Chương trình OCOP ở Lâm Đồng: Phát triển sản phẩm gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản
Lâm Đồng muốn có thêm 250 sản phẩm OCOP
Văn Long
Thứ năm, ngày 06/10/2022 13:47 PM (GMT+7)
Bước vào giai đoạn mới (2022-2025) tỉnh Lâm Đồng phấn đấu sẽ có 250 sản phẩm OCOP, từ đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Ngày 6/10, ông Phạm Hưng – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Giai đoạn mới, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Cũng theo tỉnh Lâm Đồng, chương trình sẽ thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn phát triển bền vững, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên...
Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu có 250 sản phẩm OCOP để khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Văn Long.
Theo ông Phạm Hưng, đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có có 177 sản phẩm OCOP, trong đó 9 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, 94 sản phẩm 4 sao và 74 sản phẩm 3 sao.
Đối với 9 sản phẩm 5 sao thì có 2 sản phẩm đã có quyết định công nhận và 7 sản phẩm đã trình Trung ương xem xét. Về chủ thể, thời gian qua toàn tỉnh Lâm Đồng có 103 chủ thể tham gia chương trình.
"Từ những lợi thế về ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nhiều sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất 250 sản phẩm OCOP, trong đó phấn đấu 230 sản phẩm cấp tỉnh, 20 sản phẩm cấp quốc gia. Ngoài ra, Lâm Đồng cũng củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng và ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Đặc biệt, địa phương sẽ phấn đấu đưa tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%.
Đồng thời, phấn đấu từ 30 - 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử và hướng đến xây dựng mỗi huyện, thành phố ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP", ông Phạm Hưng cho biết.
Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị ưu tiên đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu dựa trên lợi thế và điều kiện tự nhiên, văn hóa tập quán sản xuất của người dân. Đặc biệt là người dân tộc thiểu số, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nguồn nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.