Chuyện "chạy" của thời nay...

Quốc Phong Thứ tư, ngày 27/06/2018 12:09 PM (GMT+7)
Hiện nay, từ lúc chuẩn bị sinh cho đến lúc từ giã cõi đời, mỗi người có nhiều, rất nhiều công đoạn chạy, nếu không “chạy" là dễ không xong! 
Bình luận 0

"Chạy" - trong lịch sử ngôn ngữ Việt Nam hiện đại, nếu so với lịch sử ngôn ngữ cổ, cận đại ở nước ta, động từ kỳ ảo, đầy thú vị và phong phú này đã trở thành từ ghép tới mức vô cùng lạ lùng.

Nó phát triển nhanh đến chóng mặt và nay đã chuyển thành tổ hợp "ngữ định danh" có chức năng như một động từ, gồm động từ "chạy" kết hợp với một danh từ nào đó. 

Nếu gần một thế kỷ trước, từ "chạy" thường chỉ dừng lại ở chuyện đại loại như chạy nắng, chạy mưa, chạy giặc, chạy lũ, chạy ăn, chạy chợ, chạy tang và cùng lắm, ở khía cạnh chính trị thì đó là chuyện "chạy cửa quan"... Giờ đây, nó phong phú gấp cả trăm lần, được dùng để diễn đạt một khái niệm mới và xuất hiện ngày càng nhiều. Có lẽ có đến cả trăm loại "chạy". Nó thường mang sắc thái của thể chế chính trị, của hành chính sự vụ bên trong mỗi loại "chạy". Từ ghép này rất phong phú, thậm chí sâu cay...

img

Ảnh minh họa (Tienphong.vn)

Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ, hình như xã hội bây giờ cái gì cũng đều "chạy" cả. Nào là chạy giấy khai sinh, chạy hộ khẩu, chạy tuổi; rồi chạy hộ nghèo, chạy việc, chạy chức, chạy huân chương, chạy khen thưởng, chạy được công nhận di tích, chạy nâng lương, chạy nâng ngạch, bậc; nào là chạy kỷ luật, chạy án, chạy tội; chạy điểm, chạy trường, chạy thầy; nào là chạy dự án, chạy thầu, rồi chạy phiếu tín nhiệm, chạy học vị, học hàm; đến cả chạy kíp mổ, chạy bệnh viện và chạy cả chỗ an táng cho đúng ý mình muốn, chạy vào Hội đồng nhân dân (các cấp), chạy vào chấp hành (các loại), v.v và v.v...

Tóm lại, từ lúc chuẩn bị sinh cho đến lúc từ giã cõi đời có nhiều, rất nhiều công đoạn chạy, nếu không “chạy" là dễ không xong! 

Cứ với cái đà này, tôi nghĩ cũng chả mấy nả, có thể nếu không kịp ngăn chặn sớm thì sẽ còn phải lo chạy đến cả những chuyện tày trời khác. Nhiều khi thật oái oăm, có người chạy bất chấp dư luận ì xèo để rồi "người  anh" bỗng nhiên kém cả tuổi "người em", miễn là mình còn đủ nhiệm kỳ được đưa vào quy hoạch.

Nó cho thấy gián tiếp cả một sự tha hoá mà con người hôm nay đã và đang từ từ nhiễm phải. Nhiều khi cũng bất đắc dĩ phải theo chứ thực ra không hoàn toàn buộc phải vậy. Nhưng do người ta "chạy" nhiều quá, mình không "chạy" thì bị bật ra khỏi guồng máy và có lẽ cũng không thể không “chạy” nếu muốn được việc. 

Công tác cán bộ của hệ thống chính trị chúng ta đã từng lùm xùm chuyện này nhiều năm nay. Để có một cuộc cách mạng tẩy trừ tận gốc những thứ thuần tuý gọi là "chạy" chức này, rõ ràng Đảng cần phải có những nguyên tắc. Như Tổng Bí thư Đảng đã từng chỉ ra, đó là phải có cơ chế giám sát công tác cán bộ để làm sao người ta tự thấy không thể chạy, không dám chạy, không muốn chạy và không cần chạy. "Phải nhốt quyền lực vào trong lồng" để cùng giám sát.

img

Người làm lãnh đạo phụng sự Đảng, Nhà nước, phụng sự nhân dân, nếu không đủ tài đức thì tốt nhất cần phải biết mình và phải có lòng tự trọng. Nhưng nói thì dễ. Có chức thì sẽ có quyền. Có quyền thì sẽ có bổng lộc. Những thứ đó như ma lực, dễ gì nói được mà đã làm được!

Người tài giỏi và có lòng tự trọng nghĩ khác. Họ hiểu rằng nếu bất tài mà làm lãnh đạo thì chỉ tổ hại nước, hại dân và sẽ bị người đời coi chả ra gì.

Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của BCH Trung ương Đảng về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" đã chỉ ra 3 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống "tự diễn biến, tự chuyển hoá" trong nội bộ hiện nay.

Theo đó, ngoài 2 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị; về "tự diễn biến, tự chuyển hoá" trong nội bộ thì còn có một biểu hiện rất đáng lưu ý, đó là suy thoái về đạo đức, lối sống.

Nghị quyết cũng đã chỉ ra 9 biểu hiện cụ thể của suy thoái đạo đức, lối sống, trong đó có 2 biểu hiện liên quan đến cái thứ "chạy" mà chúng ta đang bàn ở đây. Đó là các biểu hiện thứ 4 và thứ 8, rất chính xác. Đó là: 

"....4) Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".

      8) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi...".

Những hiện tượng có thật đã diễn ra và bị phanh phui trong thực tế ở nhiều bộ, ban, ngành và địa phương, như bộ Công Thương qua trường hợp Trịnh Xuân Thanh luân chuyển đi địa phương (đã dính dáng đến các đơn vị như Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh uỷ Hậu Giang). 

Nhiều trường hợp, vụ việc khác đã xảy ra ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hoá, ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, ở Bộ Công Thương (trong hàng loạt sai phạm khác, ngoài Trịnh Xuân Thanh)... đã trở thành những ví dụ sống động giúp Đảng ta có điều kiện tìm hiểu, phân tích, đúc rút ra các biểu hiện của suy thoái và biến thành những câu chữ rất sinh động, được đưa vào Nghị quyết T.Ư 4. 

Nếu không có những thực tiễn xảy ra hơn một năm trước đó, tôi tin rằng Nghị quyết 4 sẽ không thể sâu sắc và thuyết phục như đã nêu.

Thực tế cũng cho thấy, để tìm ra được nguyên nhân cũng như biểu hiện của suy thoái trong nội bộ Đảng là cả một thời gian dài, không hề dễ dàng chút nào. Song, khi chỉ ra rồi và nay sẽ tiến hành loại trừ nó ra khỏi đời sống chính trị cũng không hề dễ.

Một trong những nguyên nhân là bởi những biểu hiện suy thoái này đã thấm sâu trong đời sống xã hội hôm nay quá nặng nề. Nhưng không có chuyện nói rằng không thể đẩy lùi và tẩy trừ được nếu quyết tâm chính trị của chúng ta luôn được hối thúc và đi đến cùng sự việc.

Hãy lấy một vài ví dụ như chuyện làm ăn theo kiểu mafia, coi trời bằng vung của các cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang như Phan Văn Anh Vũ  (Tổng cục 5, Bộ Công an), như Đinh Ngọc Hệ (Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng), như vụ bảo kê đánh bạc của ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hoá (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), như vụ Mobifone mua AVG (Bộ Thông tin Truyền thông)... những tưởng có lúc bị chìm xuồng vì thấy quá im ắng. 

Nhưng rồi tất cả vụ việc đều đã và đang từng bước được lôi ra ánh sáng. Điều đó đã tạo nên niềm tin mới của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trước Đảng hơn lúc nào hết. Đây là tín hiệu tốt và tôi nghĩ đó là thắng lợi bước đầu vô cùng ý nghĩa và quan trọng nếu tất cả chúng ta đều muốn đi đến cái đích tốt đẹp nhất từ công cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực và tham nhũng. Tôi hy vọng với đà tích cực này, mọi thứ đều sớm được sáng tỏ và Đảng sẽ từ đó lấy lại niềm tin chắc chắn hơn trong dân.

Có thể lúc đó, tất cả những thứ "chạy" vừa nêu sẽ dần hạn chế rồi có thể sẽ biến mất, tuy rất khó khăn. Thậm chí, ngay những người từng vi phạm, nay thấy có chuyện không ổn, muốn "chạy" để mong được về hưu sớm trước tuổi, hòng đào thoát khỏi tội cũng vẫn không xong. Nói như Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu gần đây thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem