Người vợ cõng chồng ra quán nước đầu làng để chồng vui chuyện với bạn bè. Trên đường đi, họ rủ rỉ với nhau đủ thứ chuyện và thỉnh thoảng lại cười với nhau tình tứ. Chẳng ai nghĩ họ đã ngoài 50 và từ 15 năm nay, mỗi năm, ông lại phải cắt đi một phần cơ thể của mình.
Ngót 20 năm sau những nỗi đau về thể xác và tinh thần “người đàn ông cụt” Ngô Văn Phúc tại thôn Cầu Quan, xã Tân Dân, Chí Linh, Hải Dương luôn được mọi người gần xa nhắc đến bởi nghị lực sống phi thường và gia cảnh “trong ấm ngoài êm”. Cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng ngôi nhà nhỏ của cặp vợ chồng khuyết tật luôn tràn đầy hạnh phúc và tiếng cười trẻ thơ.
Nụ cười hạnh phúc khi khách đến nhà của vợ chồng ông Phúc.
Đám cưới hạnh phúc và nghịch cảnh cuộc đời
Đến thôn Cầu Quan hỏi thăm nhà ông Ngô Văn Phúc ai ai cũng biết, bác Nguyễn Xuân Trường (52 tuổi) xúc động nói: “Nhắc đến vợ chồng chú Phúc, ai cũng thương lắm. Hiếm có cặp vợ chồng nào như cô chú ấy, từ lúc lấy nhau cho đến bây giờ sảy ra bao nhiêu biến cố, chồng cụt hết cả chân tay, bò còn không nổi, lết còn không xong. Thế mà cô vợ nguyện làm “đôi chân của chồng” - một cặp vợ chồng có nghị lực phi thường”.
Bà Mến đang cõng ông Phúc đi chơi ở quán nước cạnh nhà về đến cổng. Hai vợ chồng năm nay đều đã ngoài 50 tuổi, tài sản có được là một ngôi nhà tình thương đơn sơ (được Hội Phụ nữ huyện quyên góp) nhưng luôn tràn ngập tình yêu thương. Với nhiều người có thể không đáng gì, nhưng đối với vợ chồng ông Phúc, đó là một điều kì diệu của cuộc sống mà ông bà mơ ước mới có được.
Ngồi trên chiếc xe lăn được bà con thôn xóm tặng, ông Phúc ngậm ngù kể về cuộc đời khắc khổ của mình: “Lúc sinh ra tôi cũng bình thường như bao người khác. Lớn lên cưới vợ, sinh con, đi làm thợ xây bình thường. Đến lúc gia đình nghèo tưởng có tia hi vọng thoát khổ thì tôi lại mắc căn bệnh viêm tắc động mạch dẫn đến hoại tử này ngót cũng 20 năm, mỗi năm lại phải đi cắt một phần cơ thể ”.
Trên chiếc xe lăn được tặng, ông Phúc còn trăn trở nhiều điều về gia đình.
Nghĩa vợ tình chồng
Mắc căn bệnh hoại tử quái ác từ năm 1996, bệnh chuyển biến nhanh năm 2000, rồi từ đó trở đi trung bình cứ mỗi năm ông lại phải “chia xa” một phần cơ thể để duy trì sự sống cho bản thân.
Bà Mến xúc động nghĩ lại khoảng thời gian khó khăn.
Bà Mến – người vợ bên ông Phúc 30 năm mà chưa một lần được hưởng sung túc như các cặp vợ chồng khác. Lấy ông, 10 năm đầu làm việc quần quật vì cuộc sống mưu sinh, 20 năm sau vừa là người vợ, người bạn, người mẹ của người đàn ông cụt.
Bà Mến xúc động: “Lần đầu tiên nhìn thấy chồng bị cắt chân, tôi sợ lắm vì mình chưa bao giờ nhìn thấy. Nghe bác sĩ gọi, nhìn chồng mình mà chân tay cụt lủn. Tôi phải chạy ra ngoài, trấn tĩnh mất 10 phút rồi mới vào, chân tay tôi vẫn còn run run”.
Những năm sau, cứ mỗi năm một lần tay hoặc chân. Giờ đây, qua hơn chục lần cắt đau đớn đôi chân của ông Phúc còn chừng chưa đầy 10cm, hai tay cũng ko còn lành lặn, chỉ còn ngón cái và ngón trỏ tay phải.
Ông Phúc hiện đã cắt cụt gần hết và không có khả năng tự sinh hoạt.
Cơn đau nhức hàng đêm “cào xé” ông: “Nhiều đêm đau quá, không chịu được, tôi bò ra ngôi mộ của cha đầu nhà gào khóc: Bố ơi, con đau quá. Bố ơi, bố cho con đi với!”. Mỗi lần như vậy, bà Mến lại chạy ra òa khóc khi nhìn chồng ôm nấm mồ bất lực, người phụ nữ nhỏ ấy lại động viên ông cõng ông về nhà. Cứ những đêm trái gió trở trời ông lại đau nhức khắp mình, ông lại bò ra nơi cha yên nghỉ gào khóc. Bất lực, ông chỉ muốn chết đi cho vợ con đỡ khổ.
Hồi tưởng lại, ông Phúc chia sẻ quãng thời gian 20 năm qua bệnh viện là “nhà”. Mỗi năm ông bà lại cõng nhau đi “cắt thịt” một lần. Bà Mến cõng ông đi hết phòng này phòng khác làm thủ tục, không mảy may để tai những lời đàm tiếu không hay, lời nói ác ý của một số người. Bà vẫn chăm ông bằng chính cái tâm của mình khiến nhiều người thán phục người phụ nữ bé nhỏ ấy. Ông Phúc xúc động: “Trong 30 năm, nhiều lúc thương vợ lắm: đi lại, tắm rửa, ăn uống, sinh hoạt đều cần cô ấy chăm lo. Giờ tôi chẳng khác nào một đứa trẻ”.
Những giọt nước mắt của bà Mến đã rơi trong suốt 30 năm.
Bà Mến nhắc lại: “Ông Phúc đi viện, nhà có gì bán sạch. Mỗi lần nằm viện chữa trị khoảng 4 – 5 tháng, lúc nào cũng chỉ có mình tôi đi theo. Nhiều lần, vào bệnh viện xin được cắt chân đi, nhưng bác sĩ khuyên không nên cắt thêm sẽ ảnh hưởng sức khỏe của ông Phúc. Nhìn chồng đau, tôi lại gắng đợi bác sĩ để thuyết phục: Bác sĩ cứ cho chồng em cắt bớt chân đi, ngắn đến mấy cũng được, cho chồng em bớt đau. Ông mà ngủ được, em cũng đỡ khổ!”.
Trong suốt thời gian nằm viện, vợ chồng ông rau cháo nuôi nhau, bà Mến kể: “Hai vợ chồng chỉ ăn xuất cơm 15 nghìn. Ông Phúc ăn trước, còn bao nhiêu tôi mới ăn”.
Đôi lần bà cũng đã có ý định bỏ nhà ra đi.
Cũng đôi lần chán nản nghịch cảnh, bà ý định bỏ lại tất cả ra đi tìm cuộc sống mới, nhưng đi đến cổng làng bà lại không đành lòng cảnh con thơ, chồng cụt. Cái chữ “nghĩa tình” còn đọng gánh trên đôi vai gầy, bà lại trở về với căn nhà cũ nát.
Bà Mến nói: “Một mình tôi thì sống dễ thôi. Nhưng nghĩ cảnh con nhỏ, chồng không làm gì được rồi cả nhà chết mòn chết mỏi với nhau, tôi không cầm được lòng lại quay về. Một phần nữa, tôi sống để cho con cái nhìn vào để làm gương cho vợ chồng chúng nó. Bố cụt như thế như thế nhưng bố mẹ vẫn hạnh phúc, đủ đầy về tình cảm”.
Tài sản quý giá và tương lai mờ mịt
Với họ, cuộc sống phía trước còn dài và nhiều chông gai, nhưng mỗi ngày được thấy con khôn lớn, ông Phúc mạnh khỏe, đứa cháu trai chạy nhảy ríu rít, kiếm sống bằng chính sức lực của mình, ấy là một niềm vui, hạnh phúc cuộc sống giản dị.
Niềm vui cuộc sống là bên đứa cháu trai duy nhất.
Vậy mà cái khổ vẫn bám lấy gia đình ông Phúc khi đứa cháu trai duy nhất của ông bà – Ngô Quang Huy (1 tuổi) bị mắc bệnh tim bẩm sinh vừa trải qua đợt phẫu thuật đầu tiên cách đây không lâu. Ba đời chưa hết vận nạn, bà Mến chỉ biết ôm đứa bé trai kháu khỉnh đang ngủ mà khóc: “Giờ tâm niệm duy nhất của vợ chồng tôi muốn cháu khỏi bệnh”. Theo lời bác sĩ, bé Huy còn phải trải qua 1 đến 2 đợt phẫu thuật tim nữa mới lành bệnh. Đau đáu nỗi đau về đứa cháu nhỏ, ông bà ngày đêm cầu mong cho bé Huy "tai qua nạn khỏi". Ông Phúc giữ lòng của người từng trải: “Hạnh phúc nhỏ nhoi của tôi là đứa cháu, tôi có thể chịu đựng được hết tất cả “tai họa”, chỉ cần cháu tôi không sao là tôi mãn nguyện lắm rồi”.
Vết sẹo cháu Huy vừa mổ tim bẩm sinh đợt 1 vừa qua.
Chia tay gia đình nhỏ ra về, điều còn đọng lại trong tôi là ánh nhìn tình cảm của cặp vợ chồng 20 năm sống chung với bệnh tật và nụ cười giòn tan cùng tiếng bi bô của bé Huy xen lẫn niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt đầy phúc hậu của đôi vợ chồng tật nguyền. Tôi chợt nhận ra rằng, cuộc sống mới chính là bức tranh vẽ lên những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ và giàu tính nhân văn nhất như gia đình ông Phúc và bà Tâm vậy.
Bà Mến tay thì bế cháu, lưng cõng chồng.
Cuộc đời "Cõng chồng, địu cháu" trên đôi vai bé nhỏ của bà Mến.
Cả ngày bà Mến chỉ quanh quẩn bên ông Phúc chăm sóc, cuộc sống hai vợ chồng rất khó khăn.
Ông Phúc hiện sức khỏe bắt đầu ổn định, nhưng lại đến đứa cháu bị tim bẩm sinh.
Phương Mai (Đời sống & pháp luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.