Ký ức Hà Nội: Chiếc bảng đen chan chứa cảm xúc ở khu tập thể

Lê Thị Minh Vân Thứ sáu, ngày 07/07/2023 13:59 PM (GMT+7)
Ký ức sâu sắc nhất của tôi là chiếc bảng đen đặt ở khu vực trung tâm của khu tập thể. Những năm ấy, khi công nghệ chưa phát triển, chiếc bảng đen này là phương tiện giao tiếp, kết nối quen thuộc của mỗi hộ gia đình...
Bình luận 0

 Mỗi sáng, khi chạy ngang qua những khu tập thể cũ nằm lặng lẽ giữa biết bao tòa nhà cao tầng mọc lên chen chúc giữa lòng Hà Nội, tôi lại thấy lòng mình nao nao nhớ lại chuyện xưa. Cũng bởi, bản thân đã từng trải qua khoảng đời niên thiếu vào những năm tám mươi của thế kỷ trước ở một khu tập thể.

Thi thoảng, có dịp đi ngang qua đó, giữa thế giới hào nhoáng của những ngôi nhà cao tầng hiện đại, tôi vẫn thấy phảng phất đâu đó dấu rêu phong của những bức tường vàng đầy những mảng ố, tróc sơn, của chiếc bảng tin đen nhánh nằm ngay dưới chân cầu thang với vài dòng chữ viết bằng phấn, của biết bao lối cầu thang hẹp đầy bóng tối hay tiếng ồn ào của bầy trẻ reo vang ở một góc vườn ngập tràn bóng cây xà cừ. Tất cả những kí ức ấy hiện lên sống động như một người tri kỷ cách xa lâu ngày mới gặp.

Ký ức Hà Nội: Chiếc bảng đen chan chứa cảm xúc ở khu tập thể - Ảnh 1.

Khu tập thể nhìn từ trên cao xuống. Ảnh Tác giả cung cấp.

Những năm 80, tôi sống ở khu Trung Tự (quận Đống Đa). Trong hình dung của một đứa trẻ con như tôi lúc ấy, khu tập thể là một thế giới thu nhỏ, nơi mọi người có thể gặp gỡ, chuyện trò và chia sẻ cùng nhau. Khu tập thể Trung Tự vào thời điểm đó có khoảng năm lầu. Đa phần mọi người sống trong các căn hộ từ tầng 2 đến tầng 5 cùng đi chung một cầu thang bộ. Một dãy nhà tập thể có khoảng 2 - 3 cầu thang như thế. 

Lâu dần thành thân nên cứ lên xuống cầu thang trong khu tập thể là mọi người cất tiếng chào hỏi nhau. Dù cầu thang rất hẹp và tối nhưng những thân tình mọi người dành cho nhau thì không gì có thể ngăn cách. Đặc biệt là bọn trẻ con chúng tôi, suốt ngày quẩn quanh ở góc cầu thang hẹp, chờ nhau cho đủ bọn rồi nhanh chân xuống sân chung của khu tập thể bày đủ các trò chơi, đùa reo inh ỏi một vùng trời xanh mát. 

Những kí ức trong trẻo ấy giờ trở thành biết bao hoài niệm đáng giá với bản thân tôi trong nhịp sống hối hả của thời gian. Thi thoảng, nhìn các con mình sống cô đơn, lạnh nhạt trong các chung cư cao tầng, chỉ giam mình trong bốn bức tường, không mặn mà kết bạn với bất kỳ ai, tôi khẽ nén tiếng thở dài. Thời hiện đại, dù sống cùng nhau ở chung cư nhưng mỗi căn hộ là một không gian riêng, cầu thang máy trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu nên khả năng kết nối cũng hạn hẹp hơn xưa.

Khu tập thể nơi tôi sống nhìn từ xa đã thấy một màu sơn vàng, thi thoảng dưới ánh nắng ẩn hiện vài mảng tường phủ rêu xanh xám. Để tận dụng diện tích, mỗi căn hộ nhỏ khi ấy trong khu tập thể thường treo những giỏ hoa hoặc cây xanh ngoài khu ban công. Vài bà cụ thương nhớ quê nhà tranh thủ trồng thêm ít hành ta, ngò rí, rau quế… trong những thùng xốp để dành chế biến món ăn. Thực vật như cũng hiểu lòng người nên cứ thế xanh tươi, mát mắt khiến không gian khu tập thể lúc nào cũng êm đềm đến kỳ lạ.

Thế nhưng, kí ức sâu sắc nhất của tôi là chiếc bảng đen đặt ở khu vực trung tâm của khu tập thể. Những năm ấy, khi công nghệ chưa phát triển, chiếc bảng đen này là phương tiện giao tiếp, kết nối quen thuộc của mỗi hộ gia đình. Người dân có thể viết thông tin mỗi ngày lên chiếc bảng này. 

Từ những thông tin đơn thuần như nhắc nhở khoá cửa nhà cẩn thận, cảnh giác với bếp lửa đến mấy điều "trọng đại" hơn như lời chia buồn với gia đình có tang trong khu tập thể, lời chúc phúc với hộ nào gả chồng dựng vợ cho con… đều được ghi chép cẩn thận trên bảng. Tôi có cảm tưởng chiếc bảng đen không chỉ đơn thuần để ghi chép mà đi cùng thời gian, nó trở thành nơi chứng kiến biết bao hồi ức của tất cả mọi người ở khu tập thể.

Ký ức Hà Nội: Chiếc bảng đen chan chứa cảm xúc ở khu tập thể - Ảnh 3.

Khu tập thể nơi tác giả sinh sống. Ảnh Tác giả cung cấp.

Đến tận bây giờ, khi công nghệ 4.0 phát triển vượt bậc, mọi người giao lưu với nhau bằng mạng internet và các thiết bị điện tử thông minh nhưng những người già từng sống trong khu tập thể như bố mẹ tôi vẫn nhớ in chiếc bảng đen đó. Cũng bởi, mỗi nét chữ, mỗi thông tin viết trên chiếc bảng là cảm xúc, là biết bao yêu thương và trân trọng dành cho nhau, điều mà nhiều người sống trong dòng chảy hối hả của xã hội hiện đại như chúng ta đã dần quên lãng.

Thi thoảng, ở khu tập thể nơi tôi sống thường xảy ra tình trạng mất nước, do nước máy không về đến đến từng nhà. Những lúc ấy, mỗi hộ gia đình lại phân công vài người xếp hàng lấy nước đến tận khuya ở dưới sân tập thể. Để cảm giác chờ đợi không quá dài, mọi người tranh thủ kể cho nhau nhiều câu chuyện trong thời gian xếp hàng chờ nước đó. Dù vất vả, khó khăn là thế nhưng mọi người trong khu tập thể luôn có sự sẻ chia, giúp đỡ nhau để cùng vượt qua những năm tháng đáng nhớ ấy.

Căn hộ nhỏ ở khu tập thể, nơi tôi sống khi xưa, còn khắc ghi biết bao sự hi sinh đầy nhẫn nại của bố mẹ dành cho chị em tôi. Tôi nhớ hình ảnh mẹ nhẫn nại đẩy chiếc xe đạp cà tàng, bên trên có hai cô con gái nũng nịu không chịu tự đi vì ngại cầu thang tối và hẹp suốt bốn tầng lầu. Hai chị em tôi cứ vô tư nhận tình yêu thương mà chẳng hay vạt áo sau lưng mẹ đã ướt đẫm mồ hôi. 

Tôi nhớ cả hình ảnh bố những lúc tan làm từ nhà máy, chân tay lấm lem vẫn nhẫn nại ngồi ngoài hành lang cưa từng đoạn gỗ nhỏ để dành làm bàn học hoặc kệ sách cho các con. Chắc cũng vì sự cần mẫn của bố mà những đứa trẻ sống trong căn hộ chỉ vỏn vẹn vài mét vuông như chị em tôi khi ấy có thể thiếu thốn về vật chất nhưng chưa bao giờ nghèo nàn tri thức.

Những ngày đầu xuân, mưa bay đầy trời, có dịp về nhà bố mẹ, tôi thường ngẩn ngơ đứng ngắm nhìn từ xa vẻ ngoài tĩnh lặng nhưng rất đỗi hoài cổ của khu tập thể khi xưa mình sống khi xưa. Dẫu Hà Nội ngày nay đã có rất nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng nhưng hình ảnh về những khu tập thể cũ luôn khiến người ta cảm thấy bình yên, dịu lòng đi như được vỗ về sau biết bao bất ổn giữa chốn đô thị tấp nập. Đó cũng là vẻ đẹp bị bỏ quên của những thập kỷ trước, mang vẻ đặc trưng rất riêng của thủ đô mà không nơi nào có được.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem