Nông dân, doanh nghiệp đều tham gia “cuộc chơi” công nghệ
Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Lâm Đồng (bài 1): Nông dân, doanh nghiệp đều tham gia “cuộc chơi” công nghệ
Văn Long
Thứ tư, ngày 13/10/2021 08:30 AM (GMT+7)
Từ những người nông dân sản xuất nông nghiệp đơn thuần đến các công ty lớn tại Lâm Đồng đều thực hiện chuyển đổi số, hướng đến những nền tảng công nghệ để thay đổi phương thức sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đến khu vực trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của ông Lê Văn Ba – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú (Đức Trọng, Lâm Đồng), phóng viên bất ngờ với sự hiện đại bên trong những gian nhà kính. Nhiều diện tích nhà kính của HTX An Phú đang áp dụng công nghệ thông minh để quản lý nông trại bằng di động, kết nối Internet vạn vật IOT.
"Hiện nay, HTX của chúng tôi có khoảng 60ha rau, hoa các loại, sản lượng nông sản mỗi năm của HTX An Phú lên đến hàng nghìn tấn. 20ha rau, củ, quả của chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong một vài năm trở lại đây, chúng tôi cũng hướng đến cho các xã viên ứng dụng các công nghệ vào trong sản xuất, từ đó giảm được chi phí và làm việc một cách khoa học, bài bản hơn.
Các bạn có thể thấy, trong màn hình điện thoại của tôi có thể thấy rõ được các chỉ số về độ ẩm, nhiệt độ, độ pH, độ EC. Từ việc nắm rõ các chỉ số này, máy tính sẽ tự động phân tích và đưa ra chế độ chăm bón phù hợp nhất cho cây, tối ưu hiệu quả trong sử dụng vật tư nông nghiệp.", ông Lê Văn Ba chia sẻ với phóng viên.
Ông Lê Văn Ba cho biết, năm 2014, HTX của ông Ba cùng các xã viên đã thực hiện sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2015 thì HTX đã xuất bán hàng trăm tấn nông sản sạch cho một công ty vốn nước ngoài chuyên chế biến nông sản đóng tại địa phương.
Hiện, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú sản xuất theo quy trình khép kín gieo hạt - trồng - thu hoạch và đóng gói. Đến nay, HTX An Phú đang đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng, mở rộng nhà kho và trang thiết bị máy móc để phục vụ quy trình chế biến các sản phẩm như củ cải dằm, salad, tương ớt…Việc hoàn thiện quy trình chế biến này sẽ giúp cho HTX thực hiện khép kín từ sản xuất đến đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Doanh nghiệp không ngoài cuộc
Hiện nay, đã có rất nhiều người dân áp dụng công nghệ trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã "đi trước" trong chuyển đổi số từ lâu. Công ty TNHH Dalat Hasfarm là một đơn vị tiên phong như vậy. Đến nay, với trên 300ha, mỗi năm Dalat Hasfarm trồng tới 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống cung ứng cho thị trường trên khắp thế giới. Để đạt được những kết quả như vậy, Dalat Hasfarm đã áp dụng nhiều công nghệ trong quá trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch cũng như quản lý sản phẩm khi bán ra thị trường.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Bảo – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm cho biết: Hiện nay, công ty Dalat Hasfarm đang áp dụng nhiều công nghệ trong các công đoạn của sản xuất hoa xuất khẩu cũng như thiêu thụ tại thị trường trong nước. Từ các công nghệ mà công ty áp dụng nhằm chủ động tạo ra các giống hoa mới, có giá trị trên thị trường. Ngoài ra, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ sẽ giúp cho công ty giảm được nhân công lao động, chất lượng hàng hóa được đảm bảo và giảm giá thành trong quá trình sản xuất.
"Thứ nhất, nhà kính chúng tôi sử dụng được nhập khẩu từ nước ngoài, hệ thống nhà kính có thể đóng mở mái hoàn toàn tự động tùy theo điều kiện thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Nghiên cứu cho thấy, phần mái của nhà kính trong công ty chúng tôi nằm ở độ cao từ 9-12 mét, độ cao này thì không có loại côn trùng nào bay tới để có thể lọt vào nhà kính. Chính vì vậy, khi phần mái mở thì cũng không bị sâu bệnh hại xâm nhập ảnh hưởng tới cây trồng bên trong.
Các loại hoa bên trong nhà kính của chúng tôi sẽ được tưới phân bón, nước bằng hệ thống tự động. Chúng sẽ được pha theo tỷ lệ phù hợp với từng loại hoa, từng giai đoạn phát triển để cây trồng phát triển theo yêu cầu. Nước tưới sau đó cũng được gom lại vào hệ thống bể lọc, sau đó máy móc tính toán xem còn thiếu chất gì, bổ sung rồi lại được bơm lên tưới cho cây trồng theo hệ thống tuần hoàn. Điều này giúp ích rất lớn cho việc tiết kiệm nước, phân bón, chất dinh dưỡng....", ông Nguyễn Văn Bảo chia sẻ.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có khoảng gần 269ha được gắn hệ thống cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, CO2, quản lý dinh dưỡng thông minh, ứng dụng công nghệ IOT (internet vạn vật) trong canh tác cây trồng đã chiếm hơn 20% diện tích đất canh tác toàn tỉnh. Qua đó giúp điều khiển tự động, tiết kiệm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón, giảm công lao động và tăng năng suất chất lượng cây trồng.
Ông Bảo cũng cho hay, chuyển đổi số trong quản lý sâu bệnh cũng được áp dụng triệt để. Các dữ liệu về sâu bệnh sẽ được phản ánh kịp thời đến các kỹ sư thông qua hệ thống máy tính để có phương án giải quyết hợp lý và hiệu quả nhất.
Đặc biệt, chuyển đổi số cũng giúp cho việc bán hàng trên toàn quốc của Dalat Hasfarm được quản lý hiệu quả. Thông qua phần mềm quản lý, thông tin về các mặt hàng được bán ra thị trường sẽ được người quản lý nắm rõ, từ đó điều hành, phân phối hàng hóa một cách hợp lý nhất.
Trong thời gian tới, Dalat Hasfarm sẽ tiếp tục update những công nghệ mới nhất trong sản xuất hoa của công ty để nâng cao sản lượng, chất lượng của các mặt hàng đưa ra thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.