Chương trình truyền hình cảnh báo nạn tín dụng đen và bảo mật thông tin trên không gian mạng

Minh Thi Thứ sáu, ngày 10/07/2020 15:00 PM (GMT+7)
Thủ tục đơn giản, nhanh gọn nhưng lại là cái "bẫy" của các app cho vay trực tuyến đang nở rộ hiện nay. Đặc điểm chung của các app cho vay này là lãi suất rất cao, thậm chí đến mức "cắt cổ" và sử dụng cách thức đòi nợ rất "khủng bố".
Bình luận 0

Luôn là một trong những chương trình truyền hình đem đến những cập nhật mới nhất về những mối nguy hay hiểm hoạ của cuộc sống thường ngày, Lời cảnh báo của THVL1 tháng 7 tiếp tục đưa đến nhiều thông tin đáng lưu tâm về việc ngăn chặn tín dụng đen và bảo mật thông tin mạng.

Ngăn tín dụng đen sau dịch

Đây chính là đề tài sẽ được phát sóng vào ngày 13/7 sắp tới. Chương trình đề cập đến việc ba tháng qua, dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của nhiều người trở nên khó khăn khi mất việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng. Lúc này, nhu cầu vay tiêu dùng, vay vốn làm ăn rất lớn, nhưng không phải ai cũng tiếp cận được với các nguồn vay chính thống.

Chương trình truyền hình cảnh báo nạn tín dụng đen và bảo mật thông tin trên không gian mạng  - Ảnh 1.

Một số vụ việc được công an vào cuộc làm rõ.

Trong lúc đó, những quảng cáo cho vay tiêu dùng bủa vây họ, dán đầy đường, "nhảy" lên Facebook hàng ngày, hàng giờ với thủ tục vô cùng nhanh gọn. Không cần thẩm định, không cần gặp mặt, chỉ cần có chứng minh nhân dân thì sau 5-15 phút người đi vay có thể được duyệt vay với hạn mức từ 1-15 triệu đồng. Thủ tục đơn giản, nhanh gọn nhưng lại là cái "bẫy" của các app cho vay trực tuyến đang nở rộ hiện nay. Đặc điểm chung của các app cho vay này là lãi suất rất cao, thậm chí đến mức "cắt cổ" và sử dụng cách thức đòi nợ rất "khủng bố".

Nhiều người vay không tính ra lãi suất mà chỉ căn cứ vào lời hẹn của người cho vay, chỉ nhắm thấy số tiền phải trả hàng ngày nằm trong khả năng của mình mà không biết rằng, với lãi suất đó có thể đã đủ để xem xét về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự. 

Chương trình truyền hình cảnh báo nạn tín dụng đen và bảo mật thông tin trên không gian mạng  - Ảnh 2.

Quảng cáo cho vay ở khắp nơi khiến người tiêu dùng dễ dính bẫy.

Chương trình đề cập đến số tiền người này thực nhận chỉ có 4,3 triệu đồng, còn lại là trả phí dịch vụ và lãi vay. Qua 7 - 10 ngày, người vay chưa trả được số tiền trên thì lập tức bị phạt tiền 400.000/ngày và chỉ trong một tuần, số tiền nợ đã lên đến hơn 10 triệu đồng. Để tất toán khoản vay và lãi này, người này tiếp tục vay 20 triệu đồng ở những app cho vay khác, nhưng thực tế cũng bị áp dụng phí, lãi vay như trên. Dù vay 20 triệu, nhưng chỉ nhận được hơn 10 triệu đồng.

Mới đây, Công an TP.HCM vừa triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi qua ứng dụng trên mạng như "Vaytocdo", "Moreloan" và "VD online". Những ứng dụng này được quảng cáo công khai trên mạng xã hội, với điều kiện cho vay rất đơn giản. Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả đúng hạn. 

Chương trình truyền hình cảnh báo nạn tín dụng đen và bảo mật thông tin trên không gian mạng  - Ảnh 3.

Thông tin trên mạng tràn lan về cho vay tiền online.

Đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả hoặc không trả thì nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay với lời lẽ xúc phạm, đe dọa và yêu cầu những người này phải nói người vay trả tiền cho công ty. Thậm chí, có nhiều công ty đòi nợ còn đến tận nhà để hành hung con nợ.

Thiết nghĩ, thời điểm khó khăn, ngoài sự nỗ lực của Nhà nước và các cơ quan chức năng, mỗi người dân có nhu cầu cần nâng cao ý thức, kiến thức để không rơi vào vòng xoáy "tín dụng đen". Chương trình cũng đưa ra những cách để tránh bị tín dụng đen lợi dụng cùng nhiều kiến nghị để cải thiện tình trạng trên. Khán giả có thể xem chi tiết trong chương trình Lời cảnh báo vào thứ 2 tuần sau.

Bảo mật thông tin trên không gian mạng: Chuyện không bao giờ cũ

Một vấn nạn nữa cũng hết sức nhức nhối là việc phát tán mã độc dưới dạng đường link, nhiễm virus máy tính, tin tặc tấn công ngày càng tinh vi. Khi người dùng sơ ý, mã độc ngay lập tức thâm nhập vào máy tính, đánh cắp thông tin, chiếm quyền điều hành làm tê liệt hệ thống. Lo ngại về tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân trên không gian mạng đang là mối lo chung của nhiều người dùng mạng Internet tại Việt Nam hiện nay. Vì vậy, việc bảo đảm an ninh mạng là điều cấp thiết.

Chương trình truyền hình cảnh báo nạn tín dụng đen và bảo mật thông tin trên không gian mạng  - Ảnh 4.

Ông Lê Đình Nhân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena cảnh báo người dủng có thể bị lấy cắp thông tin do dính mã độc.

Một số nguyên nhân chính là do tấn công mạng vào người dùng hoặc tổ chức lưu trữ, xử lý thông tin cá nhân người dùng dẫn đến lấy cắp thông tin cá nhân; do thiết bị của người dùng bị nhiễm mã độc lấy cắp thông tin cá nhân; do các tổ chức lưu trữ thông tin cá nhân phát tán, mua bán bất hợp pháp; do người dùng bất cẩn tự cung cấp thông tin cá nhân của mình trực tiếp hoặc gián tiếp qua mạng hoặc các hình thức khác.

Ông Lê Đình Nhân - Giám đốc trung tâm đào tạo An ninh mạng Athena TP.HCM  - cho biết: Chỉ cần biết được email cá nhân, nhất là email dùng lâu năm thì họ có thể tìm được thông tin mật khẩu và các thông tin khác. 

Thậm chí, kẻ gian cũng có thể tìm ra hình ảnh của bạn, tạo ra một tài khoản giả để "report" tài khoản thật của chính bạn hay dùng cho nhiều mục đích xấu khác. Một số đối tượng còn làm giả link nào đó, link trang mạng xã hội để có thể lừa người sử dụng click vào từ đó đánh cắp mật khẩu hay nhiều thông tin khác.

Chương trình cũng đưa ra nhiều lời khuyên thiết thực đến với khán giả về việc bảo vệ các thông tin cá nhân khi sử dụng các ứng dụng, các trang mạng xã hội… Nhiều lời khuyên từ luật sư đối với các giao dịch dành cho các doanh nghiệp, đối tác về việc cung cấp thông tin cũng được đề cập vào số phát sóng ngày 15/7. 

Chương trình Lời cảnh báo phát sóng thứ 2 và thứ 4 hàng tuần trên kênh THVL1.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem