Khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho hay, thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Tổng bí thư, công tác đấu tranh thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường niềm tin của người dân.
Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục gặp khó khăn. Trong 10 năm, số thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng và 216 ha đất, xấp xỉ 10%.
Khó khăn đành rằng cũng còn do nhiều nguyên nhân. Chúng ta dù đã có luật nhưng lại chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng bằng luật.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Quốc Hội
Cuối tuần vừa rồi, một người bạn cấp vụ của tôi có gửi cho tôi coi một câu chuyện, nghe thấy cũng thú vị và khi ngẫm nghĩ thì thấy thật thâm sâu.
Chuyện rằng: Có một gia đình nọ rất nghèo. Nghèo tới mức hai vợ chồng già không có tiền chạy thuốc thang cho ông chồng chữa bệnh và đã đến lúc phải lo hậu sự mà tiền lo đám tang nghe đâu cũng không phải là chuyện nhỏ bởi bây giờ cái gì cũng tiền. Chết được chôn cũng đâu có dễ nếu thiếu tiền.
Một hôm, anh con trai ông bà đang được đi học dài hạn vì thuộc diện cán bộ nguồn thì nhận được điện thoại gọi về nhà gấp để ông bàn một số việc trước khi ông qua đời.
Khi anh con trai về, ông bảo lấy giấy bút để ghi lại di chúc của mình. Sau đó đem lên phường bảo thằng cháu họ đang làm phó chủ tịch ký xác nhận vào cho chắc, phòng khi cha qua đời đột ngột, sẽ khó cho con sau này.
Nghe vậy, người con đem giấy bút ra, ông bảo: “Những câu lằng nhằng ở trên thì anh đang được quy hoạch nguồn và đang được cử đi học thì phải tự biết ghi thế nào rồi, cha miễn nói đoạn này. Còn đoạn nội dung, con nhớ ghi cho chính xác vào”.
Rồi ông chậm rãi đọc: “Sau khi tôi qua đời, toàn bộ tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, cây cối, kể cả những cây cảnh quý và 3.000 cây vàng tôi giao lại hết cho người con trai duy nhất của tôi...”
Đến đây thì cậu con trai không viết được mà ngồi đực ra, rồi anh ta lấy lại tinh thần nói: “Cha điên rồi, nhà đang không có tiền mua thuốc điều trị cho cha mà nay cha lại nói đến chuyện có 3.000 cây vàng là nghĩa làm sao?”
Ông già bực mình nói: Mày điên thì có con ạ. Cứ viết như ý của tao đi. Bây giờ mày còn nghèo, nhưng mày được chọn đi học lớp nguồn , tức là chỉ ít năm nữa, mày cũng làm quan. Quan bé rồi cũng sẽ là quan lớn. Mày có cơ hội để tham nhũng, lại được hối lộ đủ thứ. Mày sẽ sắm nhiều thứ đắt tiền, sẽ xây nhà to cửa lớn, nhớ chưa ? Phải phòng xa con ạ!
Nhỡ khi có đoàn thanh tra, kiểm tra về thì mày chìa giấy này ra cho họ, chứ nếu nói mày nuôi gà, nuôi vịt, bán chổi chít ... thì cũng qua thôi, nhưng tốn biết cơ man gì là tiền cho đoàn này, cấp nọ sau này hả con?
Anh con trai mặt nghệt ra rồi tự nghĩ: “Ờ nhỉ, cha mình chẳng được học hành gì thế mà có tầm nhìn xa hơn cả đến vậy! Bái phục! Bái phục!"
Hôm sau anh trở về trường với niềm vui khôn xiết. Anh cho rằng nó cũng chả khác gì người cha vừa cho anh 3.000 lạng vàng trước lúc ông gần nhắm mắt.
Luật pháp ai cũng biết đều được xây dựng từ thực tiễn. Vì cuộc sống luôn chuyển động và uyển chuyển cho nên việc sửa luật sau ít năm cũng là lẽ thường. Người mà pháp luật không xử tội được chính là người biết lợi dụng các khe hở của pháp luật để có lợi cho mình. Đó cũng là chuyện bình thường.
Vài chục năm trước, tôi đã biết một trường hợp, có một ông cán bộ cấp cục mua nhà bằng tiền trúng số độc đắc.
Người ta mách thầm cho tôi hay, chính con ông này (còn ít tuổi ) đã khoe ra, cha cậu ta đi mua lại vé số của người trúng dù bị mát một khoản tiền thuế thu nhập không thường xuyên. Sau đó, gia đình nọ mời đủ bạn bè đến đánh chén một bữa vì... “trúng số độc đắc”.
Thế là ông ta xây nhà, sắm xe sang mà chẳng hề bị điều tiếng gì hết.
Bây giờ, loại hình sổ số Vietlott người ta có thể trúng vài chục tỷ đến cả hơn trăm tỷ mỗi lần. Người trúng nhiều khi còn tránh nên muốn được che mặt. Biết đâu những chiếc vé số độc đắc nọ sẽ quý hơn cả kim cương với những người muốn hợp thức hoá đồng tiền họ?
Thật là khó cho các cơ quan thanh tra và pháp luật nói chung khi có chuyện phải vào cuộc.
Nên chăng, trong việc kê khai tài sản đối với công chức, viên chức nói trên cần có những chế tài bổ sung.
Cụ thể, việc chuyển quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những người có khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, nhưng lại không vấp phải bất cứ sự kiểm soát nào từ phía cơ quan nhà nước khiến việc này thành nơi trú ẩn, cất giấu tài sản tham nhũng do đâu mà có. Đây chính là trở ngại trong công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta trong nhiều năm qua luôn luôn gặp khó khăn.
Có Đại biểu Quốc hội nói rằng, chủ sở hữu tài sản phải có trách nhiệm chứng minh tài sản đó là hợp pháp, nếu không chứng minh được thì nhà nước có quyền thu hồi.
Việc chứng minh tài sản của ai đó do phạm tội mà có là trách nhiệm chứng minh của cơ quan nhà nước. Ai nghe vậy cũng thấy có lý nhưng xem ra, để gỡ được nút thắt này thật không hề dễ.
Trong rất nhiều biện pháp tiến tới hạn chế tham nhũng, theo tôi rất cần thiết phải làm ngay, quyết liệt là hạn chế chi tiêu , giao dịch tiền mặt có khối lượng lớn.
Có lẽ đây là điều rất đáng lưu tâm khi chỉnh sửa Luật Phòng chống tham nhũng mà Quốc hội đang bàn thảo. Vỏ quýt dày cần phải có móng tay nhọn!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.