Lạng Sơn: Vốn vay về bản, đồi rừng bạt ngàn, trâu bò đầy chuồng

Mộc Trà Chủ nhật, ngày 15/12/2019 19:10 PM (GMT+7)
Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi và sử dụng có hiệu quả, nhiều hộ nông dân ở Bình Gia (Lạng Sơn) đã có vườn cây trĩu quả, đồi rừng bạt ngàn, trâu bò đầy chuồng. Đời sống nhiều hộ nông dân nhờ đó thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khởi sắc.
Bình luận 0

“Cầu nối” giúp hội viên nghèo vay vốn

Nhiều năm trở lại đây, Hội Nông dân huyện Bình Gia đã trở thành địa chỉ được người dân tin tưởng, trở thành cầu nối giúp nhiều hội viên nghèo và bà con nông dân tiếp cận được với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó có các nguồn vốn vay chủ đạo từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân… 

Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cơ sở phối hợp với chính quyền, các cơ quan liên quan vận động hội viên nông dân tích cực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất chất lượng cao vào gieo trồng. Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được các cấp chính quyền và các tổ chức Hội triển khai, tuyên truyền rộng rãi, học tập đến hội viên, nông dân; giúp cho nông dân có niềm tin để phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề và dịch vụ, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thực hiện công tác hỗ trợ nông dân như nhận ủy thác, tín chấp vay vốn từ các nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), phân bón... cho hội viên phát triển kinh tế gia đình. Vận động cán bộ, hội viên và nhân dân tích cực tham gia đóng góp công, sức, tiền, của xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi (đập, mương, phai...), công trình công cộng.

img

Nhờ các nguồn vốn vay để đầu tư ban đầu cho phát triển sản xuất mà ông Lăng Văn Kời, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 có thu nhập ổn định và ngày càng khá giả. Ảnh: Mộc Trà 

Ông Lăng Văn Kời (thôn Giao Thủy, xã Tân Văn, huyện Bình Gia) cho biết, trước đây đời sống kinh tế gia đình ông rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Qua Hội nông dân, ông biết đến nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, vợ chồng ông đã bàn bạc vay 30 triệu đồng cùng với số vốn tích góp được phát triển chăn nuôi và trồng rừng.

Ông Kời mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm như: Nuôi lợn thịt 100 con, mỗi năm 2 lứa lãi 80 triệu đồng; nuôi gà thịt 120 con mỗi lứa, lãi 30 triệu đồng/năm. Gia đình ông còn trồng 20ha rừng trong đó có hơn 6ha hồi thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm; 2ha thông và 2ha keo đang trong độ tuổi khai thác. Chưa kết, gần đây ông còn trồng thêm cây sở, mắc ca…

“Đúng lúc người nông dân chúng tôi nghèo khó, mất phương hướng thì các nguồn vốn vay hỗ trợ như nguồn động lực tiếp sức giúp chúng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất”, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019, Lăng Văn Kời chia sẻ.

img

Cán bộ Hội nông dân thường xuyên kiểm tra, tham quan các mô hình phát triển sản xuất để đánh giá việc sử dụng vốn và hiệu quả nguồn vốn vay. Ảnh: Mộc Trà

Không chỉ riêng ông Kời mà nhiều hộ nông dân khác cũng có thu nhập ổn định và ngày càng khá giả nhờ các nguồn vốn vay để đầu tư ban đầu cho phát triển sản xuất.

Ông Hoàng Văn Dài (thôn Phai Lay, xã Tô Hiệu) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, không có thu nhập ổn định, gia đình tôi trồng cây quýt ở trong lân nhưng không có điều kiện chăm sóc nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2016, qua Hội nông dân xã, tôi được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ ngân hàng CSXH huyện để đầu tư nuôi bò và chăm sóc, cải tạo vườn quýt. Đến nay, nhờ nguồn vốn vay và sự hướng dẫn đầu tư đúng cách nên mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập gần 200 triệu đồng, cuộc sống ngày càng được cải thiện”.

Dẫn PV Dân Việt đi dọc con đường nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, hoa khoe sắc, cây xanh dọc 2 bên đường, ông Nông Duy Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Tân Văn, huyện Bình Gia phấn khởi nói: Tân Văn là xã còn nhiều khó khăn, cuộc sống người dân phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế, hằng năm dù chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền nhưng vẫn còn tình trạng người dân đi nước ngoài trái phép. 

Tuy nhiên nhiều năm gần đây, từ các nguồn vốn vay hỗ trợ, người dân được tiếp cận vay vốn để phát triển sản xuất, nhiều gia đình đã có thu nhập từ 50 - 300 triệu đồng/năm, tình trạng đi làm chui, làm trái phép đã giảm rất nhiều. Cùng với đó là thực hiện triển khai xây dựng NTM nên đường làng ngõ xóm ngày càng xanh, sạch, đẹp và khang trang hơn.

Tổng số hội viên hiện nay của huyện trên 8.900 hội viên, bằng 81% so với hộ nông nghiệp.

Kết quả xếp loại các cơ sở Hội: có 16 đơn vị vững mạnh, 4 đơn vị xếp loại khá. Hội nông dân huyện Bình Gia được Hội cấp trên xếp loại Xuất sắc.

Bà Hoàng Thị Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Gia cho biết: “Hội nông dân luôn là cầu nối, là kênh thông tin giúp người dân có nhu cầu, tiếp cận được với các nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp. Các hộ dân cũng cam kết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay. Nhờ mạnh dạn, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển sản xuất, mức thu nhập hằng năm ngày càng tăng rõ rệt, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo”.

“Riêng về hiệu quả các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thì các dự án này thực sự rất có ý nghĩa. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng cây lâm nghiệp được hình thành, hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, phát triển và nhân rộng. Hội viên nông dân tiếp cận được với nguồn vốn vay có ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tạo cho hội viên nông dân tin tưởng vào tổ chức Hội, thu hút hội viên tham gia Hội ngày một nhiều hơn, là cơ sở để Hội Nông dân ngày càng vững mạnh”, bà Anh cho hay.

Ngoài là cầu nối hỗ trợ người dân vay vốn, Hội nông dân cơ sở đã tích cực vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Kết quả đã có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm điển hình cho các hộ nông dân học tập theo như: Hộ ông Hứa Văn Thu, Hứa Văn Khuyên (thôn Pàn Pẻn 2, xã Minh Khai) với mô hình sản xuất miến dong; mô hình chăn nuôi dê, bò hộ của gia đình Dương Công Tiến, ông Đặng Vĩnh Chuyên kinh doanh cây cảnh...

img

Nhiều hộ dân trồng quýt đã mạnh dạn đầu tư phát triển giống quýt vàng đặc sản nhờ các nguồn vốn vay hỗ trợ.

Ngoài là cầu nối hỗ trợ người dân vay vốn, Hội nông dân cơ sở đã tích cực vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Kết quả đã có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm điển hình cho các hộ nông dân học tập theo như: Hộ ông Hứa Văn Thu, Hứa Văn Khuyên (thôn Pàn Pẻn 2, xã Minh Khai) với mô hình sản xuất miến dong; mô hình chăn nuôi dê, bò hộ của gia đình Dương Công Tiến, ông Đặng Vĩnh Chuyên kinh doanh cây cảnh...

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem