Trồng dược liệu, người dân Tây Nguyên thoát nghèo, có trăm triệu

Đồng Nguyên Chủ nhật, ngày 15/12/2019 15:30 PM (GMT+7)
Phát huy tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên đã tích cực chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu. Hướng đi mới này đang mở ra cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, có đời sống khấm khá.
Bình luận 0

Đánh thức tiềm năng, lợi thế địa phương

Xã Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai) là địa phương có nhiều đồi núi cao, khí hậu mát mẻ, diện tích rừng tự nhiên khá lớn nên phù hợp với việc phát triển các loại cây thuốc quý. Do vậy vài năm trước, UBND xã đã vận động, hỗ trợ 50 hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng kết hợp trồng dược liệu. Với cách làm này, đến nay toàn xã có hơn 60ha dược liệu dưới tán rừng, gồm sa nhân tím và các loại sâm như sâm đá, sâm dây, đương quy…

img

Trồng dược liệu ở Kon Tum đang mở ra hướng đi mới giúp người dân thoát nghèo. Ảnh: Đồng Nguyên

Tương tự, xã Đăk Krong (huyện Kbang) cũng đang đẩy mạnh phát triển các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế, đến nay xã đã hỗ trợ người dân phát triển 65ha dược liệu dưới tán rừng.

Anh A Khúc, người dân ở làng Kon Hleng cho biết: “Gia đình mình tham gia trồng sâm đá dưới tán rừng từ năm 2015, đến nay đã bắt đầu thu hoạch. Với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg, mình dự kiến thu được khoảng 200 triệu đồng, gấp hàng chục lần trồng mì và lúa rẫy như trước đây”.

Theo ông Mã Văn Tình - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang, với độ che phủ rừng cao và nhiệt độ trung bình khoảng 21 – 23 độ C, huyện đang đẩy mạnh phát triển vùng dược liệu ở các xã Đăk Roong, Kon Pne, Sơn Lang, Sơ Pai… Trong đó sa nhân tím dễ trồng và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nhất, đến nay đã phát triển được 160ha.

Còn tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), thu nhập của nhiều nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng lên nhiều so với trước nhờ trồng cây dược liệu. Ông A Thô (thôn Đăk Ne, xã Măng Cành, huyện Kon Plông) phấn khởi cho biết: “Năm 2018, tôi quyết định chuyển đổi từ lúa rẫy sang trồng sâm đương quy trên diện tích 700m2, sau một năm chăm sóc đã thu hoạch được 2 tạ củ. Với giá bán 40.000 đồng/kg như hiện nay, tính ra mỗi ha sâm đương quy cho thu tới 120 triệu đồng, cao gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa…”.

Cũng tại huyện Kon Pông, không ít hộ nông dân đã vươn lên làm giàu nhờ các loại cây dược liệu, mở rộng quy mô từ hộ sản xuất lên doanh nghiệp, trong đó nhiều trang trại có giá trị nhiều tỷ đồng như trang trại của ông Hà Văn Đại (thôn Măng Đen, xã Đăk Long), trang trại ông A Diu (thôn Tu Rằng, xã Măng Cành)...

Đáng chú ý, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm. Điển hình là Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum phát triển được hơn 500ha sâm Ngọc Linh; Công ty TNHH Thái Hoà trồng 40ha sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, đương quy, ngũ vị tử, nghệ vàng, gừng, giảo cổ lam…

Liên kết với doanh nghiệp bao tiêu dược liệu

Lâm Ðồng được xem là "vựa dược liệu" của khu vực Tây Nguyên và đến nay, tỉnh đã xây dựng "Danh lục Tài nguyên dược liệu Lâm Ðồng". Hiện Lâm Ðồng có 7 công ty, 4 hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến dược liệu. Các doanh nghiệp đã liên kết với các hộ trồng dược liệu trên địa bàn. Khoảng 80% sản phẩm dược liệu tiêu thụ tại thị trường trong nước, số còn lại xuất khẩu, như: trà atisô, nấm linh chi, diệp hạ châu…

Riêng cây atisô đã được trồng quy mô lớn, khoảng 160 ha theo hướng sản xuất hàng hóa tại TP. Ðà Lạt và huyện Lạc Dương, năng suất bình quân 384,5 tạ/ha, sản lượng hơn 6.150 tấn/năm.

Nhờ mô hình liên kết trồng dược liệu giữa doanh nghiệp và người dân, đến nay, nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đã có thu nhập ổn định.

Theo ông Ha Rô Ky, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Ðạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Ðồng), phát triển cây dược liệu đang mở ra triển vọng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã. Hiện xã có khoảng 25 hộ đã chuyển đổi sang trồng atisô, với diện tích hơn 5ha, trong đó phần lớn tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ với Công ty Ladophar.

img

Nhiều mô hình trồng dược liệu ở huyện Kon Plông cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đồng Nguyên

Trong khi đó, ông Trương Ngọc Tuyền – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, sau khi trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu như sâm dây, đương quy, lan kim tuyến…, kết quả cho thấy những loại cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt là có dược tính rất cao. Năm 2018, UBND huyện đã chỉ đạo trồng mới khoảng 70 ha (trồng tập trung), đồng thời chú trọng khoanh vùng, bảo tồn các loại dược liệu có sẵn ngoài tự nhiên như chè dây, chuối rừng, sim rừng, ngũ vị tử…

Để khuyến khích người dân chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển dược liệu, huyện đã sử dụng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 để hỗ trợ cây giống (với đối tượng là hộ nghèo và cận nghèo); đồng thời tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho người dân. Về phía người dân, do thấy được hiệu quả kinh tế nên đã mạnh dạn chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, với diện tích ngày càng tăng.

Cùng với việc mở rộng diện tích, địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm dược liệu. “Người dân có đất, doanh nghiệp có vốn, dây chuyền chế biến, có thị trường nên chúng tôi khuyến khích và tạo điều kiện cho các bên cùng hợp tác mở rộng diện tích, bao tiêu sản phẩm, định hình vùng nguyên liệu phục vụ chế biến”, ông Tuyền nói.

Kết quả, đến nay trên địa bàn huyện Kon Plông đã có nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân như Công ty dược liệu Thái Hòa, Công ty TNHH MTV An Bình, HTX nông nghiệp công bằng Măng Đen… Các sản phẩm đưa vào liên kết sản xuất như sâm dây, sâm đương quy, đinh lăng, ba kích, sa nhân… Một số sản phẩm đã được thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì và đăng ký chứng nhận sở hữu trí tuệ (như sâm dây Măng Đen, đương quy Măng Đen, chuối rừng Măng Đen, trà sâm dây Măng Đen….).

Theo định hướng đến năm 2030, diện tích trồng dược liệu ở huyện Kon Plông sẽ lên đến khoảng 2.500ha, vì vậy các khâu chế biến, tiêu thụ đang được huyện chú trọng, khuyến khích phát triển.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem