Lâm Đồng: Trồng rau rừng có cái tên lạ trong rẫy cà phê, hái đọt non bán đắt tiền, hái bao nhiêu bán hết veo

Thứ năm, ngày 07/10/2021 13:05 PM (GMT+7)
“Lá nhíp từ lâu đã được xem là thực phẩm trong bữa cơm hằng ngày của người dân đồng bào xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng)...", ông Lê Quang Chương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Nai Thượng cho biết.
Bình luận 0

Theo ông Chương, hiện nay, 1 kg lá nhíp giá dao động từ 30.000- 50.000 đồng tùy theo thời điểm. Chính vì vậy, nhiều hộ dân tại xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đã tìm cách nhân giống đưa về trồng xen trong rẫy điều, cà phê của gia đình. 

"Việc này vừa giúp người dân đảm bảo thức ăn vừa có thêm thu nhập”, ông Lê Quang Chường - Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng chia sẻ.

Lâm Đồng: Trồng rau rừng có cái tên lạ trong rẫy cà phê, hái đọt non bán đắt tiền, hái bao nhiêu bán hết veo - Ảnh 1.

Mô hình sản xuất hai tầng bằng cách trồng xen cây lá nhíp vào cây điều giúp người dân xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) tăng thu nhập đáng kể.

Chúng tôi đến thăm vườn điều trồng của gia đình ông Điểu K’Tôi ở thôn Bi Nao, xã Đồng Nai Thượng vừa lúc ông đang đi hái lá nhíp để kịp giao cho thương lái vào đầu giờ chiều. 

Ông kể, đời sống của đồng bào dân tộc luôn gắn với rừng từ bao đời nay. Thế nên, trong bữa ăn hàng ngày không thể thiếu các loại rau rừng. Trước đây, rừng còn nhiều, rau rừng vì thế cũng phát triển theo với nhiều chủng loại khác nhau. 

Mỗi ngày chỉ cần vào rừng một tiếng đồng hồ là có ngay mớ rau nhíp, mấy củ măng mang về nấu ăn. Nhưng càng ngày rừng càng ít, cây cối cũng chẳng còn như xưa. Rau rừng cũng vậy mà hiếm dần.

Gia đình ông Điểu K’Tôi hiện có 2 ha rẫy trồng điều. Những năm qua, điều mất mùa, mất giá nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. 

Trong khi đó, thời gian gần đây, thương lái địa phương tìm mua loại rau rừng này nhiều để cung ứng cho các nhà hàng, chế biến làm các món ăn đặc sản nên loại rau rừng này cũng trở nên hiếm đi. 

Thấy vậy, ông Điểu K’Tôi nảy ra ý định vào rừng lấy cây về nhân giống trồng xen trong rẫy điều, cà phê của gia đình, vừa đảm bảo thức ăn vừa có thêm thu nhập.

Trên diện tích 2 ha trồng điều, ông Điểu K’Tôi vừa trồng vừa nhân rộng dần. Đến nay, vườn lá nhíp hơn 2 sào của ông đã phát triển tươi tốt. 

Ông Điểu K’Tôi cho biết: “Trước đây, tôi trồng cây lá nhíp chủ yếu để gia đình sử dụng vì đây là món ăn truyền thống của đồng bào địa phương. Hiện, lá nhíp được nhiều người ưa thích, mùa mưa chỉ bán 30 - 40 ngàn đồng/kg, nhưng mùa khô có lúc lên tới gần 70 - 80 ngàn đồng/kg. Từ 2 sào lá nhíp, mỗi năm giúp gia đình tôi thu nhập thêm vài chục triệu đồng”.

Không riêng gia đình hộ ông Điểu K’Tôi, hiện hàng chục hộ dân trong xã Đồng Nai Thượng cũng đã chủ động đưa cây lá nhíp về trồng trong các vườn điều. 

Chị Ka Rẹ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đồng Nai Thượng cho biết: Vài năm gần đây, cây hồ tiêu, điều trên địa bàn thường mất mùa, rớt giá, sâu bệnh phá hoại, vì vậy thu nhập từ lá nhíp đã giúp một số hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trang trải cuộc sống hằng ngày. 

Điều này khiến chị trăn trở tại sao chúng ta không mở rộng diện tích trồng cây lá nhíp để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân? 

Chính vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã nghiên cứu xây dựng mô hình trồng lá nhíp dưới tán điều để triển khai cho các hội viên, nhất là chị em đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo chị Ka Rẹ, mô hình trồng xen rau nhíp đem lại rất nhiều lợi ích nên ngày càng được bà con hưởng ứng. Đến nay, toàn xã đã có hơn 30 hộ dân tham gia trồng lá nhíp. 

Việc nhân giống cây lá nhíp khá đơn giản, có thể trồng bằng hạt hoặc bằng cây con mọc ra từ rễ cây mẹ. Đặc điểm của cây lá nhíp là phải trồng dưới tán cây để hạn chế nắng chiếu trực tiếp khiến lá bị vàng, cứng, không sử dụng được. 

Do đó, loại cây này rất phù hợp trồng xen trong vườn điều, cà phê, vừa có bóng râm vừa tận dụng được nguồn nước tưới, phân bón cũng như quỹ đất trống.

“Rau nhíp ngày càng được nhiều người mua về ăn, chi phí chăm sóc loại cây này chẳng tốn bao nhiêu, chẳng cần chăm sóc kỹ, không bón phân, không phun thuốc, lâu lâu tưới cho nó một lần, vậy là xong. Chỉ cần trồng xen thêm một sào rau nhíp, mỗi tháng một hộ gia đình có thêm triệu bạc, lại tiết kiệm được khoản tiền mua rau”, chị Ka Rẹ nói.

Ông Lê Quang Chường - Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết: Việc áp dụng mô hình sản xuất hai tầng bằng cách trồng xen cây lá nhíp vào cây điều là rất phù hợp.

Nhờ trồng cây lá nhíp, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn thu quanh năm, tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất. Đồng thời, bà con đi nhổ lá rừng về trồng xen trong vườn, hạn chế việc sử dụng công lao động, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức thêm các lớp tập huấn, khuyến nông để hỗ trợ, mở rộng diện tích, hướng đến sản phẩm an toàn. Khi mình tạo được vùng nguyên liệu đảm bảo, xây dựng được thương hiệu thì sản phẩm rau nhíp rừng có mặt trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong tương lai là điều hoàn toàn có thể”, ông Chường cho hay.

Hoàng Sa (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem