đường.
Chính quyền xã Tân Thành đến từng nhà vận động người dân hiến đất làm đường.

Hôm tôi đến, Hai Nghiệp cùng người bạn già của mình là ông Đoàn Văn Quyền đang lựa chọn mô hình làm du lịch miệt vườn khi con đường hoàn thành. “Xứ này sắp tới sẽ trở thành làng du lịch miệt vườn, nên bây giờ phải chuẩn bị trước cách thức làm ăn” – ông Quyền nói.

Thấy tôi có vẻ băn khoăn vì con lộ trước nhà mới bắt đầu nâng cấp, Hai Nghiệp xua tay: “Con lộ này đã được chính quyền xã thông báo sẽ hoàn thành trong năm nay. Ở đây bà con ai cũng đồng lòng hiến đất, góp sức cùng Nhà nước làm đường nên tiến độ nhanh lắm”.

Dẫn chúng tôi đi khảo sát thực tế tại ấp 4, 5 của xã Tân Thành, Hai Nghiệp vui mừng cho biết: “Nhớ lúc mới được chính quyền địa phương vận động, bà con ở đây còn có người phân vân vì đất đoạn này hiện cũng có giá. Tuy nhiên khi nghe anh em ở xã nói về tầm quan trọng của con đường, bà con nghe hợp lý. Sau cuộc họp hôm đó, nhà nhà đều tranh thủ phát quang bụi rậm giao đất cho Nhà nước làm đường”.

Tiếp lời người bạn già, ông Quyền khẳng định với cách làm lấy dân làm đầu mà chính quyền thành phố đang thực hiện, bà con tán thành hai tay. “Lúc còn chiến tranh, mình sẵn sàng hy sinh tính mạng để giành độc lập, thì bây giờ dù có hiến bao nhiêu đất để làm công trình chung cho xã hội cũng không ăn nhằm gì”.

Những con đường đi qua xã Tân Thành vào những ngày này nhộn nhịp hẳn lên. Người dân địa phương đang chung tay cùng nhau dọn dẹp chướng ngại vật để bàn giao mặt bằng sạch cho Nhà nước thi công. Cũng như bao người dân khác ở ấp 5, Hai Nghiệp là người tiên phong trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Tương tự, ông Quyền ngụ ấp 4 cũng sẵn lòng đóng góp cho Nhà nước hàng trăm mét vuông đất để làm đường.

Ông Trương Tấn Nghiệm – Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, địa phương có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, do đó nếu con đường được mở rộng thì việc giao thương mua bán của bà con sẽ được thuận tiện hơn. “Quá trình vận động có một số hộ yêu cầu được hỗ trợ tiền đền bù các công trình nhà cửa, vườn tược… nhưng với sự kiên trì, thuyết phục của chính quyền địa phương theo kiểu “mưa dầm thấm đất” cuối cùng người dân đã tự nguyện hiến đất, không đòi hỏi một đồng nào tiền đền bù của Nhà nước” – ông Nghiệm nói.

Phát huy sức dân


Ông Hồ Trung Việt – Chủ tịch UBND TP.Cà Mau cho biết, con đường mà thành phố đang chọn để xây dựng NTM là phát huy sức dân. Nghĩa là người dân có thể tham gia vào tất cả các khâu như: Quy hoạch, giải tỏa, bồi hoàn, các hạng mục công trình được đầu tư… Với cách làm này, việc thực hiện xây dựng NTM ở TP.Cà Mau nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung đã và đang nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của người dân, họ sẵn sàng bỏ công sức, tiền của cùng Nhà nước từng bước làm giàu đẹp thêm cho quê hương mình.

"TP.Cà Mau hiện có 149 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 139km. Riêng các xã trực thuộc thành phố đang về đích sớm hơn các xã khác trong tỉnh về xây dựng NTM. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, TP.Cà Mau đạt đô thị loại I”.

Ông Hồ Trung Việt - Chủ tịch UBND TP.Cà Mau

Chính quyền không theo cách làm cũ, mà chủ yếu là vận động người dân đồng thuận, thống nhất trước khi triển khai một công trình, dự án nào đó. Cụ thể, khi triển khai dự án, thành phố tổ chức họp dân thông báo quy hoạch và xin ý kiến của bà con.

Đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền, phân tích lợi ích của công trình đến từng hộ dân. Khi người dân thống nhất hơn 90% thì mới triển khai xây dựng. Với cách làm này không vướng phải sự phản đối của người dân; đồng thời giảm được đáng kể tiền đền bù trong khâu giải phóng mặt bằng cho Nhà nước.

“Theo giá đất hiện tại ở các địa phương nếu tính ra người dân đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng trên tổng tuyến 15km. Xác định xây dựng NTM nhất thiết phải đi từ lòng dân, phải huy động được sự chung tay góp sức của người dân, chúng tôi luôn xem công tác vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân là khâu then chốt” – ông Trương Tấn Nghiệm – Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết.
Hoàng Hạnh (Hoàng Hạnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem