Gã mù liều ở xứ núi
“Lại liều” hay “gã mù liều”… là biệt danh mà những người hàng xóm đặt cho anh Đinh Văn Lại. “Mỗi lần hắn ra một quyết định là cả nhà thấp thỏm lo. Người ta hai mắt sáng chưa dám nghĩ tới, vậy mà hắn vẫn cứ làm bất chấp những can ngăn của người thân…” – người chị của anh Lại đã bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Chị Duyên: “Tôi chưa bao giờ hối hận khi làm vợ một người mù như anh“. Phan Phương
Nhưng với anh Đinh Văn Lại, một người đàn ông bị mù, thì chính những quyết định “liều lĩnh” đó đã giúp anh tìm ra ánh sáng của cuộc đời.
Sinh ra trên mảnh đất miền núi nghèo, thuở thiếu thời Đinh Văn Lại vốn là một chàng trai khỏe mạnh và đầy ước mơ. Năm 1975, khi đó Lại là đội phó đội thủy lợi của xã Lâm Hóa. Khi đội thủy lợi của Lại đang đào mương dẫn nước về làng thì vấp phải một tảng đá lớn. Không thể bỏ phí công sức của anh em bấy lâu, Lại và đội trưởng quyết định dùng mìn để phá đá. Nhưng chẳng may quả mìn nổ trên tay khiến Lại mất hẳn đôi mắt, lúc đó anh mới 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. “Đã nhiều lần tôi định tìm đến cái chết, nhưng cứ nghĩ đến cái cảnh mẹ đã khóc hết nước mắt khi hay tin hai anh hy sinh thì tôi không còn đủ can đảm để chết”– anh Lại kể.
Không thể chết nhưng sống thì phải có cách gì để sống chứ. Lúc đầu Lại mò mẫm tìm đến những người già trong làng học cách làm ống điếu để mẹ đem ra chợ bán. Làm được ống điếu rồi, anh tiếp tục mò mẫm đi xin những vỏ lon sữa bò hiếm hoi trên vùng núi này về đục thành những cái bàn mài sắn (mì) bán cho bà con. Nhưng rồi nhu cầu của làng có hạn nên anh không thể sống mãi được bằng cái nghề ống điếu, bàn mài mãi....
Năm 1980, sau một bữa cơm chiều, Lại đưa ra một quyết định làm cả nhà… bật ngửa: “Ngày mai con sẽ đi buôn!”. Nghe được ý định này của anh, người nhà thương và lo cho anh, kẻ đố kị nói anh bị “chạm mạch”! Còn anh chỉ cười: “Mình không thể ăn bám vào mẹ già, mình phải… liều thôi”. Khuyên mãi không xong, người chị đành cho đứa cháu đi theo dẫn đường cho cậu. Vì cháu còn phải đến trường nên hai cậu cháu chỉ có thể đi lấy hàng vào ngày cuối tuần. Ngày đó, hình ảnh đứa trẻ dắt người mù gùi đầy hàng vượt suối trèo rừng vào những ngày cuối tuần đã trở nên quen thuộc và xúc động với những thôn làng mà anh đi qua. Tiền lời từ những món hàng nhỏ chẳng đáng là bao, nhưng đối với anh, đó là một nguồn động viên vô cùng lớn. Số tiền kiếm được, anh chi tiêu thật dè xẻn, để dành vốn cho những ước mơ lớn hơn…
Khi nhu cầu đi xe đạp của bà con trong xã tăng lên, ngoài những thứ hàng tạp hóa như trước, anh còn mua thêm phụ tùng xe đạp về bán. Và rồi những lúc rảnh rỗi, anh lấy chiếc xe đạp cũ ra quờ quạng mày mò học sửa. Với sự quyết tâm và niềm tin mãnh liệt, anh Lại đã cho xuất xưởng chiếc xe đạp “made in… Lại mù” đầu tiên vào năm 1998, một sự kiện đã làm chấn động xã Lâm Hóa lúc bấy giờ...
Tôi chưa bao giờ hối hận khi phải làm vợ một người như anh. Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu thì tôi tin sự đồng kham cộng khổ của hai vợ chồng, chúng tôi sẽ vượt qua. Chỉ thương cho anh là không thấy được mặt vợ và đứa con yêu của mình!” - chị Duyên
Chuyện tình “dữ dội”
Thời điểm ấy, anh Lại không những kiếm được tiền mà còn kiếm được nhiều tiền từ việc lắp ráp xe đạp bán khiến cả nhà anh ai cũng mừng. Người vui nhất có lẽ là mẹ anh, bà nói với anh: “Nếu mi cưới được vợ nữa là mẹ yên tâm nhắm mắt được rồi”. “Con mù lòa như ri có ma nó lấy” – Lại trả lời mẹ. Thấy bà im lặng, anh biết mẹ buồn nên trong lòng lại tự nhủ mình phải quyết tâm lấy vợ cho bằng được.
Công việc hàng ngày của anh Đinh Văn Lại để nuôi sống gia đình. (Ảnh: Phan Phương)
Anh Lại kể, những ngày được đứa cháu dắt đi buôn, anh thường đem hàng hóa (là những đặc sản của rừng) bán cho một cửa hàng ở thị trấn Đồng Lê. Chủ cửa hàng có một cô con gái xinh đẹp tên Duyên đã đến tuổi lấy chồng. Vì muốn giữ mối hàng với anh, chủ nhà thường hay trêu: “Mi cứ đưa hàng đến đây bán cho choa (tao), vài bữa choa gả con Duyên cho”. Nghe chủ nhà nói vậy, anh quay sang hỏi nhỏ đứa cháu 3 câu hỏi: “O Duyên có khỏe mạnh không? Ngực có to không? Mông có to không?” Khi nghe 3 tiếng “có” từ miệng đứa cháu, anh Lại mỉm cười, bụng thì nghĩ: “Lấy vợ chỉ cần có vậy!”
Từ hôm đó, thay vì chỉ đến giao hàng rồi về như trước đây, Lại thường nán lại lâu hơn, tìm cách tiếp cận để được nói chuyện với Duyên. Có một điều mà bố mẹ của chị Duyên không ngờ tới là không biết từ bao giờ chính chị Duyên đã có tình cảm đặc biệt với người thanh niên tuy mù lòa nhưng rất bản lĩnh này rồi. Cứ cuối tuần mà không thấy anh Lại xuất hiện ở ngõ nhà là chị Duyên đứng ngồi không yên, nhớ nhung vô cùng...
Một ngày, anh Lại cầu hôn và chị Duyên đã chấp nhận đón nhận tình yêu của chàng trai mù. Thế nhưng, khi gia đình chị Duyên biết được thì họ đã quyết liệt ngăn cản. “Bao nhiêu thằng sáng mắt không ưng lại đi ưng một thằng mù, rồi khổ cả đời con ạ!”- bố mẹ chị Duyên nặng nhẹ với con gái. Nhiều lần thuyết phục không được, anh Lại bàn với chị Duyên đánh bài liều. Anh Lại về nhà bảo mẹ chuẩn bị đồ lễ đem xuống nhà chị Duyên để hỏi vợ. Mặc cho gia đình “đằng trai” đã nói hết lời, gia đình “bên gái” vẫn kiên quyết không chấp nhận.
“Tui rút con dao đã thủ sẳn dí vào cổ mình rồi hét lớn: Nếu không cho tui cưới Duyên thì tui chết ở đây cho mọi người coi. Khiếp quá, không còn cách nào khác, bố mẹ Duyên mới chấp nhận cho chúng tôi lấy nhau. Thế là tui có vợ”- anh Lại “mù” bẽn lẽn kể lại câu chuyện đi lấy vợ một thời “chấn động” xứ núi.
Mỗi lần hắn ra một quyết định là cả nhà thấp thỏm lo. Người ta hai mắt sáng chưa dám nghĩ tới, vậy mà hắn vẫn cứ làm bất chấp những can ngăn của người thân…” - Chị của anh Lại
Hạnh phúc gian khó nhưng bền chặt
Cuối cùng đám cưới cũng được tổ chức, chị Duyên, một cô “tiểu thư” ở thị trấn cắp nón về làm dâu một anh chàng mù ở xứ núi xa xôi. Ngày đó, nhờ cái tiệm lắp ráp và sửa chữa xe đạp nên cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cũng chưa mấy khó khăn. Một năm sau, một đứa con trai kháu khỉnh ra đời và hạnh phúc của họ như được nhân đôi...
Thế nhưng, dù ở xứ núi, cuộc sống ngày một nâng cao, người dân chuyển sang sử dụng xe máy nhiều hơn, tiệm sửa chữa xe đạp của anh Lại ngày một vắng khách. Nếu trước đây mỗi ngày anh Lại kiếm được tiền trăm mỗi ngày thì nay mỗi ngày anh chỉ kiếm được vài chục ngàn. Trong khi đó, đứa con trai của họ lại đang tuổi ăn học. Mấy năm gần đây, sức khỏe của chị Duyên lại giảm sút, mắc phải nhiều chứng bệnh. Mới đây, chị Duyên phải nhập Bệnh viện Trung ương Huế để mổ sỏi mật. Khoảng thời gian đó quả là khó khăn đối với anh Lại.
Vì đứa con đang phải đi học, một mình anh vừa phải kiếm tiền vừa phải chăm vợ. Hình ảnh một người đàn ông mù tận tình chăm vợ bệnh nặng ở bệnh viện khiến ai nhìn thấy cũng cảm động và cảm thương... Hơn 20 năm làm vợ một người mù, dù cuộc sống có lúc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng chưa bao giờ hàng xóm nghe chị Duyên nói câu gì nặng lời với anh Lại. “Tui chưa bao giờ hối hận khi phải làm vợ một người như anh. Chỉ thương cho anh là không thấy được mặt vợ và đứa con yêu của mình!” – chị Duyên tâm sự.
Còn anh Lại, khi nghe người vợ hiền nói vậy, anh siết chặt tay vợ mỉm cười, một nụ cười mãn nguyện, dù anh biết rằng cuộc sống ở phía trước của hai vợ chồng sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.