Chuyện đáng nể ở rốn phèn: Đưa ống hút cỏ bàng bay sang Âu - Mỹ...
Chuyện đáng nể ở rốn phèn: Đưa ống hút cỏ bàng bay sang Âu - Mỹ...
Trần Cửu Long
Thứ ba, ngày 26/05/2020 18:42 PM (GMT+7)
Tận dụng đồng cỏ bàng ở “rốn phèn” Đồng Tháp Mười (Long An), những thanh niên nông thôn miền Tây đã có nhiều sáng tạo, “nâng cấp” để biến cỏ bàng thành sản phẩm ống hút độc đáo không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu thu ngoại tệ.
Tờ mờ sáng, trong một ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé ở ấp 6 (xã Mỹ Thạnh Đông, Đức Huệ, Long An) đã có vài ba người phụ nữ nông thôn đang nhanh tay cắt những cọng bàng dài thượt thành từng ống ngắn khoảng 2cm... Vài ba năm nay, cơ sở sản xuất ống hút cỏ bàng này đã lặng lẽ xuất sản phẩm sang trời Âu, thu về ngoại tệ.
"Lên đời" cỏ bàng
Chủ cơ sở sản xuất ống hút cỏ bàng này là chàng trai 8x Nguyễn Minh Tiến - một thanh niên cao dong dỏng, kiệm lời. Minh Tiến cho biết, xuất phát từ tình yêu thiên nhiên và muốn bảo vệ môi trường nên anh đã dấn thân vào công việc này.
Trước khi dùng cỏ bàng làm ống hút, Minh Tiến đã từng dùng tre và sậy. Nhưng tre, sậy quá mất công sức để sản xuất và giá thành cao. Vả lại, tại xã Mỹ Thạnh Đông, vùng nguyên liệu tre, sậy không nhiều. Trong khi đó, bao đời nay, tại vùng bưng biền này, cỏ bàng mọc tự nhiên, xanh tươi bát ngát.
Theo Minh Tiến, cỏ bàng khi thu hoạch phải có độ dài 18 - 20cm, đường kính ống bàng khoảng 9mm. Cỏ bàng sau khi đem về được cắt thành từng khúc dài 1,8cm và thông ống. Sau đó, ống hút cỏ bàng được rửa sạch bằng bột vỏ sò rồi để tươi hoặc sấy khô và cho vào từng bao nhỏ thành phẩm.
Minh Tiến cho biết, nếu để ở nhiệt độ thường, ống hút cỏ bàng tươi có thể giữ được độ bền trong vòng 5 ngày. Hiện, anh có cả ống hút cỏ bàng khô bằng cách cho ống hút vào lò sấy. Các quy trình sản xuất ống hút cỏ bàng đều làm thủ công.
"Trong quá trình sản xuất, khâu cắt ống cỏ rất quan trọng, vì phải cắt làm sao cho miệng ống không xé để giảm hao hụt khi phơi khô. Hiện, tỷ lệ hao hụt tại cơ sở của tôi là 15%" - Minh Tiến chia sẻ.
Chàng trai trẻ này cho biết, cơ sở sản xuất ống hút cỏ bàng của anh đang có 3 nhân công làm việc. Mỗi ngày cơ sở này sản xuất khoảng 4.000 ống hút. Mỗi ống hút tươi được bán với giá 600 đồng, ống khô giá 1.000 đồng. "Mỗi năm tôi bán ra thị trường hơn 1 triệu ống hút cỏ. Khoảng ½ sản lượng ống hút này đã được xuất ra nước ngoài" - Minh Tiến cười vui chia sẻ.
Không chỉ có Minh Tiến, tại xã Tân Chánh (Cần Đước, Long An), một thanh niên 8x khác cũng đang miệt mài nâng cấp cỏ bàng thành sản phẩm xuất ngoại. Sau thời gian tìm hiểu và thử nghiệm các quy trình xử lý cỏ bàng, anh Bùi Thành Được quyết định đầu tư công cụ sản xuất đại trà cỏ bàng thành ống hút thân thiện môi trường.
"Trong một lần tình cờ đi qua cánh đồng cỏ bàng ở huyện Đức Hòa, thấy người dân thu hoạch cỏ bàng, tôi bắt đầu tìm hiểu và lên ý tưởng làm ống hút cổ bàng. Hơn hết, tôi thấy cỏ bàng cũng dễ tìm, nguyên liệu sẵn có, đồng thời thân thiện với môi trường càng làm tôi quyết tâm thực hiện cho bằng được" - anh Thành Được chia sẻ.
Trung bình, mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất được trên 10.000 ống hút. 70% sản phẩm ống hút cỏ bàng mang thương hiệu "Miền Tây Xanh" của anh Thành Được đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản... Ống hút thành phẩm được đóng thành hộp, mỗi hộp 100 ống để bán cho khách hàng.
Không đủ hàng bán
Anh Được cho biết, dùng cỏ bàng làm ống hút vừa thân thiện với môi trường, vừa phát huy hiệu quả kinh tế. Hiện, tại cơ sở của anh có 9 nhân công và đang cải tiến thêm nhiều mặt hàng, nhiều sản phẩm từ cỏ bàng và mở rộng vùng nguyên liệu để tạo thêm sản phẩm thân thiện với môi trường.
"Là sản phẩm tự phân hủy và thân thiện với môi trường nên ống hút cỏ bàng "Miền Tây Xanh" của tôi đã nhanh chóng được nhiều người biết đến. Hiện nay, nhiều đối tác tại TP.HCM đã tìm đến cơ sở để đặt hàng. Đặc biệt, thời gian qua sản phẩm đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính" - anh Được chia sẻ.
Trong khi đó, theo Minh Tiến, tại địa phương, hệ sinh thái đồng bưng đang thay đổi lớn. Vùng này trước đây do ngập nước nên cỏ bàng mọc ngút ngàn, giờ đất khô cằn, đồng bàng héo úa, còi cọc nên tỷ lệ cỏ bàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu không nhiều như trước đây. Vì thế, anh đang tính đến việc trồng cỏ bàng hữu cơ với diện tích lên hàng chục ha đất.
Ngoài ra, Minh Tiến còn dự định mở trường dạy nghề cho lao động nông thôn, với những nghề, như: Đan lát và làm ống hút từ cỏ bàng… Hiện, Minh Tiến đang gây dựng 2 cơ sở sản xuất vệ tinh tại hộ gia đình với quy mô 3-4 người làm ống hút.
Theo những ông chủ 8x này, thị trường ống hút cỏ rất lớn, có tiềm năng mở rộng nếu biết cách quảng bá, giới thiệu. Hiện nay người tiêu dùng cũng đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường, như hạn chế sử dụng túi nylon, ống hút nhựa dùng một lần, hay đóng gói bảo quản rau bằng lá cây… Chính vì thế, sản phẩm ống hút sản xuất ra không đủ đáp ứng thị trường. Nhưng khi dịch Covid-19 đến, việc xuất bán ống hút cỏ bàng bị đình đốn. Tuy nhiên, những ông chủ trẻ này tin rằng, khi dịch Covid-19 lắng dịu, sản phẩm ống hút cỏ bàng lại "lên đường xuất khẩu".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.