Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp nông dân một xã 135 ở Hòa Bình có thu nhập tốt hơn
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp nông dân một xã 135 ở Hòa Bình có thu nhập tốt hơn
Phạm Hoài - Tuệ Linh
Thứ năm, ngày 23/11/2023 07:30 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nhiều hộ dân xã Độc Lập (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Clip: Mô hình hỗ trợ dê sinh sản tạo động lực giúp người dân xã Độc Lập phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Người dân xã 135 thoát nghèo nhờ nuôi dê sinh sản
Xã Độc Lập nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 15km. Vốn là xã 135 duy nhất của thành phố, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, bởi vậy đời sống gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, cái nghèo cứ mãi đeo bám.
Nhiều năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống của người dân xã Độc Lập ngày được cải thiện, thu nhập được nâng cao, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang.
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Toàn ở xóm Sòng, xã Độc Lập chỉ biết làm ruộng, năng suất bấp bênh, thu nhập thì thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, nhiều năm gia đình anh luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã.
Cách đây khoảng 3 năm về trước, anh Toàn được nhà nước hỗ trợ 5 con dê giống. Sau một thời gian chăm sóc, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt. Số lượng đàn dê của anh Toàn mỗi năm một tăng dần. Hiện nay, đàn dê của anh phát triển lên 9 con. Cũng nhờ đàn dê, anh Toàn có vốn, cũng như thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập. Ngoài nuôi dê, anh Toàn còn mạnh dạn vay vốn để mua thêm bò để phát triển kinh tế.
"Sau khi đàn dê phát triển, có trong tay được ít vốn, cộng với vay người thân, cuối năm 2021, tôi đã mạnh dạn mua 2 con bò mẹ về để nuôi. Sau 2 năm, từ 2 con bò mẹ đã sinh sản được 5 con bê con. Năm 2022, tôi đã bán đi 2 con bê con với giá 30 triệu đồng", anh Toàn cho hay.
Chỉ tay vào ngôi nhà cấp 4 khang trang vừa mới xây dựng vào năm 2022, anh Toàn phấn khởi nói: "Kể từ ngày được hỗ trợ đàn dê, có vốn phát triển kinh tế, gia đình tôi đã thoát được nghèo; xây dựng được ngôi nhà mới khang trị giá hơn 300 triệu đồng".
Chị Nguyễn Thị Thu Phương ở xóm Sòng, xã Độc Lập cho biết: Được hỗ trợ 5 con dê sinh sản, đồng thời được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh, đàn dê của gia đình luôn phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh. Nhờ chịu khó chăm sóc, đàn dê phát triển rất nhanh, từ 5 con dê ban đầu, đến nay đàn dê của gia đình đã lên tới 14 con.
"Nhờ mô hình nuôi dê sinh sản đã tạo động lực giúp những hộ nghèo như gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định", chị Phương bộc bạch.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo Độc Lập, hơn ai hết anh Nguyễn Trung Kiên (SN 1990, ở xóm Nội, xã Độc Lập), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Độc Lập thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người nông dân "chân lấm tay bùn" tại quê hương, bởi quanh năm, người dân chỉ trồng biết trồng lúa, mãi không khấm khá lên được.
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, anh đã quyết định về quê hương lập nghiệp và thành lập HTX; vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ chỉ trồng lúa sang trồng bí xanh, mướp đắng, đậu cove…, đồng thời lên kế hoạch sản xuất, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người dân.
Theo anh Kiên, để tìm được đầu ra cho bà con anh đã phải lặn lội tìm đến nhiều chợ đầu mối, tìm kiếm thông tin về các thương lái lớn, có uy tín tại các chợ ở Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội… để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Giờ đây, những chợ đầu mối ở các tỉnh này cũng là thị trường tiêu thụ chính của HTX.
"Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng bí xanh, đậu, các loại rau…, mỗi vụ bà con có thể thu tới hàng trăm triệu đồng, nếu không được giá cũng tầm 50 triệu trở lên. Nhiều hộ gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, có cuộc sống ổn định", anh Kiên phấn khởi.
Anh Kiên cho biết, hiện tại, HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập có 70 thành viên chính thức và liên kết với hàng trăm hộ dân trong đó có nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó, HTX còn cung cấp giống, tư vấn kỹ thuật, kết nối bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và các hộ dân tham gia chuỗi liên kết. Doanh thu bình quân mỗi năm của HTX khoảng 5 tỷ đồng chưa trừ chi phí. Ngoài sản xuất nông nghiệp, HTX còn có 50 hộ chăn nuôi dê. Hiện nay, nhiều hộ gia đình chăn nuôi tốt đã có khoảng vài chục con dê để làm vốn phát triển kinh tế.
"Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng kết nối nhiều nguồn lực, triển khai thêm nhiều mô hình kinh tế để giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo", anh Kiên bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện thu nhập, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn xã đã có hàng trăm ha đất trồng bí xanh, đậu cove, mướp đắng và các loại rau khác… Các sản phẩm làm ra đều được HTX liên kết bao tiêu, giúp người dân có được đầu ra ổn định. Ngoài ra, trên địa bàn xã hiện nay, nhiều mô hình chăn nuôi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tính đến hết tháng 10/2023, bình quân thu nhập đầu người của xã Độc Lập đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,25 %, cận nghèo 7,05%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.