Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả lan tỏa thông tin phục vụ người đọc
Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả lan tỏa thông tin tới người đọc
Trần Ngọc Thọ
Thứ sáu, ngày 10/02/2023 18:58 PM (GMT+7)
Chuyển đổi số là điều tất yếu bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới. Vấn đề đặt ra là làm sao có thể bắt nhịp, đón đầu họ ở các nền tảng mới đó?
Mỗi ngày, người Việt dành tới 70 phút để xem video trên Youtube. Phạm vi tiếp cận của Youtube với người Việt đã đạt trên 45 triệu (từ 18 tuổi trở lên). Không chỉ trên màn hình máy tính và điện thoại thông minh, Youtube đã tiếp cận tới 25 triệu người Việt trên màn hình smartTV. Ngoài Youtube, người dùng Việt Nam còn dành nhiều thời gian xem video trên Facebook Watch, TikTok, các ứng dụng xem truyền hình Internet (VTVGo, FPT Play, TV360...) chính là OTT.
Báo cáo "Tương lai của Truyền hình" được The Trade Desk công bố lần đầu tiên dùng từ "Tạm biệt Truyền hình, Xin chào OTT". Trong bản Báo cáo này, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, cùng với Philippines với 36 triệu người xem OTT.
Trong số này, 70% số người được hỏi cho biết, thời gian yêu thích của họ để xem OTT là từ 8h tối đến 12h đêm, tức là cạnh tranh trực tiếp với khung giờ vàng của các Đài truyền hình truyền thống bấy lâu nay.
Như vậy, với báo chí, chuyển đổi số không phân biệt báo lớn hay báo nhỏ. Bởi người viết nghĩ rằng, tạp chí nếu có chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, giữ chân được lượng độc giả trung thành cũng như duy trì được nội dung cung cấp cho độc giả thì khả năng chuyển đổi số thành công thậm chí còn cao hơn là các tờ báo lớn có quy mô, nhân lực đông mà thiếu chiến lược đúng đắn.
Nhận diện thách thức
Từ góc nhìn của mình, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung - Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ với tôi, Tạp chí chuyên về xuất bản học thuật. Qua 22 năm thành lập, phát triển, đặc biệt là những năm gần đây, Tạp chí đã khai thác các thông tin học thuật để chia sẻ với cộng đồng khoa học giáo dục nói riêng, khoa học xã hội nói chung trên các ấn phẩm in bằng tiếng Việt, tiếng Anh và trên website https://tapchigiaoduc.edu.vn/.
Ông nói, từ giai đoạn trước, việc sử dụng và tăng cường sử dụng công nghệ trong xuất bản học thuật và truyền thông đã được các lãnh đạo tạp chí tiền nhiệm quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Đây là xu thế tất yếu, nhưng lộ trình cần cẩn trọng, từng bước và tính toán kĩ để tránh làm đi làm lại nhiều lần, gây tốn kém.
"Trong xuất bản học thuật cũng có rất nhiều vấn đề tranh cãi, đúng sai, thật giả… chứ không đơn giản, đơn thuần. Và cơ hội là chúng tôi phải làm thật sự cẩn trọng, thông tin thật sự có ý nghĩa, để có đóng góp thiết thực cho cộng đồng nhiều hơn nữa" - PGS.TS Nguyễn Tiến Trung.
Trước câu hỏi của người viết "Sự bùng nổ của truyền thông xã hội nhưng thiếu tính tin cậy, độc giả đang bắt đầu có xu hướng tìm về những nội dung chuyên sâu, chuyên ngành, đáng tin cậy. Làm sao để tận dụng được cơ hội này?", PGS. TS Nguyễn Tiến Trung nhìn nhận: "Thách thức chính là ngoài chuyện làm đúng, cần phải nâng cao hiệu quả truyền thông để lan tỏa các thông tin, các giá trị từ các thông tin đó tới đông đảo bạn đọc. Thách thức nữa là chúng tôi cần khai thác tốt hơn, đa dạng hơn và lan tỏa tốt hơn những kết quả nghiên cứu khoa học về giáo dục, khoa học xã hội, về chính sách… liên quan tới thực tiễn đổi mới giáo dục ở Việt Nam để phục vụ đông đảo và đa dạng đối tượng bạn đọc hơn nữa. Và thật may mắn, cộng đồng bạn đọc, cộng đồng các nhà khoa học đã rất ủng hộ chúng tôi nhiều năm qua, cả hỗ trợ chúng tôi về thông tin, tư vấn về cách thức, nguồn thông tin khoa học …, sẵn sàng giúp chúng tôi lan tỏa tới người đọc".
PGS. TS Nguyễn Tiến Trung cũng nhìn nhận rất xác đáng, rằng, sự tồn tại nào cũng có hai mặt, đều có đóng góp cả. Ý là, những nội dung chưa đúng, sai lệch, khi bị phát hiện, dù ít người phát hiện, cũng sẽ giúp cộng đồng cảnh giác, nâng cao ý thức, hiểu biết và trách nhiệm của cộng đồng, cũng như những người làm truyền thông để phục vụ khán, độc giả tốt hơn.
Về việc xây dựng truyền tải thông tin ở dạng điện tử, phát triển Fanpage, Youtube, Tiktok, LinkedIn cũng như các ứng dụng OTT, Tạp chí đã triển khai giai đoạn đầu, còn vừa làm vừa học, vừa đổi mới.
"Chúng tôi có fanpage trên facebook, youtube và zalo official. Tuy vậy, muốn đầu tư bài bản, cần có nguồn lực, cho phù hợp với cộng đồng phục vụ hiện tại của đơn vị cũng như lâu dài" - PGS. TS Nguyễn Tiến Trung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.