Quyết tâm tái canh cà phê
Ông Võ Khắc Thông - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 720 (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) cho biết, vườn cây của công ty được trồng vào những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước với diện tích hơn 300ha. Do tuổi thọ bình quân từ 35 - 40 năm nên vườn cây đã già cỗi, năng suất, chất lượng kém, vấn đề “sống còn” đặt ra với công ty là tái canh nhằm “trẻ hóa” vườn cây.
Vườn cà phê tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê 720 đang cho năng suất vượt trội. Ảnh: Q.L
"Dự án tái canh được Tổng Công ty phê duyệt là 243ha, hiện còn 100ha đang trong giai đoạn cải tạo đất. Do vậy, nếu không tiếp tục nhận được sự tài trợ vốn từ tín dụng Agribank, công ty không thể hoàn thành mục tiêu 100% diện tích cà phê tái canh giai đoạn 2020 - 2022”.
Ông Võ Khắc Thông - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 720
|
Nhận thức chung là vậy, nhưng khi bắt tay vào công việc vẫn có không ít trăn trở, nhất là vấn đề vốn đầu tư. Ông Thông nhớ lại, phần lớn vốn đầu tư phải trông chờ vào ngân hàng, trong khi đất của công ty thuộc sở hữu Nhà nước nên không thể đem thế chấp. Tài sản hình thành trên đất chưa được xác định, nói khác đi là chưa được thừa nhận về mặt pháp lý. Khó khăn chồng chất có lúc làm nản lòng những người muốn tái canh cà phê.
“Nhưng rồi lại nghĩ đường đi tới, muốn phát triển cà phê bền vững, góp phần ổn định sản lượng cà phê, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tái canh cây cà phê” - ông Thông kể lại.
Trước tình hình đó, Công ty Cà phê 720 đã được Ngân hàng NNPTNT (Agribank) hỗ trợ vốn kịp thời. Thông qua nguồn vốn ưu đãi của chương trình tái canh cà phê, năm 2016, công ty được Agribank - chi nhánh Ea Kar cho vay 18,5 tỷ đồng. Cùng với vốn tự có và sức lao động của công nhân, công ty bắt đầu thực hiện tái canh đồng loạt trên toàn bộ diện tích của đơn vị. Dự án tái canh được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phê duyệt là 230ha, đến nay công ty đã đưa vào giao khoán được 150ha.
Ông Thông cho biết, đơn vị không chạy theo diện tích mà tập trung bảo đảm chất lượng cà phê tái canh. Nhờ đó, vườn cây phát triển rất tốt, ít sâu bệnh và cho thu hoạch với năng suất cao hơn hẳn khi chưa tái canh.
Vai trò “bà đỡ” của Agribank
Để minh chứng những gì đã nói, Giám đốc Võ Khắc Thông đã đưa chúng tôi đi tham quan thực tế vườn cà phê tái canh đang thời kỳ chín mọng. Công ty có 6ha tái canh năm 2013, hiện đã bước sang kinh doanh năm thứ 2, ước tính năm nay đạt năng suất 4,5 - 5 tấn cà phê nhân/ha (khi chưa tái canh, năng suất chỉ đạt tối đa 2,5 tấn/ha). Còn 20ha tái canh năm 2015, đang kinh doanh năm thứ nhất và 56ha tái canh năm 2016 đã qua thời kỳ kiến thiết cơ bản…
Toàn bộ diện tích cà phê tái canh của công ty phát triển tốt, từng bước khẳng định hiệu quả về năng suất và chất lượng. Nhờ đó, năm 2019, công ty đã bắt đầu trả nợ ngân hàng với số tiền 2,7 tỷ đồng.
Nói về vai trò của vốn tín dụng đối với chương trình tái canh cà phê, ông Thông khẳng định: “Nếu không có sự tiếp sức về vốn của tín dụng Agribank, đơn vị không thể hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ tái canh mà Tổng Công ty đã giao”. Theo ông Thông, tái canh là một quá trình dài, từ khi nhổ bỏ vườn cây già cỗi, cải tạo đất, trồng mới cho đến khi có thu hoạch phải mất từ 3 - 5 năm. Đến năm thứ 6 mới bước sang giai đoạn cà phê kinh doanh. Như vậy, mỗi ha tái canh cần từ 150 - 200 triệu đồng, trong đó vốn tài trợ từ tín dụng ngân hàng chiếm từ 65 - 70%.
Từ hiệu quả tái canh cà phê ở Công ty 720 cho thấy, khi Agribank - một định chế tài chính lớn, đóng vai trò chủ lực trong đầu tư vốn cho phát triển kinh tế nông nghiệp - đồng hành với doanh nghiệp trong tái canh cây cà phê, vấn đề vốn đầu tư sẽ được hóa giải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.