Không phải chỉ các nước Âu - Mỹ các chú chó được cưng chiều không kém con trẻ, nhất là khi được chủ dắt ra đường đi dạo hay "ngắm" phố. Ở ta chó không những được coi là con vật thân thiết, gần gũi mà còn là con vật mang đến may mắn. Từ xa xưa dân gian đã có câu "mèo vào nhà thì khó, chó vào nhà thì sang", chứng tỏ con chó được "xếp hạng" cao như thế nào.
Trong suốt thời gian rất dài, khi chưa có sự tiếp xúc với con người và theo đó là vật nuôi của phương tây, chắc hẳn mọi giống vật nuôi của tổ tiên chúng ta đều "thuần chủng nội địa", con chó chắc cũng vậy.
Trong tâm trí mọi người và trong văn học (cả dân gian truyền miệng lẫn ghi chép), con chó thân thiết, con chó tinh khôn trung thành với chủ… đối với người Việt đều là những con Mực, con Đốm. Và khi nghĩ đến món "riềng mẻ" thì cũng chỉ là con Vàng, con Vện… mà thôi.
Chó ngày xưa chủ yếu được nuôi ở nhà quê, vừa giữ nhà vừa "kiêm" dọn vệ sinh cho trẻ. Đã có không ít trường hợp đau lòng xảy ra (không phải chỉ ngày xưa mà mới đây vẫn còn), khi con chó nhầm giữa cục phân và "con chim" của đứa trẻ.
Trước đây, người dân Hà Nội ít nhà nuôi chó. Có thể do nhu cầu về trông, giữ nhà chưa có, có thể do khó khăn về nơi nhốt, cái ăn cho chó.v.v. nên chó nuôi trong nội thành ít lắm.
Việc nuôi chó hay không nuôi chó, nuôi chó to hay chó nhỏ, chó "ta" hay chó "tây"… thôi thì tùy thích mỗi người. Vấn đề ở đây là việc nuôi chó của "anh" có làm phiền đến người khác, chó của "anh" có làm ô nhiễm môi trường hay không. Khi đó thì nuôi chó không còn là chuyện cá nhân nữa mà là vấn đề quản lý đô thị, vấn đề kỷ cương xã hội.
Ở Hà Nội, chó chỉ bắt đầu được nuôi nhiều trong phố từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Những ai sống ở Hà Nội hẳn vẫn nhớ "phong trào" nuôi chó Nhật của nhiều người. Việc này bắt đầu từ cuối những năm 80 và "rộ" lên trong một, hai năm đầu thập niên 90. "Phong trào" bùng lên nhanh mà xẹp cũng nhanh.
Lúc "phong trào" lên, ở đâu, bất cứ xó xỉnh nào trong phố, từ quán nước vỉa hè đến quán bia… chủ đề bàn tán sôi nổi nhất là chủ đề nuôi chó Nhật. Thực sự là "ăn chó Nhật, ngủ chó Nhật, mơ cũng chó Nhật"! Đi kèm theo "phong trào" này là các dịch vụ ăn theo: thức ăn cho chó, khám chữa bệnh cho chó …
Đã có câu chuyện "thật như bịa" rằng: Nhà kia nuôi đàn chó Nhật, chẳng may thời tiết trở trời, đàn chó lăn ra ốm, bỏ ăn, anh chủ suốt mấy ngày mất ăn mất ngủ lo cho chó; có bữa anh chủ đang nựng đàn chó, dỗ chó ăn, thậm chí bế từng con xúc từng thìa cho chó thì thằng bé con trai ba, bốn tuổi của anh cũng đang ốm quặt quẹo kêu đói đòi bố cho ăn.
Thay vì dỗ con, anh quát con tướng lên "ăn uống cái gì, bố mày đang rối bời ruột gan lên đây này!". Đúng là chó trên hết!
Tuy nhiên với nuôi chó Nhật, kể cả lúc cao điểm, sự phiền toái đến xung quanh, không có gì đáng phàn nàn lắm. Có chăng chỉ một vài nhà nếu ở chung nhiều hộ, diện tích chật chội, khi đàn chó đói đòi ăn rít lên, hoặc những ngày nồm, ẩm ướt mùi hôi của chó, nước tiểu, phân chó có thể ảnh hưởng đến các hộ ở gần.
Những năm gần đây, kinh tế khá giả, người đổ về Hà Nội ngày một đông, khối người nhiều tiền "tậu" những chó Bun-đooc, Pit-bull… to như con bê!
Nếu những con chó chỉ quanh quẩn giữ nhà cho chủ của nó thì sẽ chẳng có gì đáng nói.
Nhưng không, sau khi "hoàn thành" nhiệm vụ canh nhà ban đêm, sáng ra chúng được các ông, bà chủ "thưởng công" bằng cách tháo xích, không rọ mõm, chạy nhông ra đường để giải quyết "nỗi buồn" đã nhịn cả đêm!
Không ở đâu ngoài đường nhiều phân chó như vỉa hè, đường phố Hà Nội! Không phải chỉ những ngõ, phố ven nội đô có cảnh này mà ngay tại các phố trung tâm của Hoàn Kiếm, Ba Đình như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quán Thánh, Phan Đình Phùng… đầy rẫy phân chó. "Nạn nhân" của thói vô văn hóa này trước tiên là những người đi tập thể dục và các em học sinh đi bộ đến trường mỗi sớm dãm phải "mìn"!
Một việc làm rất cần phải lên án nữa đối với những người nuôi chó ở nội thành hiện nay đó là cho chó chạy nhông ngoài đường, chạy nhông tập thể dục cùng chủ. Quý vị chịu khó một buổi sáng sớm lên khu vực hồ Tây, hồ Trúc Bạch sẽ tận mắt chứng kiến cảnh này. Thật kinh khủng!
Buổi sáng dọc các con đường Trấn Vũ, Trúc Bạch, Thanh Niên, vườn hoa Nguyễn Biểu, vườn hoa Trúc Bạch, vườn hoa Lý Tự Trọng… xen lẫn với những người tập thể dục, đi bách bộ là những con chó béc giê dữ tợn, lè lưỡi dài gầm gừ chạy lông nhông, chủ còn đi rất lâu phía sau nó.
Nhiều con "cao hứng" đang chạy lại dừng, thè lưỡi hít hít vào chân ai đó đi qua làm họ run chết khiếp, "mồm chó, vó ngựa" biết thế nào được, ai mà chẳng sợ!
Đã có lần người viết bài này chứng kiến cảnh hãi hùng: một con chó to lông nhông cùng chủ ở vườn hoa Trúc Bạch, có bà già dắt cháu bé độ ba, bốn tuổi đi trong vườn, bỗng nhiên con chó phi tới ngửi và liếm vào người cháu bé làm cháu sợ quá hét rú lên ôm chặt lấy chân bà, trong khi chủ của nó vẫn thản nhiên đứng nhìn, buông câu bâng quơ "nó không cắn đâu" và không có hành động hay cử chỉ gì an ủi hai bà cháu. Một người đi qua trông thấy cảnh đó thốt lên "đúng là văn hóa chó"!
Đã rất nhiều cái chết đau lòng, thê thảm vì chó dại cắn mà các chủ chó vẫn coi thường. Kể cũng lạ!
Thời trước ở Hà Nội, chó chạy nhông ra phố, ông "phu-lit" bắt được hoặc truy tìm được chủ thì chủ chó bị phạt nặng lắm, phạt cho mà chừa.
Hà Nội đã kỷ niệm qua tuổi một ngàn lẻ mười , rất nhiều việc đã được chính quyền thành phố vạch ra để cấp dưới và người dân thực hiện, không ít việc lớn, hoành tráng và tiêu tốn tiền trăm, tiền nghìn tỷ. Yêu Hà Nội vô cùng, tôi ước gì trong những việc thiết thực Hà Nội làm được có một việc nhỏ thôi nhưng đem lại hiệu quả không nhỏ cho môi trường và nỗi bình yên cho không ít người đó là: nói không với nạn chó chạy nhông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.